Đường Trường Sơn - con đường huyền thoại

Đường Trường Sơn - con đường huyền thoại

Ngày 19/5/1959, theo chỉ đạo của Bác Hồ, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 559, đoàn có nhiệm vụ bảo đảm giao thông, liên lạc; triển khai các kế hoạch đưa cán bộ, chiến sĩ và hàng hóa từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam nhằm đánh bại bọn Mỹ ngụy,

Ngày 19/5/1959, theo chỉ đạo của Bác Hồ, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 559, đoàn có nhiệm vụ bảo đảm giao thông, liên lạc; triển khai các kế hoạch đưa cán bộ, chiến sĩ và hàng hóa từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam nhằm đánh bại bọn Mỹ ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo tinh thần Nghị quyết 15 của Đảng. Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn luôn theo dõi, chỉ đạo sát sao từng bước đi của Đoàn 559.

Lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên viếng mộ liệt sĩ Lê Phụng Kỳ năm 2009 tại Nghĩa trang Trường Sơn (anh Lê Phú Tân mặc áo trắng (đứng giữa) con trai cả của liệt sĩ Lê Phụng Kỳ) - Ảnh: CTV

Từ lúc tổ chức chuyển gùi thồ hàng đầu tiên nhằm soi đường, mở lối tạo thành hàng lang vận tải quân sự bằng cơ giới hàng trăm cây số trong điều kiện địa hình bị chia cắt, kẻ thù ngăn chặn đánh phá quyết liệt, kể cả chúng dùng mưa nhân tạo, máy thăm dò điện tử hiện đại đều bất bại. Cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong vẫn kiên cường bám trụ nơi mưa bom, bão đạn trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nắng sớm, mưa chiều, đói cơm, lạc muối, thương vong và bệnh tật; lúc đầu với khẩu hiệu: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để giữ bí mật tuyệt đối, khi có điều kiện với quyết tâm “Đánh địch mà đi - mở đường mà tiến” theo con đường rừng ấy đưa hàng ngàn tấn vũ khí chuyển giao cho chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đồng thời nắm vững thời cơ tổ chức lật cánh từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn tạo thành đường chiến lược bằng vận tải cơ giới trên đất bạn Lào, chi viện kịp thời cho chiến trường nhanh nhất.

Đoàn được bổ sung Trung đoàn Công binh 98 và tăng cường 2 trung đoàn pháo phòng không bảo vệ tuyến. Đặc biệt, đoàn đã sửa chữa, nâng cấp hàng trăm km đường, cầu bảo đảm cơ động các loại binh khí, kỹ thuật như xe tăng, pháo hạng nặng. Phát triển 4 trung đoàn đường ống bảo đảm đưa xăng dầu từ hậu phương miền Bắc đến tận các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ. Có thể nói, mọi thành quả cách mạng miền Nam, từ phong trào Đồng Khởi, đến đánh bại Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, rồi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đến mùa hè đỏ lửa 1972, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đều có sự góp công không nhỏ của Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559).

Ngày 15/1/1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn huy động tham gia Chiến dịch Tây Nguyên với 3 sư đoàn, 1 sư đoàn bộ binh 968, 1 sư đoàn công binh 470, 1 sư đoàn xe 471, 2 trung đoàn đường ống, 1 trung đoàn thông tin. Các đơn vị bí mật sửa chữa đường 48, 50, mở tiếp trục dọc đường 50a với chiều dài 60km. Đến ngày 4/3/1975, trục đường này đã đến bản Kơhia (huyện Cư Mga), cách TX Buôn Ma Thuột chỉ có 20km mà địch không hay biết, góp phần đưa chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng ngày 25/3/1975.

Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn dồn hết tâm sức và mọi nguồn lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đoàn đã huy động 9 sư đoàn, gồm mọi binh chủng sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu phục vụ chiến dịch.

Trong khi đó, đơn vị còn phải huy động một lực lượng lớn ô tô cơ động di chuyển gấp các quân đoàn I và II từ miền Bắc vào Nam tham gia cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Bộ đội Trường Sơn quyết định sử dụng 2 sư đoàn ô tô: 471 và 571 trên 2.000 lượt xe làm nhiệm vụ cơ động gấp, 10 sư đoàn, 3 quân đoàn (1, 2, 3) và 90 đoàn binh khí kỹ thuật vào tham gia chiến dịch; trên 1.000 xe vượt trên 1.200km đường rừng núi làm lay động cả dãy Trường Sơn. Phục vụ cơ động toàn bộ đội hình Quân đoàn I tới vị trí tập kết tại Đồng Xoài vượt thời gian quy định. Cơ động Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B, Quân đoàn III, Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A vào Lộc Ninh kịp thời và vận chuyển 61.000 tấn đạn cho chiến dịch, 2 sư đoàn công binh 470, 472 và 1 trung đoàn công trình trực thuộc, bảo đảm giao thông thông suốt từ Đường 9 theo Tây Trường Sơn đến Bình Phước, Tây Ninh. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị tập trung mọi cố gắng dồn xăng dầu cho chiến dịch với 8 địa điểm cấp phát cách nhau từ 100 đến 140km và đã cấp 4.100 tấn xăng dầu bảo đảm thỏa mãn cuộc hành quân thần tốc theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đường Trường Sơn - Đường HồChíMinh giờđãtrởthành “Con đường huyền thoại” có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Họ đã đào đắp san lấp 29 triệu m3 đất, đá, xây dựng 3.140km đường bộ các loại và hệ thống đường sông dài 500km. Nhập và vận chuyển 31.796 tấn xăng dầu, lấp 78.000 tấn hố bom, phá 12.600 bom từ trường, 6.000 bom nổ chậm, 85.000 mìn các loại. Đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu 18.740 tên địch, bắt sống 1.190 tên, thu và phá hủy hàng trăm xe quân sự - bắn rơi 2.455 máy bay. Vận chuyển 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ nhân dân Chính Đảng ra vào Trường Sơn, 93.000 thương binh các chiến trường về phía sau(1).

Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến Trường Sơn có gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 32.000 người bị thương; trong đó có những người con của mảnh đất Phú Yên yêu quý như liệt sĩ Lê Phụng Kỳ, Chính ủy Binh trạm 36. Nhiều người con của Phú Yên đã bám trụ phục vụ, chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại ác liệt, mưa bom bão đạn nắng lửa mưa dầu. Trong đó có cụ Đào Tấn Ngoạn Kô Meo A Ma Lộc (1923-2001). Có thể nói, cụ là một trong những chiến sĩ Trường Sơn đầu tiên từ đồng lúa Tuy Hòa đến đại ngàn Trường Sơn xây dựng tuyến đường Trường Sơn miền Tây tỉnh Thừa Thiên đầy khó khăn gian khổ từ năm 1960 thếkỷtrước(2). Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1975 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày, có đoạn: “Con đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vĩ và nối liền Nam - Bắc là một kỳ công trong lịch sử chiến tranh, là biểu hiện oai hùng của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân cả nước. Địch dùng trăm phương nghìn kế ngăn chặn nó, thì nó càng phát triển nhanh chóng và vững chắc theo nhịp độ của chiến tranh, để đến mùa xuân năm 1975 góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng, giải phóng Sài Gòn - giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Năm tháng sẽ đi qua nhưng đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như “con đường huyền thoại”, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thế kỷ XX”.

Phát huy truyền thống anh hùng của lớp người đi trước, Đoàn 559 được đổi tên Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, trong đó có Binh đoàn 12 - đã viết tiếp trang sử vẻ vang trong xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng được Nhànước tuyên dương anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Còn các cựu chiến binh Trường Sơn Phú Yên luôn luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống người chiến sĩ Trường Sơn quả cảm, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và góp phần xây dựng quê hương đổi mới.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong vàdân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam sẽ mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt.

(1) Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ - NXB QĐND năm 2008

(2) Đào Tấn Ngoạn Kô Meo A Ma Lộc - NXB Chính trị Quốc gia trang 46 xuất bản tháng 6/2003

NGUYỄN ĐẮC TẤN

(Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn