Ngày nào qua miễu Bà Trang
Nhìn xem miễu cũ, bàng hoàng chuyện xưa.
Mau mau đến miễu Bà Trang
Đến đồng Bà Sứ thở than đôi lời
Miễu Bà Trang thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay là thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, nằm ở vùng giáp ranh với thôn Phong Hậu xã An Định. Từ phía nam cầu Ngân Sơn, theo đường lộ đi về hướng tây chừng 500m thì đến nơi. Ngày xưa nơi này có tiếng là linh thiêng, trưa tròn bóng hay nửa khuya không ai dám qua lại, nếu có qua lại thì phải ngả nón, cúi đầu.
Vị trí của miễu Bà Trang trước kia – Ảnh: NGỌC CHUNG
Ngôi miếu xây dựng từ thời Gia Long, tường gạch lợp ngói gồm có tiền điện và hậu điện, giữa có núi hõm vào tạo một mặt bằng khá rộng, có cây cổ thụ tán che rộng, trông cảnh vừa tĩnh mịch vừa uy nghiêm. Chung quanh có tường bao bọc cao quá đầu người.
Chuyện kể rằng Bà Trang từ đâu đến đây cư ngụ, dân làng không ai biết, chỉ thấy bà cất lều nhỏ bán quán độ nhật bên bờ sông Cái. Một hôm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi, quân quan hộ giá thất lạc, Chúa Nguyễn chạy một mình đến bờ sông Cái. Chợt thấy có chiếc ghe câu đậu sát bờ, Chúa Nguyễn liền nhảy xuống ghe cầm dầm đẩy ghe qua sông, nhưng ghe cứ quay tròn, Chúa Nguyễn ngửa mặt lên trời than:
- Vận nhà Nguyễn đã hết! Trời hại ta nơi khúc sông này!
Bỗng một bầy rái cá nổi lên đưa thuyền Vương sang bên bờ kia. Giữa lúc ấy quân Tây Sơn ở bên này chuẩn bị sang sông truy lùng, Chúa Nguyễn đánh liều chạy vào quán nước và nói với chủ quán:
- Ta là chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn đuổi bắt, bà có cách gì cứu ta chăng?
Bà Trang quì tâu:
- Mời Chúa cứ lên giường nằm lấy chiếu đắp kín, khi quân Tây Sơn đến Chúa giả đò rên như đang lên cơn sốt để mặc tôi ứng biến.
Một lát sau, quân Tây Sơn kéo đến hỏi bà. Bà Trang chắp tay cung kính thưa:
- Nguyễn Ánh ăn mặc ra sao?
- Ông ta đầu chít khăn nhiễu Tam Giang, mình mặc áo gấm.
Chợt thấy có người nằm trên chiếc chõng tre, viên tướng trỏ roi hỏi:
- Ai nằm trong đó?
Bà Trang khúm núm thưa:
- Chồng tôi đang bệnh nặng, không thể dậy bái yết Tướng quân được, xin Tướng quân tha tội. Người mà Tướng quân mô tả, khi nãy tôi thấy đã chạy đến mỏm núi phía đông kia!
Bà vừa nói vừa trỏ tay ra đằng trước. Viên tướng Tây Sơn lập tức ra lệnh kéo quân đi. Đến mỏm núi thấy cây cối rậm rạp, viên tướng dàn quân bao quanh rồi phóng hỏa đốt sạch. Thế là, Nguyễn Ánh thoát chết.
Về sau, dẹp xong Tây Sơn, Chúa Nguyễn lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn bà Trang, nhà vua xuống chiếu mời ra Huế để báo đền công ơn, nhưng bà đã qua đời từ lâu. Nhà vua lệnh về địa phương xây dựng ngôi miếu nơi bà qua đời để hương khói phụng thờ và còn cấp ruộng tư điền. Hằng năm, quan tỉnh Phú Yên phải đến tận nơi làm chủ lễ tế.
Vì chiến tranh, sau một thời gian dài thì cây đổ, miếu sập. Một người dân trong làng đến san bằng nơi này làm chỗ trú ngụ. Sau khi ông qua đời, con trai ông kế thừa ngôi nhà này.
Thời gian trôi qua, bây giờ đi ngang qua nơi từng là cổ miếu, ít ai còn nhớ đến câu chuyện bà Trang nữa.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC