Huyền thoại về Võ Trứ và Trần Cao Vân trên đất Phú Yên

Huyền thoại về Võ Trứ và Trần Cao Vân trên đất Phú Yên

Trời cuối hạ trăng mang vòng lồng đỏ quạch trải sáng trên vùng rừng huyện Đồng Xuân, đoàn dân binh tham gia khởi nghĩa chia thành đội tập hợp hàng dọc đứng dưới lá cờ điều được thêu 4 chữ “Minh trai chủ tể”.

Trời cuối hạ trăng mang vòng lồng đỏ quạch trải sáng trên vùng rừng huyện Đồng Xuân, đoàn dân binh tham gia khởi nghĩa chia thành đội tập hợp hàng dọc đứng dưới lá cờ điều được thêu 4 chữ “Minh trai chủ tể”. Võ Trứ mặc đồ giáp trận, kiếm báu đeo bên sườn, ngồi trên lưng ngựa trông uy nghi và oai vệ, các sơn tăng áo cà sa màu chàm, quản binh, thừa lệnh Võ Trứ đốc xuất dân binh lên đường tiến về phủ Phú Yên. Đội quân đi đầu gồm các tay cung nỏ của đồng bào các dân tộc, các đội dân binh phía sau được trang bị mác, rựa đi rừng, trước ngực mỗi dân binh đeo một đạo bùa “Ngũ công quan âm” làm  “hộ mệnh”. Theo lời Võ Trứ lúc tuyên truyền thâu nhận nghĩa dũng, thì người đeo bùa dao đâm không dứt, tên, đạn bắn không thủng. Vì vậy có rất nhiều người xin theo.

060519-chua-Da-trang.jpg

Chùa Từ Quang (Đá Trắng) nơi hội quân của các nghị sĩ trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX - Ảnh: D.T.Xuân

Đoàn dân binh hăng hái rút ngắn quãng đường dài gần 20 cây số nhằm hướng Sông Cầu mà tiến. Trăng xế bóng, đoàn dân binh khởi nghĩa còn 4 cây số là đến huyện Sông Cầu, khi qua dốc Găng chừng 200 mét đoàn xạ thủ cung tên giáp mặt với bọn lính tập đi tuần. Chúng nổ súng vào đoàn người mang hào khí bừng bừng giữa   đêm trời hạ. Mặc cho súng nổ, đoàn người đi khởi nghĩa cứ đạp bằng trở lực dưới đôi chân trần. Võ Trứ phi ngựa lên phía trước, các sơn tăng quản binh chỉnh đốn hàng ngũ, nhận lệnh bắn tên, tên bắn ra như mưa sắt. Đoàn dân binh trang bị dao rựa phía sau ào lên, tiếng hò reo rung chuyển một góc trời. Bọn lính tập bỏ chạy về dốc Quít phối hợp với lính bảo hộ lập phòng tuyến hòng ngăn bước tiến về dinh tuần phủ và công sứ. Súng địch tối tân, bắn đạn từ xa, sát thương nhiều người. Nhớ khi xuất trận Võ Trứ bảo người đeo bùa đạn bắn không thủng nhưng thực tế thì người có bùa đi trước vẫn bị trúng đạn, chết nhiều. Lúc đầu, đoàn khởi nghĩa với hào khí ngất trời, không ai để ý. Thế nhưng dưới bóng sáng của đèn trời người đi trước ngã xuống không động đậy, còn người bị thương la khóc inh ỏi, khiến cho những toán quân phía sau rối loạn. Đã có quá nửa đoàn trang bị cung tên đi đầu vượt qua phòng tuyến lính bảo hộ, chiếm được công sứ, dinh bố chánh Phú Yên. Nhưng số quân ít ỏi và vũ khí thô sơ không thể chống cự lại với súng Tây nên toán quân ở hướng này bị tiêu hao nặng nề. Đến tảng sáng thì cuộc khởi nghĩa bị đánh tan, Võ Trứ rút tàn binh về vùng rừng Đồng Xuân tổ chức cầm cự.

Trời sáng, lập tức công sứ phái 100 lính trang bị đầy đủ súng đạn truy kích theo đám dân binh khởi nghĩa, cố bắt cho được Võ Trứ. Khi đêm xuống bọn lính co cụm, quân Võ Trứ bất thần xuất trận, dùng rựa tấn công lính Pháp. Thế giằng co ngày địch đêm ta, dựa vào rừng núi hiểm trở, đêm đến Võ Trứ xuất quân quấy phá buộc địch ăn ngủ không yên.

Tháng 7, cái nắng miền cực Nam Trung bộ dữ dội đến mức cây rừng cũng héo lá. Quân địch điên cuồng xua lính truy kích dữ dội sào huyện quân khởi nghĩa nhưng vẫn chưa bắt được thủ lĩnh của dân binh. Ban ngày họ lẩn tránh, đêm về lại xuất hiện quấy phá. Suốt cả tháng trời truy kích vào căn cứ quân khởi nghĩa, chưa bắt được Võ Trứ, chúng tuyên bố “ai chứa chấp phải chịu cực hình”. Rồi để triệt phá nơi đóng quân của Võ Trứ, công sứ Phú Yên đã đưa ra một quyết định dã man cho quân nổi lửa đốt trụi rừng Đồng Xuân. Dân binh khởi nghĩa sau khi bị đàn áp kéo về đây ẩn náu, bị lửa rừng cô lập và trước sau đều bị lính Pháp tàn sát.

Trong lúc quân khởi nghĩa lên đường, Trần Cao Vân ngã bệnh. Cơn sốt quật đổ người nghĩa sĩ. Bà Võ Thị Quyên buộc lòng phải cho Nguyễn Nhuận (xã Soạn) đệ tử tâm phúc mang hai con nhỏ trở ra Bình Định nhờ bổn đạo nuôi dưỡng, còn bà thì đưa Trần Cao Vân lên động Bà Thiên chăm sóc cho ông. Giữa rừng sâu, lương thực thiếu thốn, nhất là muối ăn, sức khỏe của Trần Cao Vân bị cạn kiệt, bệnh phù thủng nổi lên, các khớp trong thân thể sưng đỏ, làm ông không thể đi lại được. Cuộc sống của vợ chồng Trần Cao Vân, Võ Thị Quyên và đội hộ vệ trông chờ vào củ rừng, ốc đá và các loại rau xanh, rau tàu bay đỡ lòng. Người ăn loại này da xanh mắt trắng, người bị bệnh sốt nóng lâu ngày môi thâm da vàng. Trần Cao Vân chưa hết bệnh  thì bà Võ Thị Quyên ngã nước. Mỗi lần cơn rét nổi lên thân thể bà run dữ dội, Trần Cao Vân chỉ còn biết lấy tấm mền rách đắp lên cho bà và ôm cứng người bà. Thế nhưng dứt cơn run bà gượng dậy ra suối bắt cua đá và mò cá khe đem về bồi dưỡng cho chồng. Một bữa bà lỡ làm bể trã cua cá kho còn để dành cho bữa sau, bà xuýt xoa tiếc rẻ mãi, thương vợ, Trần Cao Vân viết bài thơ an ủi.

Vịnh trã bể (1)

Hầm đúc rừ xưa sẵn núi Đồng,

Ăn rồi trách trã bể vừa xong.

Kho lâu rịn nước bầu Nhan tử,

Nấu chín còn manh mẻ Thạch Sùng

Nướng thịt toan nhen lò Triệu tướng

Điều canh muốn ném đỉnh Lai công

Thôi thôi đồ đất phương chi tiếc

Dành để bếp trời hiếm chảo bung

1898

Rừng Đồng Xuân bị đốt, Võ Trứ dẫn khoảng 50 quân về động Bà Thiên, báo cáo với Trần Cao Vân sự thất bại của khởi nghĩa vì trong tổ chức có nội phản. Nhà cầm quyền bảo hộ Pháp đã bố trí quân đội khắp điểm trọng yếu đàn áp cuộc khởi nghĩa, các chùa chiền bị khám xét, các sơn tăng, số bị bắt, số đã thoát vào rừng. Tội ác của công sứ và bố chánh Phú Yên không dừng lại ở đây, chúng sai lính đi đến đâu cũng chém giết dân lành một cách thảm khốc và dán yết thị tầm nã Võ Trứ rằng “chừng nào chưa bắt được Võ Trứ thì những trận bố ráp còn tiếp diễn”.

Đứng trước tình hình đó, Võ Trứ đành phải ra nạp mình cho giặc bắt để cứu dân lành trong cơn thác loạn. Sự nghiệp còn dở dang xin Trần Cao Vân đảm trách: “Chí ta còn thì sự nghiệp ta còn”. Trước lúc chia tay, Trần Cao Vân thương cảm nói: “Ngày nay tướng quân liều chết cứu sống lương dân, và đồ đảng, tôi còn sống sau này cũng xin đem cái chết đền nợ non sông”.

Bắt được Võ Trứ, bố chánh Phú Yên Bùi Xuân Huyến và công sứ Tây đắc ý, nắm tay nhau cười như nắc nẻ, chúng tưởng đã bới được gốc, bốc được rễ, chặt được cành… liền mở tiệc ăn mừng! Trên công đường chúng cụng ly tán thưởng, dưới nhà ngục chúng cho tra tấn Võ Trứ dã man để tìm kẻ viết thông tri, báo cáo ký tên Chánh Minh, Hồng Việt… Võ Trứ công nhận tên đó chính là của ông. Nhưng vì trong lực lượng có nội gián, sau đó chúng bắt được thêm 5 người nữa gồm 3 sơn tăng, có cả sơn tăng chùa Đá Bạch và 2 chỉ huy dân binh ở làng Chánh Danh. Cuối năm Mậu Tuất 1898, bố chánh Phú Yên đem sáu người ra xử trảm; đầu những nghĩa sĩ yêu nước chúng bêu trên cọc tre cắm bên lộ xuyên Việt đoạn cầu Tam Giang bên phải huyện Sông Cầu.

Khi Nghĩa hội Quảng Nam bị đàn áp năm 1888 thì mười năm sau (1898) Trần Cao Vân và Võ Trứ tổ chức khởi nghĩa ở Phú Yên. Có lẽ vì vũ khí chủ yếu của nghĩa binh là cái rựa nên người ta gọi là “giặc rựa”. Tuy không thành công nhưng ngọn đuốc do các lãnh tụ khởi nghĩa đốt lên còn sáng mãi trong lòng dân tộc.

Liền đó, Trần Cao Vân tiếp tục con đường cứu nước qua phương kế mới.

TRẦN TRÚC LÂM

(1) Trã: Loại vật dụng làm bằng đất nung để kho nấu.

Từ khóa:

Ý kiến của bạn