Thứ Năm, 10/10/2024 01:16 SA
Vất vả nghề cạo mủ cao su
Thứ Sáu, 09/08/2013 09:00 SA

Vài năm trở lại đây, giá thu mua mủ cao su lên cao nên nhiều người dân huyện miền núi Sơn Hòa đã tập trung đầu tư vào loại cây này. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con không những khấm khá hơn, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại các địa phương, nhất là lao động nữ. Tuy nhiên, những gian nan, hiểm nguy của nghề cạo mủ cao su cũng chưa thể nào giảm bớt được.

 

CAOMU130810.jpg

Cạo mủ cao su là nghề vất vả đối với lao động nữ - Ảnh: Q.HÙNG

NGỦ NGÀY THỨC ĐÊM

 

Trời chập tối, khi mọi người đã kết thúc một ngày làm việc và bắt đầu nghỉ ngơi thì chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (quê ở Bình Phước, thường trú tại xã Sơn Định, Sơn Hòa) lại lục đục chuẩn bị cho công việc của mình. Hành trang của những phụ nữ đi cạo mủ cao su này ngoài con dao cạo, đèn pin, xô đựng mủ, khẩu phần ăn giữa khuya còn có vài cây nhang muỗi. Chị Thắm giải thích: “Tối nào đàn muỗi cũng vo ve xung quanh, chực chờ chích vào mặt, vào tay của thợ cạo mủ, nhất là vào những ngày mưa. Do đó, ngoài dao cạo, chiếc đèn pin gắn trên trán, đôi ủng (mang để không bị rắn rết cắn) thì những cây nhang trừ muỗi luôn là vật bất ly thân của người làm nghề này”. Hai tay xách 2 xô để đựng mủ cao su, chị Thắm cho biết, từ năm 15 tuổi, chị đã theo mẹ học cạo mủ cao su nên nếu tính tuổi nghề thì khá dày dặn. Nghề này không cần trình độ, được cầm tay chỉ việc vài lần là có thể làm được ngay nhưng nếu ai không chịu khó thì rất dễ bỏ cuộc. Theo chị Thắm, mọi người thường gọi đùa nghề cạo mủ cao su là nghề “ngủ ngày thức đêm”, nói vui nhưng cũng là sự thật. Hàng ngày, người cạo mủ cao su phải bắt đầu công việc từ 7g tối và kết thúc tầm 4g sáng nên các chị em thường đi ngủ sớm, đến chập tối thì dậy đi làm vì lúc này cao su mới bắt đầu ra mủ.

 

Còn chị Hồ Thị Thanh, một thợ cạo mủ cao su ở xã Sơn Long (Sơn Hòa) cho hay, những ngày còn trẻ, khỏe, chị thường lên các tỉnh Tây Nguyên cạo mủ cao su thuê; nay luống tuổi rồi nên về quê làm nghề. Để kiếm được đồng tiền, những người cạo mủ cao su phải vượt qua nỗi sợ của bản thân, phải chịu thức đêm ngủ ngày, chấp nhận rủi ro và tai nạn nghề nghiệp như rắn, rết, bò cạp... luôn rình rập, chỉ cần không để ý là chúng “xơi” ngay hoặc nhẹ hơn là vấp phải những cành cây khô nằm ngổn ngang ven lối đi và ngã lăn ra đất. Điều đáng lo nhất đối với phụ nữ làm nghề này là có những gã đàn ông rình rập chờ chị em sơ hở để giở trò chọc ghẹo. Vì vậy, chị em thường đi theo nhóm, tụm năm tụm bảy để còn hỗ trợ nhau. Ngoài ra, nỗi lo bị mất cắp phương tiện, đồ đạc cũng rất thường trực. “Bao năm tôi làm việc, dành dụm mua được chiếc xe để tiện đi làm. Nhưng không may, hôm trước, tôi để xe giữa rẫy, chăm chú làm việc, đến khi cạo xong quay lại thì thấy xe đã không cánh mà bay. Về nhà, tôi chẳng biết giải thích sao với chồng con”, chị Thanh kể.

 

VẤT VẢ, CỰC NHỌC

 

22g đêm, những rẫy cao su ở xã Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân bừng sáng ánh đèn pin. Giữa ánh sáng lúc tỏ lúc mờ, các chị em làm nghề dùng dao rạch 1 đường dài quanh thân cao su để cho mủ chảy vào chén gỗ gắn trên cây; cứ thế lần lượt hết cây này sang cây kia, hàng này qua hàng nọ. Sau khi rạch mủ xong các chị em nghỉ ăn khuya khoảng 2 giờ rồi quay lại đổ mủ vào xô, đem về cho chủ.

 

Dễ dàng nhận ra đặc điểm của những phụ nữ làm nghề này là đôi mắt thâm đen, nhan sắc phai dần vì phải thức đêm từ ngày này qua tháng nọ. Bù lại, tiền công cao hơn những nghề bán sức lao động khác nên nhiều người vẫn kiên trì theo đuổi. Chị Bùi Thị Kim Thoa, một thợ cạo mủ cao su quê ở xã Sơn Xuân chia sẻ: Mỗi tiếng đồng hồ, những người thợ lành nghề có thể cạo được 250 cây cao su. Mỗi tháng, người nào chăm chỉ có thể kiếm từ 10 đến 12 triệu đồng. Nữ mà làm cái nghề này khó mà lập gia đình được. Thành ra, dù biết cái nghề này có thu nhập khá hậu hĩnh nhưng gian nan, hiểm nguy quá nhiều nên chúng tôi đều không muốn con cái theo nghiệp. Đây cũng chính là nỗi lòng của không ít phụ nữ làm nghề cạo mủ cao su. Dù không còn lo lắng chạy bữa như những năm về trước, nhưng chị Trần Thị Hiền ở xã Sơn Định vẫn canh cánh một điều: “Ban đêm đi làm phải bỏ 2 đứa nhỏ ở nhà, bố thì cũng đi làm thuê nơi khác nên không ai trông coi cũng sợ”.

 

Rảo bước theo nhịp đi của các chị, tôi mới hiểu thêm khó nhọc của những phụ nữ cạo mủ cao su đã lập gia đình. Với họ, ngoài thời gian ở trên các rẫy cao su rậm rạp, tranh thủ phút nào là tạt nhanh về nhà chăm sóc con cái phút ấy. Quanh năm suốt tháng như thế, đời sống của họ gắn liền với những rẫy cao su, họ bắt đầu làm từ tháng 4 năm trước đến tháng Giêng năm sau, chỉ đến khi cao su rụng lá thì họ mới nghỉ ngơi và kiếm việc làm thêm khác để chờ vụ tới. Mặc dù vất vả nhưng cũng nhờ cao su mà hàng trăm lao động nữ ở các xã có việc làm ổn định. Nhiều người nhờ cạo mủ cao su thuê mà sắm được xe máy, sửa sang được nhà cửa và có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng.

 

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek