Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Phú Yên đẩy mạnh phong trào chống giặc dốt, đồng thời tổ chức nền giáo dục cách mạng. Ông Trần Xuân Hoàng được cử làm Trưởng ty Tiểu học và bình dân học vụ Phú Yên 1945 – 1946.
Năm 1946, tỉnh tách bình dân học vụ ra khỏi Ty tiểu học, và cử ông Võ Hồng làm Trưởng ty Bình dân học vụ. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến, Phú Yên chia thành 6 chiến khu, ngành Giáo dục vẫn giữ vững quy mô và tốc độ phát triển. Ông Phạm Ngọc Quế được cử làm Trưởng ty Tiểu học năm 1947 – 1948. Ông Nguyễn Thi Thống làm Trưởng ty Bình dân học vụ.
Năm học 1949 – 1950 toàn tỉnh có 52 liên trường, 186 trường với 18.450 học sinh. Năm 1950, cải cách giáo dục lần thứ nhất. Cấp 1 – tiểu học có 4 lớp: từ lớp 1 đến lớp 4. Cuối năm 1952, sáp nhập Ty Bình dân học vụ vào Ty Tiểu học, do nhà giáo Trần Sĩ làm Trưởng ty. Năm 1953: Học kỳ 1 từ tháng 1 đến tháng 4. Nghỉ mùa: tháng 5 và tháng 6. Học kỳ 2: từ tháng 7 đến tháng 10. Nghỉ mùa tháng 11 và tháng 12. Mỗi lớp có từ 30 đến 50 học sinh. Vùng sâu, vùng xa, miền núi có số lượng học sinh ít hơn, bình quân 40 học sinh/lớp (lớp 1 và 2 ghép lại). Tháng 1/1954, mặc dù Pháp tổ chức chiến dịch Át-lăng đánh phá ác liệt vùng tự do Phú Yên, các trường vẫn tiếp tục khai giảng năm học. Các trường học bình thường, hễ địch càn là lánh cư. Hết càn tập trung học lại.
GIÁO DỤC BÌNH DÂN HỌC VỤ
Đây là công tác giáo dục nhằm diệt giặc dốt, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Phú Yên chỉ có 5% biết chữ, 95% thất học. Các lớp học bình dân học vụ được mở mọi nơi, mọi lúc…
Năm 1948, xã Hòa Quang, huyện Phú Hòa là đơn vị hoàn thành xóa mù chữ trước nhất của Khu 5. Năm 1948, tỉnh và các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân mở lớp tiểu học bình dân cho cán bộ đảng viên học chương trình tiểu học 2 năm (5 năm). Mỗi lớp có 40, 50 cán bộ theo học.
Tỉnh cũng đã cử 176 cán bộ theo học các khóa trung học bình dân tại Sông Vệ, Quảng Ngãi do Ủy ban Kháng chiến hành chính Trung bộ tổ chức. Năm 1950 – 1951, Sở Giáo dục Liên khu 5 giao cho Trường cấp 2 Lương Văn Chánh, Tuy An mở lớp 5A sư phạm cấp tốc đào tạo 30 giáo viên cấp 1 cho tỉnh.
Một hội đồng hai nhiệm vụ: giáo viên cấp 1 vừa dạy cấp 1 vừa dạy bình dân học vụ.
GIÁO DỤC TRUNG HỌC
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Phú Yên chưa có trường trung học. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh Phú Yên học lên bậc cao hơn, HĐND tỉnh Phú Yên khóa 1 (1946 – 1949) đề nghị Bộ Quốc gia giáo dục cho mở Trường trung học Lương Văn Chánh. Ngày 15/10/1946, Trường Lương Văn Chánh được thành lập với ba lớp đệ nhất niên và 120 học sinh. Năm học 1949 – 1950, trường phát triển lên 11 lớp, gồm 1 lớp đệ tứ niên, 2 lớp đệ tam, 3 lớp đệ nhị, 5 lớp đệ nhất với 400 học sinh và 14 giáo viên. Trường có chi bộ đảng với 7 đảng viên; cuối năm 1950 tăng lên 117 đảng viên. Cuối năm học 1949 – 1950, cải cách giáo dục lần thứ nhất, Trường cấp 2 Lương Văn Chánh (trung học) có 3 lớp từ lớp 5 đến lớp 7.
Trường cấp 2 Lương Văn Chánh dời xuống chợ Gò Sen, Vùng 3, xã An Định gọi là trường cấp 1 Tuy An. Do học sinh đông, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh mở Trường cấp 2 Tuy Hòa tại Lò Tre, thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông gồm 9 lớp (6 lớp 5, 3 lớp 6) với 300 học sinh. Đầu năm 1952, trường dời về thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng.
Trường cấp 2 Đồng Xuân mở tại Gò Duối, xã Xuân Lộc có 3 lớp (2 lớp 5, 1 lớp 6) với 150 học sinh. Sau dời về Vũng Lắm, thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 1, rồi về chùa Hóc Cát dưới đèo Cây Cưa.
Đầu năm 1952, tỉnh mở thêm Trường cấp 2 huyện Tuy Hòa tại chợ Xổm, thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, có 8 lớp (6 lớp 5, 2 lớp 6). Đầu năm 1953 trường dời về vườn Mù U, thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành (Trường tiểu học Hòa Thành ngày nay). Khi Pháp mở chiến dịch Át-lăng ngày 20/1/1954, thì các trường cấp 2 của huyện Tuy Hòa đều tập trung về thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh.
Để tránh máy bay địch, các trường cấp 2 phải dạy từ 5g đến 8g sáng; buổi chiều từ 5g đến 8g tối.
Nhân nghỉ mùa học kỳ 2, đầu tháng 11/1953, Sở Giáo dục Liên khu 5 triệu tập khoảng 500 giáo viên cấp 2 bốn tỉnh Nam – Ngãi – Bình – Phú chỉnh huấn hai tháng, học Cách mạng Việt Nam và cải cách ruộng đất.
Tỉnh Phú Yên cử hơn 30 giáo viên, trong đó có các thầy Trần Sĩ, Nguyễn Chi Thống, Cao Thi Thăng, Huỳnh Diệu, Trần Xuân Nam, Trần Nho, Phạm Ngọc Ân, Trần Thiện Căn, Phạm Bôn, Nguyễn Cách, Nguyễn Minh, Nguyễn Bá Quát, Nguyễn Ân, Nguyễn Trắc, Nguyễn Tài Sum, Trần Văn Chính, Nguyễn Lam Kiều, Lê Bê, Cao Chi, Cao Lam, Nguyễn Xanh, Tôn Thất Thọ. Sau khi học, Khu chọn hai giáo viên: Huỳnh Lý (Quảng Nam), Huỳnh Diệu (Phú Yên) lên đọc bản tự kiểm điểm tại hội trường, số còn lại đọc bản tự kiểm điểm theo tổ của từng tỉnh.
Thực hiện kế hoạch Na-va cuối tháng 12/1953, quân Pháp tập trung lực lượng lớn tiến hành mở cuộc hành quân Át-lăng đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu 5. Quân và dân Phú Yên thực hiện quyết nghị của hội nghị Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5, tập trung toàn bộ bộ đội chủ lực tiến công lên Tây Nguyên.
Mờ sáng 20/1/1954, quân Pháp bắt đầu cuộc tiến công Phú Yên gồm 22 tiểu đoàn của 4 binh đoàn cơ động và 2 tiểu đoàn dù để chi viện cho bộ binh, cơ giới tiến công sử dụng hàng chục máy bay ném bom và nhiều trọng pháo từ tàu chiến tiến công thị xã Tuy Hòa, đèo Cả (huyện Tuy Hòa) và thị trấn Củng Sơn.
Địch đánh phá ác liệt, nhân dân tản cư đến vùng an toàn. Ngành giáo dục vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Đoàn giáo viên cấp 2 Phú Yên, sau khi dự chỉnh huấn ở khu xong, về lại tỉnh thì gặp chiến dịch Át-lăng. Ty Giáo dục phân công các giáo viên về lại trường cấp 2 của mình. Thầy Trần Nho, Khu phân công dạy Trường cấp 2 Bồng Sơn, huyện Hoắc Ân; thầy Nguyễn Bá Quát được phân công dạy Trường cấp 2 Bắc Phù Mỹ; thầy Nguyễn Minh được phân công dạy Trường cấp 2 Mỹ Hiệp ở nam Phù Mỹ.
Chỉ có Huỳnh Diệu chạy theo trung đoàn Lê Lợi của địch, các trường cấp 1, cấp 2 trong tỉnh vẫn giảng dạy bình thường, hễ địch càn đến xã nào, thầy trò nghỉ học. Hết càn học lại. Liên hiệu trưởng Trường cấp 1 Hòa Phong Nguyễn Áo (Nguyễn Thanh Hà) đấu tranh với địch, bế giảng ngày 15/10/1954; Hiệu trưởng Trường cấp 2 Tuy An Nguyễn Cách đấu tranh với địch, bế giảng tháng 1/1955 vì chưa có chương trình mới.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và ký kết hiệp nghị Giơ-ne-vơ 20/7/1954, tháng 8/1954, đồng chí Lê Duy Hinh, Phó trưởng ty Giáo dục Phú Yên họp các Liên hiệu trưởng trong tỉnh tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tặng huy hiệu kháng chiến, bàn việc ở lại miền Nam hoạt động.
Tóm lại, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhất là trong chiến dịch Át-lăng, giáo dục Phú Yên vẫn liên tục duy trì. Địch càn, đổ bộ là trường nghỉ dạy,hết càn là tiếp tục học lại.
Nhà giáo ưu tú NGUYỄN CHU (