Phong trào Cần Vương tại Phú Yên

Phong trào Cần Vương tại Phú Yên

Hịch Cần Vương nhanh chóng lan xa trong cả nước, sĩ phu, nhân dân lao động và cả quan lại địa phương nhất tề hưởng ứng tạo thành một phong trào rộng lớn trong cả nước. Phong trào Cần Vương là một điểm son trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm cuối thế kỷ XIX của dân tộc.

Hịch Cần Vương nhanh chóng lan xa trong cả nước, sĩ phu, nhân dân lao động và cả quan lại địa phương nhất tề hưởng ứng tạo thành một phong trào rộng lớn trong cả nước. Phong trào Cần Vương là một điểm son trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm cuối thế kỷ XIX của dân tộc.

060421-ltp.jpg
Dâng hương tưởng niệm chí sĩ Lê Thành Phương - Ảnh: Kim Sa9i

Với dã tâm áp đặt nền thống trị trên cả lãnh thổ nước ta, ngày 12-4 (âm lịch) năm Ất Dậu (1885), thực dân Pháp cử trung tướng Roussel de Courcy sang Việt Nam với chức vụ toàn quyền chính trị và quân sự. De Courcy là một tên tướng hiếu chiến, hung hăng, ngạo mạn, thô lỗ.

Vừa đến Việt Nam ngày 1-6-1885 thì ngày 5-6-1885 , De Coury bổ nhiệm tên cáo già thực dân De Champeau làm khâm sứ Trung Kỳ (thay thế cho viên khâm sức ôn hòa Lemaire).

Ngày 1-7-1885 , De Courcy vào Huế bàn lễ triều yết vua Hàm Nghi, cố ý làm nhục triều đình Huế, đè bẹp ý chí phản kháng của phái chủ chiến triều đình do Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết đứng đầu.

De Coury ngang ngược buộc triều đình Huế phải mở cửa chính Ngọ Môn (chỉ dành riêng cho vua) cho y và cả những người hậu cận đi vào. De Courcy còn buộc vua Hàm Nghi phải bước xuống ngai vàng trực tiếp đón nhận quốc thư do y trao chứ không được sai một vị quan đại thần nhận và dâng lên nhà vua như nghi thức tiếp sứ giả từ xưa đến nay.

De Courcy còn vạch kế hoạch bắt cóc nhị vị phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ngay tại bữa tiệc ở Tòa khâm sứ do y khoản đãi nhưng Tôn Thất Thuyết thấy rõ mưu gian nên cáo bệnh không đến dự.

Bị De Courcy dồn đến chân tường, 1 giờ sáng ngày 23-5 năm Ất Dậu (tức ngày 5-7-1885 ) Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công đồn Mang Cá. Cả kinh thành Huế rung chuyển. Quân ta tuy anh dũng có thừa nhưng không chống đỡ nổi đòn phản công của thực dân Pháp. Kinh thành Huế thất thủ.

Rạng sáng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết ra lệnh rút quân khỏi kinh thành, hộ giá vua Hàm Nghi về chiến khu Tân Sở – Quảng Trị. Ngày 2-6 năm Ất Dậu (13-7-1885), Tôn Thất Thuyết thừa lệnh vua Hàm Nghi thảo chiếu Cần Vương (kêu gọi mọi người giúp vua) gởi đi khắp nước “…Trẫm đức mỏng, gặp phải biến cố này không thể hết sức chống giữ, để kinh thành bị hãm, tam cung phải lên xe lánh nạn, tội ở mình trẫm cả, hổ thẹn vô cùng. Nhưng mối luân thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, chắc không nỡ bỏ Trẫm, người trí giúp mưu, người dũng giúp sức, người giàu xuất của để giúp quân nhu, cùng nhau đoàn kết, chí ngại hiểm nguy, gỡ chỗ khó, giúp khi bí, thảy đều hết lòng dốc sức. May mà trời chiều người, chuyển nguy thành an, thu lại đất đai, phục lại bờ cõi, cơ hội này thật phúc cho nước nhà, tức là phúc cho thần dân, đã cùng nhau lo lắng thì được cùng nhau yên vui há chẳng tốt lắm ru? (Lê Thước dịch theo bản chữ Hán trong quyển Trung pháp chiến trình tập). Hịch Cần Vương nhanh chóng lan xa trong cả nước, sĩ phu, nhân dân lao động và cả quan lại địa phương nhất tề hưởng ứng tạo thành một phong trào rộng lớn trong cả nước. Phong trào Cần Vương là một điểm son trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm cuối thế kỷ XIX của dân tộc.

I- Cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương:

Tại Phú Yên, tú tài Lê Thành Phương (1825-1887) quê quán ở làng Mỹ Phú, tổng An Vinh (nay là xã An Hiệp, huyện Tuy An) hưởng ứng chiếu Cần Vương phất cờ khởi nghĩa tại núi Một (thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, phủ Tuy An) ngày 13-8-1885 . Dưới lá cờ tụ nghĩa, Lê Thành Phương được suy tôn là Thống soái, tướng sĩ cùng nhau cắt máu ăn thề. Ông phiên chế nghĩa quân thành phiên đội, cắt đặt chỉ huy.

Toàn tỉnh chia làm 2 phân khu (phân khu Bắc từ đèo Cù Mông đến đèo Tam Giang, phân khu Nam từ đèo Tam Giang đến đèo Cả). Thống soái Lê Thành Phương đóng cơ quan chỉ huy tối cao tại núi Chóp Vung, phía tây làng Phong Phú và giao cho con trai là Lê Thành Bính giữ chức Hữu tham quân, đóng đồn tại Lâm Cấm, Phó soái Bùi Giảng chỉ huy toàn bộ phân khu Bắc, đóng đại đồn tại núi Hòn Đồn (Định Trung). Tham tám quân vụ Nguyễn Hào Sự đóng đại binh tại tổng Binh, dựa vào dãy núi La Hiên, Võ Thiệp đóng quân tại đồn Bình Tây, Nguyễn Sách đóng quân tại đồn Vân Hòa. Cánh quân chủ lực đóng ở huyện Tuy An làm nhiệm vụ án ngữ mặt trước và chi viện cho các nơi. Nguyễn Hào Sự trực tiếp chỉ huy cánh quân thủy đóng tại Sông Cầu và cửa Tiên Châu (Tuy An). Từ đèo Cả đến đèo Cù Mông, từ miền biển đến miền núi, nghĩa quân chia nhau đóng nhiều vị trí để tạo thế nương tựa lẫn nhau. Với đức độ và tài thao lược, Lê Thành Phương trở thành một thủ lĩnh có uy tín của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên.

Dưới con mắt các nhà quân sự Pháp, người ta công nhận Lê Thành Phương là một người có kiến thức sâu rộng về khoa học quân sự. Tirant, một công sứ của Pháp, đã nói về Lê Thành Phương như sau: “Người chỉ huy chính của phong trào Văn thân ở Phú Yên là một người dũng cảm hiếm có và có một nghị lực thật sự. Quê quán ở làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh, vùng này là trung tâm hoạt động của ông. Ở đó ông đã tiến hành những vụ khủng bố, ông cũng xây đắp đồn lũy để phòng thủ với một sự thông minh hiếm có, theo nhận xét của những người am hiểu nghề nghiệp” (Trích thư gửi cho Thống đốc Nam Kỳ ngày 3-3-1887).

Làm chủ tình hình, mở rộng địa bàn hoạt động các tỉnh Nam Trung Bộ (từ giữa 8/1885 đến giữa năm 1886).

Mở đầu cho thời kỳ tiến công là công cuộc diệt trừ nội phản, đánh đổ ngụy quyền, đập tan ngụy quân và diệt trừ bọn việt gian làm nội ứng cho Thực dân Pháp. Dưới khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”, những cuộc ra quân đầu tiên nhằm đánh thẳng vào các cơ sở tay sai của Pháp trên toàn tỉnh. Mũi nhọn chỉa vào các làng tề và hệ thống ngụy quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn nghĩa quân Lê Thành Phương đã giành được thế làm chủ tình hình ở Phú Yên. Địch chỉ còn nắm được những vị trí chủ chốt ở các trung tâm tỉnh huyện và những vùng lân cận.

Ngày 30-8-1885, Lê Thành Phương lệnh cho Phó soái Bùi Giảng tiến vào Khánh Hòa, Bình Thuận mở đường liên kết với phong trào Cần Vương các tỉnh Đàng Trong.

Ngày 23-11-1885 nghĩa quân Bùi Giảng phối hợp tiến công và lật đổ ngụy quyền phủ Ninh Thuận, giải thoát cho những tù nhân yêu nước ở đây. Nhưng trong trận chiến đấu ngày 12-12, quân Bùi Giảng bị thất bại phải rút về Khánh Hòa, lúc đó đội quân của Lê Thành Bính cũng từ Tu Bông vừa đến kịp thời ứng cứu. Hai đạo quân phối hợp mở cuộc tấn công đập tan cứ điểm tỉnh thành Diên Khánh (Khánh Hòa) vào ngày 14-12. Thắng lợi này đã đập tan thế lực ngụy quyền Khánh Hòa thân Pháp, buộc đạo quân viễn chinh Pháp tại đồn Hòn Khói phải lui về cố thủ.

Đầu năm 1886, Lê Thành Phương điều động quân của Bùi Giảng và Lê Thành Bính về lại Phú Yên phối hợp với các đạo quân tại chỗ đánh thành An Thổ, tỉnh lỵ Phú Yên, nghĩa quân đã đập tan cứ điểm lớn nhất này. Sau đó tiến đánh huyện thành Tuy Hòa, tri phủ huyện Tuy Hòa là Đinh Văn Tân phải chạy trốn. Thắng lợi này có tác động mạnh mẽ đến phong trào Cần Vương trong cả nước. Sự kiện này làm cho Thống sứ Nam Kỳ và vua Đồng Khánh hết sức lo ngại, sự thống trị của Pháp bị uy hiếp và chúng sợ “một chuỗi phản ứng dây chuyền từ sự kiện Phú Yên xảy ra có thể làm mất cả Đông Dương”. Laborde, trong cuốn “Le Phu Yen” đã nhắc lại thời kỳ này và tố cáo quan thầy của mình là Trung tá Demas, phụ trách việc đánh dẹp phong trào Cần Vương Phú Yên

BA ĐÀ RẰNG (tổng hợp)

(Còn nữa)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn