Hỏi: Tôi bị viêm gan B mạn tính, có bác sĩ bảo phải điều trịlâu dài, dùng thuốc nhiều năm, bác sĩ khác lại bảo chưa cần điều trị, chỉ cần theo dõi vì chỉ là tình trạng nhiễm siêu vi gan B lành tính. Tôi đang hoang mang chưa biết nên xử lý thế nào, vì hiện giờ tôi thấy sức khỏe, ăn uống vẫn bình thường.
Trần Văn Tường
(xã An Chấn, huyện Tuy An)
Trả lời: Anh không cung cấp thêm thông tin vềnhững thăm khám, xét nghiệm đã làm để có thể tư vấn đầy đủ. Nếu chỉ tình cờ đi kiểm tra sức khỏe với xét nghiệm HBsAg (phần vỏ của siêu vi B) dương tính, thì chưa kết luận được gì. Để chẩn đoán viêm gan mạn do siêu vi B, anh cần làm thêm một số xét nghiệm, cơ bản gồm: HBeAg (phần lõi của siêu B), men gan (SGOT, SGPT, GGT, chú ý nhiều vào SGPT), xét nghiệm chuyên sâu hơn: HBV-DNA, sinh thiết gan.
Nếu kết quả HBsAg và HBeAg dương tính, men gan bình thường (dưới 40), xử trí như thế nào tùy thuộc vào nhận định và kinh nghiệm của mỗi bác sĩ. Nếu có điều kiện thì làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, nếu chưa thực hiện được thì tiếp tục cho theo dõi định kỳ men gan 3-6 tháng, nếu chỉ số men gan tăng hơn gấp đôi bình thường, có thể xem xét điều trị. Theo dõi kết quả điều trị bằng HBV-DNA, men gan.
Người nhiễm siêu vi B (HBsAg dương tính) và HBeAg dương tính chứng ỏ vi rút đang nhân đôi, sinh sản, khả năng lây nhiễm cho người khác cao. Nếu chỉ có kết quả HBsAg dương tính, nhiều khả năng chỉ là người mang trùng lành tính. Bệnh lây chủ yếu qua đường máu, đường sinh dục và đường từ mẹ sang con.
Vi rút thường hiện diện nhiều trong máu, có thể có ít hơn trong tinh dịch, nước bọt... Khả năng lây nhiều hay ít thường dựa vào HBeAg. Nếu HBeAg dương tính, khả năng lây sẽ nhiều hơn người HBeAg âm tính. Ví dụ: Nguời mẹ mang thai HBsAg dương tính, HBeAg âm tính khả năng lây cho con khoảng 15%; nếu cả HBsAg và HBeAg dương tính thì khả năng lây cho con hơn 90%.
Nếu anh là người mang trùng lành tính, trước mắt nên hạn chế uống rượu bia. Người nghiện rượu mắc bệnh viêm gan B thường bị xơ gan hơn. Chế độ ăn bình thường là thích hợp với hầu hết trường hợp viêm gan siêu vi B.
Tùy theo quyết định của bác sĩ trên cơ sở có các xét nghiệm chẩn đoán đầy đủ, điều trị viêm gan thường phải kéo dài nhiều năm. Mục đích điều trị là loại trừ hoặc giảm thiểu tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa, làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan. Đào thải toàn bộ hoặc một phần lượng siêu vi B trong cơ thể, đặc biệt là ở gan. Hiện nay đã có một số thuốc đặc trị, kết quả cũng khả quan, mặc dù chưa phải hoàn toàn.
BS ĐOÀN VĂN HẢI