Chủ động, khẩn trương ứng phó siêu bão Haiyan

Chủ động, khẩn trương ứng phó siêu bão Haiyan

Ngày 9/11, các đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh đồng loạt triển khai các phương án ứng phó với bão Haiyan sắp đổ bộ vào nước ta. Các phương án phòng chống bão được triển khai khẩn trương với tinh thần xung kích cao nhất, nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản do bão gây ra.

Ngày 9/11, các đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh đồng loạt triển khai các phương án ứng phó với bão Haiyan sắp đổ bộ vào nước ta. Các phương án phòng chống bão được triển khai khẩn trương với tinh thần xung kích cao nhất, nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản do bão gây ra.

Ke-xom-Ro.jpg

Bộ đội tham gia xây kè xóm Rớ - Ảnh: M.DUYÊN

* Tại TX Sông Cầu, sáng 9/11, đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã kiểm tra và chỉ đạo công tác đối phó bão Haiyan. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TX Sông Cầu đến chiều cùng ngày tất cả các hộ dân thuộc diện di dời khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm các hộ dân cam kết di dời. Đối với các lồng bè nuôi thủy sản, đa số người nuôi đã di dời lồng bè đến các vùng nước êm, an toàn. Các tàu thuyền hiện được neo đậu an toàn vào các khu neo đậu, có hơn 200 tàu thuyền trên địa bàn TX Sông Cầu đang hoạt động ngoài địa bàn, địa phương đã liên hệ với các chủ phương tiện này và tất cả đã được vào các khu neo đậu, tránh trú an toàn.

Thị xã có 256 hộ với 1.122 người có khả năng bị ảnh hưởng nước dâng, triều cường, tập trung ở các khu vực dân cư thuộc các xã, phường tiếp giáp với biển gồm: thôn 2 (xã Xuân Hải), Hòa An (xã Xuân Hòa), Vịnh Hòa, Từ Nham (xã Xuân Thịnh), Dân Phú 2 (xã Xuân Phương), An Thạnh (phường Xuân Đài). Toàn thị xã có hơn 950 hộ với khoảng 3.450 người ở các xã, phường có khả năng bị ảnh hưởng bởi ngập úng, lũ lụt, sạt lở núi, lũ quét. Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Công an tỉnh đã cử 15 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ thị xã đối phó với bão. Đối với các vùng xung yếu, triều cường, thị xã đã chỉ đạo di dời dứt điểm người già, trẻ em, phụ nữ trước 19 giờ ngày 9/11 đến các nơi an toàn. Kiên quyết không cho người ở lại trên các lồng bè nuôi thủy sản và tàu thuyền”.

cuong-che131110.jpg

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TX Sông Cầu đưa ngư dân trên tàu vào đất liền tránh trú bão - Ảnh: D.T.X

* Tại huyện Tuy An, sáng 9/11, đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo Sở Tài chính, Bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện Tuy An kiểm tra công tác phòng chống bão Haiyan. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy An, hồ chứa nước Đồng Tròn đang mở tràn, mực nước ở cao trình 28,5m, cao hơn đáy tràn 0,5m; các đập dâng như: Tam Giang, Hà Yến, Đồng Kho, Ông Tấn… đang mở chưa trích nước. Tại các xã An Chấn, An Hải, An Ninh Đông còn 175 lồng nuôi tôm hùm, cá và 10 hộ đang nuôi ốc hương tại Hòn Chùa (xã An Chấn) với khoảng 320 vạn con (hình thức nuôi đáy). Các lồng bè này đã được hạ độ sâu và di dời ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nước ngọt. Ngoài ra, địa phương cũng đang di dời 1.712 hộ dân, gồm 6.174 người ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng do triều cường, ngập lụt, sạt lở núi… thuộc khu vực yêu cầu phải sơ tán ra khỏi nơi tránh trú. Trước mắt, các hộ dân này được đưa đến các nhà, công trình kiên cố có khung sàn bằng bê tông cốt thép cách bờ biển ít nhất 500m.

* Tại huyện Tây Hòa, đến 15 giờ ngày 9/11, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã hoàn tất công tác phòng chống siêu bão Haiyan cũng như lũ lụt có thể xảy ra sau bão. UBND huyện chỉ đạo đốn tỉa tất cả các cây cao, cây có khả năng bị ngã đổ, tháo gỡ các pa nô, bảng tuyên truyền để tránh bị gió cuốn bay. UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão, rà soát các phương án tránh bão theo phương châm “4 tại chỗ”; thống kê, tổ chức di dời các hộ dân ở những khu vực ven sông và vùng trũng thấp. Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện cũng như các xã, thị trấn, cơ quan đều phân công trực 24/24. Đặc biệt, tại các điểm xung yếu, có khả năng bị chia cắt khi xảy ra lũ như thôn Phú Phong (xã Hòa Đồng), thôn Mỹ Cảnh, thôn Cảnh Tịnh (xã Hòa Thịnh), thôn Thạch Bàn (xã Hòa Phú), huyện chỉ đạo các địa phương này chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời các hộ dân, cũng như tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết.

* Tại huyện Phú Hòa, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt, bão tại các xã, thị trấn; đồng thời theo dõi các địa điểm xung yếu trên địa bàn như xóm Bến (xã Hòa Hội), xóm Búng (xã Hòa Định Tây), kè Phú Lộc (xã Hòa Thắng)… Theo ông Lê Ngọc Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, tùy theo từng cấp độ bão, lụt, các xã, thị trấn sẽ di dời dân theo phương án phù hợp. Hiện toàn huyện có khoảng 864 hộ với 3.285 người dự kiến được di dời nếu có bão từ cấp 8 đến cấp 10 đổ bộ; bão trên cấp 10 thì 1.635 hộ với 6.303 người phải di dời. Trường hợp xảy ra lũ lụt, dự kiến tối đa khoảng 3.329 hộ với 12.250 người sẽ được di dời đến nơi kiên cố, cao ráo. Đây là những hộ ở các vùng trũng thấp, vùng thường xuyên bị lũ quét ở huyện Phú Hòa. Ông Tính cho biết: Huyện đang theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão Haiyan, thông báo cho người dân biết tình hình mưa, lũ để chủ động phòng tránh; đồng thời thực hiện các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ” ở từng thôn, xóm và nhóm hộ gia đình ở những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị chia cắt khi có thiên tai, bão, lũ xảy ra…

* Tại huyện Đồng Xuân, đến 17 giờ ngày 9/11, hàng ngàn người ở thôn Tân Long, Tân Hòa (xã Xuân Sơn Nam), xóm Giữa, khu phố Long An (thị trấn La Hai), xóm Soi, thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước)… di dời đến nơi an toàn.

Tại xóm Giữa, người dân gánh các vật dụng trong nhà, vào trú tạm ở HTX nông nghiệp Châu Bình (thị trấn La Hai) và Trung tâm Văn hóa thể thao huyện. Người dân ở thôn Tân Long, Tân Hòa (Xuân Sơn Nam) di dời đến nhà người quen trong xóm Núi Kỳ, Núi Đất. Người dân xóm Soi thôn Phước Hòa, xóm Soi Gò Bông, thôn Phú Xuân A (xã Xuân Phước) di chuyển lúa thóc, trâu bò vào Trường tiểu học Xuân Phước số 2, Trường mẫu giáo Gò Bông. Khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét ở Gò Cốc, thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2), Suối Cối 1 (xã Xuân Quang 1), Lãnh Trường, Lãnh Vân (xã Xuân Lãnh) di dời đến nơi cao an toàn….

* Tại huyện Sông Hinh, ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, đến sáng 9/11 nước tại các hồ thủy lợi trong huyện dâng cao, tràn ra các sông suối và đổ ra đường gây ngập một đoạn trên quốc lộ 29 qua thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang và một số tuyến đường xã trong huyện, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Sáng 9/11, đường tạm dẫn vào cầu Ea Trol đang thi công bị nước cuốn trôi. Một người dân điều khiển xe máy qua đường này bị rơi xuống cầu, nước cuốn trôi mất xe. Do cầu chỉ mới lao dầm, chưa đổ bê tông mặt cầu nên đơn vị thi công phải lót ván để người dân đi lại tạm thời. Ngoài ra, do nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, đất đá cũng đã bồi lấp 4 đập dâng thủy lợi ở huyện Sông Hinh. Kênh mương ở xã Ea Trol bị sập 2m, kênh mương của hồ chứa nước La Bách bị tắc tại cầu máng khiến nước tràn qua kênh phía thượng lưu. 5,9ha sắn bị ngập úng, nhiều diện tích mía bị đổ ngã; 3 con trâu bò bị cuốn trôi; nhiều diện tích đất sản xuất ở thị trấn Hai Riêng, xã Đức Bình Tây và Sông Hinh bị sạt lở.

Trước tình hình này, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sông Hinh yêu cầu các địa phương, đơn vị cử người theo dõi diễn biến mưa lũ, ứng trực 24/24 giờ để chủ động đối phó. Cử người ứng trực tại các điểm giao thông bị ngập nước như tràn qua quốc lộ 29 tại thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, tràn qua suối Ea Bia và cầu EaTrol để hướng dẫn người dân đi lại…

3.jpg

Cắt tỉa cây xanh tại thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) - Ảnh: V.TÀI

* Tại huyện Sơn Hòa, đến chiều 9/11 công tác phòng, chống bão của người dân được triển khai khẩn trương, với các phương án cụ thể. Các xã, thị trấn thông báo tình hình bão trên hệ thống phát thanh 1 giờ/lần để người dân cập nhật chủ động ứng phó. Tại khu vực thị trấn Củng Sơn, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đồng loạt ra quân cắt tỉa các cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết đến cuối ngày huyện đã hoàn tất công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão. Trước đó trong buổi sáng cùng ngày, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phân công phụ trách địa bàn đã xuống cơ sở để chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão tại các địa phương; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, chỉ đạo lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích ứng trực 100% tại các địa phương, đơn vị và chuẩn bị lực lượng khi có tình huống xấu xảy ra. “Hiện có một số hộ dân ở tỉnh Quảng Ngãi vào các xã Suối Bạc, Sơn Phước thuê đất trồng dưa tại các bãi soi ven sông Ba nên ngay trong buổi sáng 9/11 huyện đã chỉ đạo người dân di dời vào các nơi an toàn”, ông Phụng nói.

* Ban quản lý Dự án thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên, cho biết đến chiều 9/11 đoạn kè chắn sóng dài 60m bằng rọ sắt, đá hột tại xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa bị sóng biển đánh sập trước đó đã được gia cố xong nhằm hạn chế nước biển xâm thực vào đất liền, bảo vệ nhà cửa, tài sản của dân. Để thi công đoạn kè này, ngoài lực lượng nhân công của DNTN Tư Thửng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 30 chiến sĩ giúp chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công kè.

* Sáng 9/11, Sở Y tế tổ chức họp khẩn, triển khai các biện pháp phòng, chống bão Haiyan. Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát diễn biến thời tiết và có kế hoạch chủ động đối phó với bão, phát huy phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra. Các đơn vị khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc sơ tán bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão đến nơi an toàn; có kế hoạch sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ ngập, úng; chuẩn bị vật tư, thuốc, hóa chất; cử lực lượng trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ để thu dung và cấp cứu bệnh nhân trong thời điểm trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền.

Dược sĩ Đặng Phúc Liêm, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết ngoài 38 cơ số thuốc đã cấp về các đơn vị, dịp này Sở Y tế tiếp tục cấp 30 cơ số thuốc cho Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa (mỗi đơn vị 5 cơ số thuốc). Nếu bão ảnh hưởng đến Phú Yên, lãnh đạo sở sẽ dùng 100 cơ số thuốc đang dự trữ tại Công ty cổ phần PYMEPHARCO cấp tiếp cho các tuyến. Riêng thuốc khử trùng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp đầy đủ cho các địa phương.

Hy-bao-cat131106.jpg

Người dân dùng bao cát đè lên mái nhà tole - Ảnh: X.HIẾU

* Sáng 9/11, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chống bão. Ý thức được tác hại do bão gây ra, nhiều hộ gia đình cũng đã chủ động đối phó với bão Haiyan bằng cách chặt tỉa cành, đốn hạ bớt một phần những cây cao có khả năng ngã đổ; dùng bao cát đè lên mái nhà tole; neo đậu, chằng cột lại tàu thuyền cho thật chắc chắn; các thuyền nhỏ, thúng chai thì được đưa lên bờ; nhiều biển bảng quảng cáo, pa nô cũng đã được tháo dỡ… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 11

Để phòng chống cơn bão Haiyan, Sở GD-ĐT Phú Yên cho phép học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 9 đến hết 11/11. Các trường rà soát toàn bộ cơ sở vật chất và có phương pháp phòng tránh bão hiệu quả. Việc sơ tán thiết bị, dụng cụ dạy học đến nơi an toàn phải hoàn thành trước 10 giờ ngày 10/11.

THÚY HẲNG

NHÓM PHÓNG VIÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn