Hồi 13 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 115,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 13 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc; 112,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 13 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 109 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13 - 14, giật cấp 15, cấp 16; biển động dữ dội. Từ sáng 3/11, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13; biển động dữ dội
Để đánh giá tình hình và đưa ra những chỉ đạo trong ứng phó với bão số 12 (tên quốc tế là Krosa), sáng 2/11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết: Hiện bão vẫn duy trì cường độ rất mạnh, cấp 12, cấp 13 với hướng di chuyển phức tạp, càng vào gần đất liền thì bão càng có hướng di chuyển lệch về phía nam. Các mô hình dự báo trên thế giới đều đưa ra dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, bão sẽ suy yếu, khả năng khi đổ bộ vào đất liền sẽ chỉ còn là một vùng áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, bão vẫn gây nguy hiểm cho tàu, thuyền khi hoạt động trên biển. Do ảnh hưởng của bão số 12, sẽ gây ra một đợt mưa vừa và mưa to trên diện rộng các tỉnh từ Hà Tĩnh cho đến Phú Yên, có thể mở rộng sang Khánh Hòa và sang phía bắc của Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai. Đợt mưa này khả năng sẽ kéo dài từ 4/11 đến 7/11.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, bão số 12 được dự báo có khả năng suy yếu khi vào bờ, nhưng các địa phương và người dân tuyệt đối không được chủ quan; cần tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển không đi vào khu vực nguy hiểm. Đặc biệt lưu ý các tàu nhỏ hoạt động ven bờ không được trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc.
Cũng trong sáng 2/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 82/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ứng phó bão số 12.
L.HỘI (tổng hợp từ TTDBKTTVTU,