Nghị định 90 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, trong đó quy định phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh dại trong cộng đồng.
Bệnh dại hết sức nguy hiểm, do vi rút dại gây ra. Người bị nhiễm bệnh do chó, mèo mắc dại cắn truyền qua vết cắn. Khi bị phát bệnh dại thì 100% số người bệnh đều tử vong. Trong những năm vừa qua, số bệnh nhân bị dại do chó cắn trên phạm vi cả nước lên đến hàng trăm người, dù ngành Y tế và ngành Thú y đã tuyên truyền rất nhiều về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh.
Biện pháp phòng bệnh dại duy nhất là người bị chó nghi dại cắn phải được tiêm vắc xin phòng dại, những người bị chó nghi dại cắn mà vết thương phức tạp (nham nhở, sâu, vết thương rộng) hay vết thương gần thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ, nách, bẹn... thì sau khi xử lý vết thương phải được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại. Vì vậy, khi bị cho cắn cần phải xác định được chó đó có nghi bị dại hay không bằng cách theo dõi con chó đó từ 7-14 ngày. Nếu con chó đó có biểu hiện như hung dữ, lưỡi thè chảy nước dãi, chạy lung tung, sợ gió, sợ nước… thì phải đi tiêm phòng dại ngay. Trong trường hợp không theo dõi được con chó đó thì người bị chó cắn cũng nên đi tiêm vắc xin phòng dại. Hết sức lưu ý là nhiều người chủ quan khi bị chó nhà, chó con cắn, dẫn đến nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra.
Thời gian gần đây, số người đến cơ sở y tế trong tỉnh tiêm phòng dại khá đông, điều đó cho thấy nhận thức của người dân đã tăng lên đáng kể. Tại phòng tư vấn sức khỏe của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, khi được cán bộ tư vấn hỏi, đa số bệnh nhân đều biết được mức độ nguy hiểm khi bị chó cắn và các biện pháp phòng ngừa bệnh dại. Tuy nhiên ở góc độ khác, chúng ta không khỏi lo khi số người bị chó cắn có vẻ tăng trong vài tháng gần đây. Dịch tễ học của bệnh dại cho thấy bệnh dại ở chó, mèo thường có tỉ lệ cao vào mùa hè, mùa nắng nóng. Trong vài tháng gần đây ở Phú Yên, nhiệt độ ngoài trời cao và với tập tục nuôi chó thả rông ngoài đường, thiếu sự kiểm soát, tỉ lệ chó được tiêm phòng khá thấp nên nguy cơ chó bị dại rất cao. Khi chó nuôi thả rông, chỉ cần một con chó bị dại sẽ cắn nhiều con chó khác và những con chó mang vi rút dại lại tiếp tục cắn những con chó khác, tăng nhanh nguy cơ lây lan bệnh dại trong đàn chó. Với thời tiết oi bức, nắng nóng, chó bị dại chạy rông ngoài đường càng hung hãn hơn, gặp người là cắn. Đây chính là điều đáng lo.
Tiêm phòng vắc xin hay huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng bệnh mang tính thụ động. Ai đã từng hay có người nhà bị chó cắn mới hiểu hết sự lo lắng và khổ sở, tốn kém để phòng bệnh. Thực tế ở Phú Yên, tình trạng nuôi chó thả rông hay cho chó ra ngoài không đeo rọ mõm rất phổ biến, chủ chó cứ nghĩ rằng chó mình hiền, không cắn. Họ đâu biết rằng chó hiền với chủ nhưng dữ với người xung quanh. Còn khi bị chó cắn, dù muốn hay không, người bị chó cắn luôn luôn lo lắng, theo dõi và thực tế không tiêm phòng thì không an tâm, còn tiêm thì phải tiêm đủ liều lượng, đúng thời gian, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh dại tốt nhất là không để chó cắn. Còn làm thế nào để đừng để chó cắn đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó cần thiết xử lý triệt để chó thả rông hoặc ra ngoài không đeo rọ mõm như Nghị định 90 của Chính phủ đã quy định.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y được Chính phủ ban hành ngày 31/7/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017. Điều 7. Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. 2. Phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. 3. Phạt tiền từ 1.000.000-1.500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc. |
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên