Thực dân Pháp tổ chức hành hình man rợ Nguyễn Hào Sự và các đồng chí của ông ngày
Ngay trong năm 1892, tại Phú Yên bùng lên cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân.
Xuân 2001, trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Phú Yên, giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng ông rất thú vị và tâm đắc khi bày tỏ một đôi điều về cuộc khởi nghĩa Võ Trứ: “Chùa Đá Trắng (Tuy An) được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia chủ yếu gắn với cuộc khởi nghĩa Võ Trứ, tôn vinh cuộc khởi nghĩa Võ Trứ".
Nét đặc sắc của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ là ở chỗ ông đã cố gắng tìm ra con đường đấu tranh mới trong hoàn cảnh đen tối của đất nước, thực dân Pháp đã đặt xong nền cai trị ở nước ta, phong trào Cần Vương bị thất bại hoàn toàn. Võ Trứ cố gắng tìm con đường mới và bền chí tập hợp lực lượng khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đất nước.
Là một nhà Nho giàu lòng yêu nước, trong thời thế nhà Nho kháng chiến đang suy sau cuộc kháng chiến cuối cùng của phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Võ Trứ thấy được rằng, hệ ý thức Nho giáo đang suy tàn, không đủ sức huy động lực lượng. Sau phong trào Cần Vương phải tìm con đường mới, con đường mới ấy khác như thế nào với các cuộc khởi nghĩa trước, ông cũng chưa thấy được rõ ràng. Dựa vào hệ ý thức Nho giáo không còn hợp nữa, Võ Trứ đã vận động nhân dân theo tư tưởng Phật giáo, nói rõ hơn: Phật giáo kháng chiến.
Võ Trứ đã sát cánh cùng Trần Cao Vân phát huy cao độ truyền thống đoàn kết các dân tộc Kinh Thượng một lòng dưới ngọn cờ khởi nghĩa của mình. Bà con các dân tộc miền tây Phú Yên một lòng theo Võ Trứ, theo ông thầy chùa kháng chiến. Mật khu của ông trong dãy núi La Hiên hùng vĩ có một hang động chứa được hàng trăm người, đến nay bà con địa phương vẫn gọi là “hang Võ Trứ”.
Võ Trứ tuy thất bại nhưng là người có quyết tâm, dũng khí tìm con đường đấu tranh mới. Cái hay là ở chỗ đó, không đem thành bại luận anh hùng”
…
Võ Trứ (?-1898) là một nhà sư, một võ sư đồng thời là một nhà thơ. Cũng như hầu hết các lãnh tụ phong trào Cần Vương, ông là một Nho tướng được nhân dân rất kính trọng, ngay đến kẻ thù cũng thán phục.
Nguyên quán Võ Trứ ở làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước tỉnh Bình Định (nay là thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Võ Trứ sinh trưởng trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước, được học chữ Nho từ thuở bé. Hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi năm 1885, Võ Trứ theo giúp Mai Xuân Thưởng đánh nhau với Pháp nhiều trận.
Sau khi cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định thất bại, Võ Trứ ẩn mình làm môn đệ của sư cụ chùa Đá Bạc, hàng ngày giúp sư cụ trụ trì phát thuốc và suy tư tìm con đường mới để chống thực dân. Hoạt động của chùa Đá Bạc nổi tiếng khắp nơi, quy tụ nhiều đệ tử, lan tỏa đến chùa Hang và chùa Chánh Danh (Bình Định). Thực dân Pháp đánh hơi, ra lệnh bắt sư cụ chùa Đá Bạc làm cho vị chân tu phải lánh nạn biệt tích.
Được Thầy giao ấn “ngũ công Quan âm”, Võ Trứ tiếp tục sự nghiệp của Thầy, mở rộng thu nhận đệ tử, kết nghĩa với danh sĩ Trần Cao Vân và mưu định dựa vào Phật giáo để khởi nghĩa chống Pháp. Võ Trứ cùng Trần Cao Vân vào Phú Yên tập hợp lực lượng là các đệ tử Phật giáo, tuyên truyền vận động nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Sơn Hòa, Đồng Xuân gia nhập lực lượng nghĩa quân.
Rằm tháng bảy năm Đinh Dậu (1897), để che mắt thực dân, Võ Trứ cùng Trần Cao Vân tổ chức một cuộc họp quan trọng tại chùa Đá Trắng (Từ Quang tự) ở An Dân - Tuy An bàn định cuộc khởi nghĩa.
Năm Mậu Tuất 1898, nhân dân Phú Yên bị thiên tai mất mùa nhưng vẫn phải đóng sưu thuế quá cao. Dân tình đói kém, oán thán nhà cầm quyền. Thời cơ đã đến, Võ Trứ giương cao cờ khởi nghĩa có đề bốn chữ “Minh Trai chủ tể”. Võ Trứ trực tiếp chỉ huy đạo dân binh Kinh Thượng từ chiến khu Đồng Xuân kéo xuống tỉnh lỵ Sông Cầu. Lực lượng nghĩa quân có nhiều nhà sư tham gia, phần lớn dân binh chỉ được trang bị bằng rựa và giáo mác nên thực dân Pháp gọi cuộc khởi nghĩa Võ Trứ là “giặc thầy chùa”, “giặc rựa”.
Khi nghĩa quân tiến đến dốc Quýt, cách Sông Cầu khoảng vài cây số, giặc Pháp đưa quân chặn lại. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt tại dốc Quýt và trước áp lực vũ khí tối tân của giặc, nghĩa quân dù rất ngoan cường nhưng phải lui quân để bảo toàn lực lượng.
Sau trận tiến công chiếm tỉnh lỵ không thành, Võ Trứ lui binh về căn cứ La Hiên. Củng cố lực lượng. Mấy ngày sau, giặc Pháp huy động đại quân bao vây, phóng hỏa, thiêu đốt căn cứ. Võ Trứ, Trần Cao Vân cùng những người lãnh đạo chủ chốt lánh trên dãy núi La Hiên điệp trùng, tính kế khôi phục sự nghiệp.
Giặc Pháp trả thù bằng cách triệt hạ các xóm làng, khám xét, khảo tra, hạ ngục hàng ngàn dân lành vô tội.
Trước thảm cảnh ấy, Võ Trứ quyết định nộp mình cho Pháp tại Sông Cầu, nhận lãnh mọi trách nhiệm về mình để giảm nhẹ hình phạt những người có liên quan, trong đó có Trần Cao Vân. Nhờ sự hy sinh cao cả của thủ lĩnh Võ Trứ, quân sư Trần Cao Vân tiếp tục tìm đường cứu nước, mưu đồ giúp vua Duy Tân khởi sự chống Pháp tại kinh đô Huế nhưng không thành công, bị thực dân xử chém năm 1916.
Giặc Pháp dùng mọi biện pháp từ mua chuộc đến khảo tra nhưng không khuất phục được ông. Bất lực, giặc Pháp đành đem ông ra pháp trường trảm quyết.
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ là cuộc khởi nghĩa cuối cùng của phong trào Cần Vương và phong trào Văn Thân ở Nam Trung bộ.
Võ Trứ ra đi đền nợ nước, để lại cho hậu thế một khúc ca bi tráng và bất diệt của cuộc khởi nghĩa. Ông còn để lại cho đời 13 bài thơ bất hủ; xin trích hai bài để cùng thưởng thức và cảm sâu hơn về cái dũng, cái chí của ông.
ĐẠI PHÁ LANG SA HẬU HỮU CẢM
Quốc biến anh hùng trứ chiến y
Thủ trung bảo kiếm địch an nguy
Điều binh trận thượng khu di địch
Hạ mã lập thành thoái tập thi
Đào Văn tạm dịch:
VIẾT SAU KHI ĐẠI THẮNG GIẶC PHÁP
Nước loạn anh hùng khoác chiến y
Trong tay gươm báu định an nguy
Lâm trận quyết xua bầy quỷ dữ
Khải hoàn, dừng ngựa lại đề thi
ĐỘC MAI NGUYÊN SÚY - THI DI HỮU CẢM
Kỷ độ phong trần hạnh thức công
Trung tâm khả tỉ hỏa quang hồng
Hoàng thiên bất trợ bình Nhung chí
Sầu độc di thi lệ bất cùng
Đặng Tấn tạm dịch:
ĐỌC BÀI THƠ CÒN LẠI CỦA NGUYÊN SOÁI MAI XUÂN THƯỞNG CẢM TÁC
Gió bụi bao ngày, may biết ông
Lòng trung như ánh lửa tươi hồng
Chí lo dẹp giặc trời không giúp
Buồn đọc dòng thơ, lệ chẳng cùng.
Thơ Võ Trứ là những bản hùng ca khắc họa chân dung người nghĩa sĩ Cần Vương, là nhật ký chiến trường trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù thực dân để giành lại giang sơn. Ngoài sự nghiệp chống ngoại xâm, sự nghiệp văn học của Võ Trứ được Viện Văn học giới thiệu với tư cách tác giả trong “Tuyển tập Văn học Cần Vương” xuất bản năm 1997. Tại Phú Yên, sự nghiệp văn học của ông xứng đáng được đưa vào chương trình văn học địa phương để giảng dạy trong nhà trường.
BA ĐÀ RẰNG