Nghĩ về một thời mở đất Phú Yên

Nghĩ về một thời mở đất Phú Yên

Để đến năm Tân Hợi (1611) có đủ điều kiện thành lập một đơn vị hành chánh cấp phủ (tỉnh hiện nay) với danh xưng Phú Yên thì từ trước đó nhiều năm đã có người Việt đến sinh sống ở vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia.

Để đến năm Tân Hợi (1611) có đủ điều kiện thành lập một đơn vị hành chánh cấp phủ (tỉnh hiện nay) với danh xưng Phú Yên thì từ trước đó nhiều năm đã có người Việt đến sinh sống ở vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia.

070219-Cay-da-trong-den-LVC.jpg

Gốc đa cổ thụ trong đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh – Ảnh: D.T.X

Sau năm Tân Mão (1471) khi núi Đá Bia trở thành ranh giới phía Bắc của Chămpa thì đã có người Việt vào vùng đất được vua Lê Thánh Tôn phong làm “Nước Hoa Anh” (cùng với “Nước Nam Bàn” ở phía tây) còn thư tịch cổ ghi là vùng đất “còn thuộc Man Lèo”, và bản đồ Hồng Đức cũng vẽ biên giới Đại Việt tới bắc Cù Mông.

Đến năm Mậu Dần (1578) khi Trấn Biên quan Lương Văn Chánh vào bình định và ổn định vùng đất phía nam đèo Cù Mông thì lưu dân người Việt đã vào sinh sống nhiều hơn.

Và, năm Đinh Dậu (1597) trở thành niên đại đáng nhớ của một thời mở đất Phú Yên. Đó là năm ông Lương Văn Chánh vâng lệnh chúa Nguyễn Hoàng đưa 3.000 lưu dân người Việt vào thực thi nhiệm vụ được ghi rõ: “… đến các xứ Cù Mông, Xuân Đài, Đà Diễn, Đà Nông, trên thì từ nguồn thượng dưới đến cửa biển, kết lập gia cư địa phận khai khẩn ruộng đất hoang cho đến khi thành thục sẽ nạp thuế như thường lệ”.

Nhiệm vụ nói trên hết sức quan trọng, được ghi rất cụ thể, rõ ràng và thật nghiêm minh (“vì việc mà nhiễu dân sẽ bị xử tội”). Người được Chúa Nguyễn ủy giao nhiệm vụ lịch sử đó là Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh - một vị quan có công, có tài và có đức. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được triều đình ban khen và về sau còn truy tặng, được nhân dân Phú Yên ghi tạc công ơn to lớn.

Biết ơn Lương Văn Chánh, nhân dân Phú Yên cũng nhớ tới công ơn những người lao động mở đất lập làng trên mảnh đất này, hồi hơn 400 năm trước. Mồ hôi, nước mắt và xương máu mà con người thời mở đất đã phải hy sinh nhiều trong lao động cực nhọc và đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để biến đất hoang thành đồng ruộng và tạo lập nên những xóm làng.

Phủ Phú Yên được thành lập vào năm 1611 là lúc cuộc sống cư dân đi vào ổn định, đất đai hoang hóa đã được khai phá có kết quả, thôn ấp hình thành, đủ điều kiện để lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc phủ Phú Yên.

Hậu duệ của những người mở đất ngày càng đông và Phú Yên cũng tiếp nhận thêm nhiều đợt tăng cơ học từ nhiều nguồn cư dân đến.

Lịch sử là lịch sử con người, mà trước hết là lịch sử sản xuất. Vậy nên nền sản xuất của Phú Yên thời mở đất cho thấy con người trên vùng đất này đã làm được nhiều kỳ tích đáng trân trọng. Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 cho thấy bức tranh về nền sản xuất phát triển khá đa dạng ở phủ Phú Yên vào đầu thế kỷ XVIII.

Với gần 15 ngàn người dân sinh sống ở 38 thuộc của phủ Phú Yên đã khai phá thành thục được 128.940 mẫu ruộng đất và số thóc nộp thuế điền bộ hằng năm là 128.994 thưng 7 cáp. Về kinh tế sản xuất thì ngoài trồng lúa còn có bắp, gai dâu, nứa… Về kinh tế khai thác thì nhiều loại lâm sản, còn có dầu rái… ở đầu các nguồn. Biển thì có nại muối, nghề câu, nghề lưới, chài, đăng. Nghề thủ công có đan võng, làm chiếu, nấu đường, thợ mộc, thợ vàng, thợ bạc… Giao thông đường bộ và đường biển nhanh chóng phát triển. Qua địa bàn Phú Yên, quá trình Nam tiến tiếp tục phát triển và công cuộc Tây tiến cũng như Đông tiến dần dà diễn ra trên khắp vùng rộng lớn.

Đó là thành quả đóng góp của lớp người thời mở đất Phú Yên hơn bốn thế kỷ trước đây. Nghĩ về một thời mở cõi, cũng là nêu cao giá trị lao động của con người cần thiết cho thời mở cửa này, ở Phú Yên cũng như ở bất cứ nơi nào khác.

NGUYỄN QUỐC LỘC

Từ khóa:

Ý kiến của bạn