Nhớ “người tử tù” của Ngàn dặm xanh

Nhớ “người tử tù” của Ngàn dặm xanh

Lướt giữa một rừng thông tin nóng hổi của báo mạng ngày 3/9 vừa qua, những người yêu điện ảnh dừng lại trước cái tin: Ngôi sao Ngàn dặm xanh qua đời!

Lướt giữa một rừng thông tin nóng hổi của báo mạng ngày 3/9 vừa qua, những người yêu điện ảnh dừng lại trước cái tin: Ngôi sao Ngàn dặm xanh qua đời!

Ngoi-sao120909.jpg

Michael Clarke Duncan trong vai tử tù John Coffey, bên cạnh là Tom Hanks trong vai Paul Edgecombe

Báo chí viết rằng sau gần hai tháng chống chọi với căn bệnh tim, Michael Clarke Duncan, diễn viên da màu nổi bật với thân hình cao gần 2m và nụ cười thân thiện, đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Los Angeles.

Báo chí cũng viết rằng trước khi qua đời ở tuổi 55, Michael Clarke Duncan đã tham gia hàng loạt tác phẩm điện ảnh nổi tiếng: The Green Mile, Armageddon, Sin city, Daredevill, School for Scoundrels, Planet of the Apes… Trong số những bộ phim đó, thật tiếc, tôi chỉ xem được duy nhất The Green Mile (tựa đề tiếng Việt là Ngàn dặm xanh hay Quản giáo và tử tù) - bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Dặm xanh của “ông vua” viết truyện kinh dị Stephen King. Và, như bao khán giả đã một lần thưởng thức tác phẩm điện ảnh này, tôi thật sự ấn tượng với diễn xuất của Michael Clarke Duncan trong vai John Coffey - một tử tù da đen, cũng như ấn tượng với bối cảnh dữ dội của nhà tù và tình người lấp lánh ở nơi tưởng như đã bị thượng đế quên lãng.

John Coffey được đưa đến nhà tù tiểu bang ở Cold Mountain (Mỹ), chờ ngày lên ghế điện. Người tù da đen với thân hình cao lớn đáng ngạc nhiên, kỳ lạ thay lại rất nhút nhát, sợ bóng tối và cũng rất ngờ nghệch, chỉ biết rằng tên mình “như một loại thức uống nhưng viết khác”. Anh ta bị kết án tử hình vì tội cưỡng bức và sát hại dã man hai bé gái sinh đôi. John Coffey bị bắt khi đang ngồi ở bờ sông, khóc như mưa và trên hai cánh tay lực lưỡng là xác hai đứa trẻ. Viên cảnh sát trưởng nát rượu đinh ninh rằng anh ta là thủ phạm, bồi thẩm đoàn kết tội anh ta còn tay luật sư cũng không buồn bảo vệ cho bị cáo. Chỉ vì anh ta là người da đen. Nếu John Coffey có bị kết án oan, người ta cũng sẽ an ủi rằng: Ít ra thì đấy không phải là một người da trắng. Nên nhớ bối cảnh phim là năm 1932, khi các tử tù bị tử hình bằng cách cho dòng điện mạnh chạy qua người và ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, không ai dám mơ rằng sẽ có ngày một người da đen trở thành tổng thống!

Vậy là John Coffey bị kết án tử hình, bị đưa đến khu E của nhà tù tiểu bang. Đó là nơi các quản giáo mà đứng đầu là Paul Edgecombe (Tom Hanks đóng) có nhiệm vụ canh giữ họ, trấn an họ, làm cho thần kinh của họ dịu lại trong khoảng thời gian chờ ngày lên ghế điện (kể cả việc nhận lời, hứa hẹn thực hiện những điều bất khả thi mà tử tù gởi gắm, như việc đưa con chuột thông minh tên là Mr Jingles của tử tù Delacroix đến “thành phố chuột” - nơi trẻ em lẫn người lớn mua vé vào xem những chú chuột biểu diễn). Tóm lại, đó là nơi tử tù được đối xử như những con người, dù họ đã phạm phải những tội ác khủng khiếp. Đó cũng là nơi một quản giáo trẻ, háo thắng, độc ác và hèn hạ tên Percy luôn tìm cách thể hiện quyền uy và “các mối quan hệ” của mình, tìm cách trả thù và đã trả thù rất tàn bạo một tử tù mà anh ta không ưa. Đó cũng là nơi John Coffey chữa lành bệnh cho Paul Edgecombe bằng khả năng kỳ diệu của mình và rồi viên chỉ huy khu E phát hiện ra sự thật: John Coffey bị kết án vì tội lỗi mà anh ta không hề phạm phải. Việc duy nhất anh ta làm khi đến cạnh bờ sông là cố gắng cứu sống hai đứa trẻ sinh đôi nhưng vô vọng, vì cả hai tắt thở đã lâu. Chính vì vậy mà anh ta khóc nức nở.

Hóa ra, những giọt nước mắt thường trực trên gương mặt tử tù da đen không phải do dằn vặt hối hận. Với khả năng cảm nhận đặc biệt của mình, John Coffey “hút” nỗi đau của người khác như miếng bọt biển hút nước. Điều đó làm anh ta đau đớn, kiệt sức.

Phát hiện ra khả năng đặc biệt của John Coffey, Paul Edgecombe và các đồng nghiệp ở khu E đã đánh cược chỗ làm của họ trong thời kỳ suy thoái kinh tế, chấp nhận cả nguy cơ bị bắt, trở thành tù nhân nếu vụ việc bị phát hiện, bí mật đưa John Coffey ra khỏi nơi giam giữ, đến nhà giám đốc nhà tù chữa bệnh cho vợ ông - người đang bị một khối u trong não đẩy vào tình trạng tuyệt vọng và các bác sĩ đã bó tay. Chính John Coffey đã đưa người phụ nữ lịch thiệp, tốt bụng ấy trở lại với cuộc sống. Anh ta đã giúp đỡ nhiều người, giúp cả con chuột của Delacroix sống lại sau khi bị Percy giẫm bẹp. Nhưng John Coffey không thể cứu được chính mình. Các quản giáo cũng không tìm được cách nào chứng minh John Coffey vô tội, càng không thể giúp anh ta bỏ trốn bởi với một người cao đến hơn 2m nhưng rất ngờ nghệch, ngay cả việc cột dây giày cũng không biết như John Coffey, nếu được giải thoát thì anh ta cũng sẽ bị bắt lại chỉ sau vài giờ.

Cuối cùng, các quản giáo vẫn phải đưa John Coffey lên ghế điện, tử hình người đàn ông “như một tặng vật của Chúa”, chưa bao giờ làm hại ai mà chỉ luôn muốn giúp đỡ mọi người. Rồi họ xin chuyển công tác. Nhưng, theo một cách nào đó, nhiều người trong số họ phải trả giá cho việc họ đã bất lực và giết chết “tặng vật của Chúa”, rõ nhất là Paul Edgecombe. Được John Coffey truyền năng lượng, Paul Edgecombe sống rất thọ và không hề bị bệnh lặt vặt như nhiều người già khác. Nhưng càng sống lâu ông càng thấy cô đơn và thấm thía nỗi đau mất đi người vợ thân yêu trong một vụ tai nạn kinh hoàng, trong cơn mưa tầm tã. Khi đó, ôm xác vợ trong tay, Paul Edgecombe tuyệt vọng gọi tên John Coffey, xin anh ta cứu sống vợ mình. Và Paul Edgecombe thấy cái bóng cao lớn của người tù da đen ở đó, ngay tại hiện trường vụ tai nạn. Có lẽ John Coffey đã ở đó, nhưng không thể làm gì được nữa vì anh ta bị tước đoạt cuộc sống mất rồi. Chỉ có mưa bay trên mặt đường, mưa bay trên mặt Paul Edgecombe hòa với nước mắt ông…

Thể hiện tuyệt vời vai diễn John Coffey, Michael Clarke Duncan được đề cử giải Oscar ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

John Coffey đã chết. Và giờ đây, Michael Clarke Duncan - người góp phần làm cho nhân vật John Coffey sống trong lòng khán giả suốt bao năm, cũng đã qua đời. Nhưng rất lâu sau, người ta sẽ còn nhớ đến vóc dáng to lớn và nụ cười hiền hậu của Michael Clarke Duncan, như đã nhớ đến John Coffey.

LÂM VY

Từ khóa:

Ý kiến của bạn