Vượt qua bao đèo núi, qua suối Sầm, suối Trăng, suối Trưởng... mới đến làng Bà Đẩu (thuộc thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân). Dù ở miền sơn cước xa xôi cách trở như vậy, nhưng những người dân Chăm H’roi nơi đây luôn vượt khó để vươn lên trong cuộc sống, xây dựng làng xóm ngày càng giàu đẹp. Già làng Ma Tướng hồ hởi: Bà con trồng nhiều mía, sắn, bò... thu nhập khá hơn trước. Nhiều gia đình thi nhau xây nhà mới để đón Tết, vui xuân.
![]() |
Nhà mới của Oi Nhường
|
Làng Bà Đẩu đã thành lập cách đây cả trăm năm rồi, nhưng tôi ngỡ như vừa mới xây dựng. Bởi ở đây có nhiều ngôi nhà đang cất dở dang. Cả làng chỉ còn vài ngôi nhà sàn cũ kỹ và nổi bật là sự hiện hữu của hàng chục ngôi nhà tường xây, ngói mới toanh… Ở ngay đầu làng, nhiều nhà mở nhạc xập xình, tiếng hát vang vọng cả một vùng rừng núi vốn heo hút. Chủ tịch xã Xuân Quang 1 Tạ Đức Kính cho hay: “Trước đây, 66 hộ dân tộc thiểu số ở làng Bà Đẩu sống trong những ngôi nhà sàn đơn sơ, người dân luôn đói nghèo, phải nhờ địa phương trợ cấp hàng năm. Nhưng bây giờ, đời sống tinh thần và vật chất đã được cải thiện rất nhiều. Hiện chỉ còn 3 hộ chưa xóa được nhà tạm”.
Theo ông Kính, diện mạo làng Bà Đẩu thay đổi như vậy là nhờ chương trình trung tâm cụm xã, chương trình 135, 134 của Chính phủ đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ cho dân. Thêm vào đó, đa số bà con ở đây biết đổi mới cách làm ăn, biết giúp đỡ nhau để vươn lên vượt qua đói nghèo. Tôi hỏi: Bà con lấy đâu ra tiền mà thi nhau xây dựng hàng loạt nhà mới khang trang? Ông Kính cho biết: Chương trình 134 đã hỗ trợ vốn cho 16 hộ dân xóa nhà tạm. Còn lại cả chục hộ dân tự tích lũy tiền rồi giúp nhau xây nhà…
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vừa mới xây dựng, nền lát gạch men bóng lộn, Oi Nhường luôn miệng khoe: “Làm gần cả đời mới cất được nhà mới, tui ưng cái bụng lắm!” Ngoài lo cái ăn, cái mặc, để tích lũy được 25 triệu đồng xây căn nhà mới, Oi Nhường phải đổ mồ hôi trên lưng áo bạc qua bao mùa trồng rẫy mía, nương ngô… Nhìn nếp nhà sàn nhỏ, mái tranh dột nát mà gia đình ông sống hàng chục năm qua vẫn còn bên cạnh đó, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của Oi Nhường. Từ đôi bàn tay trắng, bây giờ Oi Nhường có một cơ ngơi khang trang nhất nhì trong làng. Giống như Oi Nhường, các anh Ma Dũng, Ma Phế, Ma Đức, Ma Sang… cũng sản xuất giỏi, đời sống ngày càng khá hơn trước.
Ở “xóm” trên làng Bà Đẩu, chúng tôi bắt gặp anh Ma Nở đang hì hục khuân vác vật liệu cho cánh thợ hồ trang trí mặt tiền của ngôi nhà mới xây dựng. Hộ Ma Nở được Ban Dân tộc hỗ trợ 6 triệu đồng xây dựng nhà ở theo chương trình 134 trong năm 2006. “Khi lập gia đình, trong tay tui chỉ có cái rìu cái rựa. Từ đó, tui cố gắng khai hoang đất đai làm rẫy. Nhờ cán bộ hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, nên thu hoạch được nhiều lúa, mía, sắn… Trước Tết lại được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây nhà, tui vui nhiều lắm” - Ma Nở tâm sự. Ở cạnh đấy, ngôi nhà của già làng Ma Tướng với nhiều khóm hoa vạn thọ khoe sắc thắm, nhiều người lớn tuổi đang xúm xít uống trà và đàm đạo chuyện vui xuân, đón Tết. Già làng Ma Tướng hồ hởi: “Làng này nằm dọc theo con đường ĐT647, Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, bà con có điều kiện rất thuận lợi để sinh hoạt cộng đồng, phát triển sản xuất và cải thiện đời sống về mọi mặt. Có người bảo rằng ở đây thời tiết nắng gắt, lại thiếu nước tưới làm cho sản xuất bấp bênh, nên khó có thể phát triển kinh tế. Tôi thấy nhiều người dân trong làng như Oi Nhường, La Lan Đức, Ma Phiếu… đã chăn nuôi bò đàn, xây dựng trang trại với hàng chục ha trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp phát triển rất tốt, mang lại cho họ thu nhập cao, và vươn lên làm giàu từ cây trồng. Do vậy, tôi nghĩ không có chuyện đất xấu, chỉ có cái đầu không chịu nghĩ, cái tay không chịu làm mới nghèo đói thôi. Điều trăn trở nhất ở đây là còn một số hộ gia đình neo đơn, thiếu sức lao động, đông con, nên cuộc sống lâm vào cảnh túng thiếu, đói nghèo. Song, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn. Xuân này, bà con ăn Tết rất to, có đầy đủ thịt heo, gà và rượu cần… Tôi sẽ vận động những người khá giả giúp người nghèo để ai ai trong làng cũng vui Tết đầm ấm, hạnh phúc”.
NGUYÊN LƯU