Ở làng Phú Xuân (nay là xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) các cụ xưa có đề ở đình làng:
“Phú địa tráng kỳ quang thất khúc duy sơn cửu khúc thủy”
Thất khúc duy sơn một là núi Một Phước Hà, hai là Hòn Cao ở giữa làng Phú Xuân và làng Phú Hội, ba là núi Tam Hiệp (nhà thờ Đồng Tre), bốn là hòn Tà Lãnh, năm là hòn Ông Kiệm, sáu là hòn Sưng, bảy là hòn Ông Quế. Các núi này nằm giữa đồng hoặc bờ đồng, có hòn gần chân dải núi lớn.
![]() |
Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
|
Ở xã Xuân Quang, có hòn Đồn 3 xã, hòn Một, hòn Bút, hòn Nghiên, ở La Hai có núi Mưa.
Ở xã Xuân Sơn có núi Đồng Tròn, hòn Đình, hòn Một, hòn Đất, hòn Con Cá và hòn Con Tôm. Tất cả đều có một thuyết chung là do ông Khổng bà Tiên mà ra. Chuyện kể rằng ông Khổng yêu bà Tiên, bà Tiên đồng ý cưới nhau nhưng ông Khổng phải gánh núi lấp biển. Nhưng vì lẽ gì đó, bà Tiên không chịu ưng nên ông Khổng tức giận xách núi quăng lung tung, dưới biển thì tạo ra đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, vũng Lắm, đầm Ô Loan, Lao Mai Nha, Hòn Chùa, Hòn Than… Trên đồng, một số núi ngăn cách làng này làng kia, nhân dân xây nhà cửa xung quanh núi. Ấy là chuyện đời xưa. Nhưng mỗi hòn núi còn gắn với những câu chuyện thú vị mà đến giờ, bà con vẫn còn nhớ.
Hòn Cao trên thực tế rất nhỏ, có miếu thờ thổ thần, thần Nông trở thành núi cấm. Cây cối trên núi um tùm xanh biếc, có nhiều cây lớn. Hòn Tà Lãnh có một ngôi chùa xưa qua chiến tranh đã thành phế tích. Xa xưa, có một vị sư tên là Hứa Mật Sô tu ở đây, chỉ mặc bằng vỏ cây, ăn rau quả. Đến đời Minh Mạng, vua đã mời sư cụ về kinh, tu chỉnh kinh pháp ở chùa Thiên Mụ rồi cho về. Cụ đi thuyết pháp các nơi, sau đó về rừng sâu viên tịch, không còn ai biết lăng mộ cụ. Đến thời cách mạng văn thân trên núi Tà Lãnh có một cây cờ đỏ của lãnh tụ Lê Thành Phương cắm ở đó và có câu:
“Nước Cà Bương tẩy giáp
Non Bạch Lãnh giương cờ”
Cách đây hơn 100 năm, khi xây dựng đình làng, ông Hào Sự có câu đối:
“Phú đắc địa chung linh áng tác độc sơn lưu ẩn ngọc
Xuân hồi thiên khí noãn mạch tùng Cao Lãnh dẫn lai long”
Mạch nước hòn Cao – hòn Tà Lãnh tưới cho cánh đồng. Sau đó, ta đã làm một đập bổi tưới nước cho cánh đồng Tre. Diện tích tưới được vài trăm ha, nhưng đến tháng 6 là đập kiệt nước. Đến khi có hồ chứa nước ở sông Cà Bương thì người ta bỏ đập Cao Lãnh ít nước.
Hòn Đồn 3 xã là nơi đóng quân dưới thời Tây Sơn. Trên núi, người ta treo kẻng để tập trung lực lượng các xã lân cận chống giặc.
Hòn Nghiên, hòn Bút gắn với câu chuyện về cử nhơn Mạnh Tuyển làm quan thời Tự Đức, trấn ở Nghệ An. Sau khi Hà Thành rơi vào tay Pháp, chúng tấn công vào Nghệ An. Trước khi thất thủ, cụ đã tuẫn tiết, được vua phong Thần. Nhân dân đã lập đền thờ cụ ở chân núi Bút, núi Nghiên.
Sau, có hai vị tú tài đều theo gương cụ mà tổ chức chống Pháp, đó là cụ tú Huỳnh Thượng Trung và cụ tú Nguyễn Nho Trân. Các cụ đã nuôi giấu Trần Cao Vân và cùng các danh sĩ như cụ Phan Chu Trinh, cụ Trần Quý Cáp vận động cách mạng. Người dân cho rằng nhờ núi Nghiên, núi Bút mà nơi đây (xã Xuân Quang 3 ngày nay) có nhiều danh sĩ, tú, cử. Xã này có cử nhơn Trần Ngũ Phương (tốt nghiệp hạng ưu trường Pháp) và hai tú tài Pháp là tú Nguyễn Tích và tú Võ Đôn Phước. Và người phụ nữ đầu tiên có học vị Tây học, được bổ nhiệm làm giáo viên là cô trợ Nhung. Một số tốt nghiệp cấp trung, tiểu học và đều tham gia phong trào cách mạng.q
CTV