Hỏi: Tôi bị bệnh đái tháo đường mấy tháng nay. Nghe nói ăn chay có thể làm giảm đường huyết, tôi có nên thử không, nếu ăn chay trường liệu có thể đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể?
Phạm Ngọc Khu
(xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Để kiểm soát tốt đường huyết, ngoài dùng thuốc, việc đảm bảo một chế độ ăn kiêng chặt chẽ đóng vai trò quan trọng. Chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ ăn chay có thể làm hạ đường huyết. Chế độ ăn tăng cường chất xơ, giảm chất bột đường trong khuyến cáo đối với người bệnh đái đường cũng áp dụng cho cả những người ăn chay. Tuy nhiên, nếu anh muốn ăn chay vì những lý do khác nữa thì cũng tốt. Nguyên tắc chung là giảm năng lượng nhận vào nếu có thừa cân.
Có thể tìm thấy mọi chất dinh dưỡng cần thiết, kể cả chất đạm trong thức ăn thực vật (trong chế độ ăn chay). Ăn chay cũng sẽ giúp tránh được các loại chất béo no, loại chất béo không tốt cho người bệnh tim mạch, huyết áp (thường đi đôi với bệnh đái đường). Đối với những người ăn chay nhưng có dùng thêm sữa và trứng, thì chẳng lo gì thiếu chất đạm. Nếu không dùng hoàn toàn thức ăn liên quan đến động vật, có thể lưu ý dùng đủ các món giàu chất đạm, vitamin và muối khoáng.
Để có đủ các axit amin cần thiết, cần biết ăn phối hợp một số thức ăn: đậu nành, đậu trắng, đậu xanh (để nguyên hay tách đôi), đậu đen hay đỏ phải phối hợp với ngũ cốc; đậu kết hợp với các loại hạt nhiều dầu như hạt dưa, hạt bí, hạnh nhân. Các thức ăn kết hợp trên không nhất thiết phải trong cùng bữa ăn, mà chỉ cần ăn trong cùng ngày là được. Nhiều người ăn chay vẫn nghĩ là chỉ có sữa mới bù lại được các chất có trong thịt như đạm, vitamin, sắt, kẽm… Nhưng các loại đậu trắng, đậu xanh hay đậu đen cũng có thể cung cấp đủ các chất trên.
Các chất giàu kẽm khác như: mầm lúa mì, các loại hạt nhiều dầu, đậu các loại và rau lá xanh đậm. Hạt gạo lứt hay hạt lúa mì nguyên cám đem lại một lượng kẽm gấp 3 lần gạo xay trắng hay bột mì trắng. Sắt cũng có nhiều trong các loại đậu, rau lá xanh đậm và trái cây sấy khô.
Nguyên tắc cân đối bữa ăn cũng giống như cho những người ăn chay có thêm sữa và trứng, ở đây nguồn đạm bổ sung trong 3 bữa chính lấy từ các loại đậu. Ngay cả người ăn chay có trứng và sữa cũng cần ăn cho đủ đậu, các loại hạt nhiều dầu, mè. Biết phối hợp đa dạng thực phẩm, dù chỉ từ thực vật vẫn có thể đảm bảo đủ dưỡng chất, không cần dùng thêm thuốc bổ.
Có thể ví dụ một số món ăn truyền thống không có thịt nhưng vẫn cung cấp nhiều dưỡng chất bao gồm chất bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất: xôi đậu xanh, xôi đậu phụng, xôi đậu đen ăn với mè, tương; bánh chưng nhân đậu, bánh ít, bánh mì phết bơ đậu phụng.
BS ĐOÀN VĂN HẢI