Hỏi: Tôi năm nay 45 tuổi, trước giờ không có bệnh gì, vừa rồi có đi khám sức khỏe tổng quát, làm xét nghiệm máu, bác sĩ bảo tôi bị hội chứng chuyển hóa, nhưng không cho thuốc gì, chỉ khuyên tập thể dục, ăn kiêng. Tôi thấy mơ hồ quá, muốn hỏi thêm cho rõ, mong bác sĩ cho lời khuyên.
Huỳnh Thanh Long
(xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa)
Trả lời: Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là một nhóm các rối loạn (không phải là một bệnh đơn lẻ), có khả năng cao dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đột quỵ, đau thắt ngực, xơ vữa động mạch, tai biến mạch não... Các rối loạn gồm: tăng đường huyết, béo bụng, tăng cholesterol và tăng huyết áp.
Ước tính khoảng 20-25% người trưởng thành trên toàn thế giới có HCCH. Người bị HCCH có nguy cơ bị các biến chứng tim mạch cao gấp 2 lần so với người bình thường và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 5 lần so với người không bị HCCH. Nếu bạn đang bị bệnh đái tháo đường lại kèm thêm HCCH, sẽ cónguy cơ bị biến chứng tim mạch nhiều hơn người bệnh đái tháo đường không kèm HCCH.
Một người được chẩn đoán có HCCH khi:
- Béo bụng, xác định bằng cách đo chu vi vòng bụng (có thể tự đo: đứng thẳng, thoải mái, dùng thước dây đo ngang mép trên xương chậu hai bên và ngang qua rốn, thước đo ở vị trí nằm ngang, đọc kết quả đến mm). Đối với người châu Á là nam ≥ 90cm (từ 90cm trở lên), nữ ≥ 80cm; kèm bất kỳ 2 trong số 4 tiêu chí sau:
• Triglycerides (một loại mỡ máu) ≥ 150 mg/decilit (1,7 mmol/lít) hoặc đang điều trị tăng mỡ máu.
• HDL-cholesterol (còn gọi là ‘mỡ tốt’) giảm < 40 mg/dL (1,03 mmol/L) đối với nam, < 50 mg/dL (1,29 mmol/L) đối với nữ hoặc đang điều trị tăng mỡ máu.
• Huyết áp tâm thu (HA tối đa) ≥ 130 hoặc huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) ≥ 85 mmHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp.
• Đường máu lúc đói ≥ 100 mg/dL (5,6 mmol/L) hoặc đã được chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường.
Lúc mới chẩn đoán HCCH, tùy trường hợp cụ thể, trước tiên, bác sĩ thường khuyên người bệnh thực hành lối sống tích cực: tăng hoạt động thể lực (thể dục, thể thao, vận động) ít nhất 30 phút mỗi ngày; giảm rượu bia, thuốc lá (nếu códùng); chế độ ăn lành mạnh gồm nhiều rau quả, trái cây (cung cấp chất xơ), giảm chất bột đường (nhất là các loại nước ngọt), giảm lượng chất béo từ mỡ động vật (thịt gia súc, gia cầm).
Qua thời gian theo dõi, tùy mức độ cải thiện cóthể chỉ định dùng thêm các thuốc hỗ trợ như thuốc giảm mỡ máu, giảm đường, giảm huyết áp. Cơ bản vẫn là thực hành lối sống tích cực và chế độ ăn lành mạnh.
BS ĐOÀN VĂN HẢI