Ngó lên dốc Mụt chùa Lầu
Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân
Kể từ qua lại mấy lần
Nào ai khỏa lấp sông Ngân suối vàng
Gẫm trong kim cổ kỳ quan
Bước vô vườn liễu bông hoa tàn vì ai
Nhìn xem nguyệt xế non đoài
Bóng trăng lờ lợt biết ai nương cùng
Tận xưa rày nhơn nghĩa bập bùng
Xuống lên không đặng tỏ cùng anh hay
Mưu kia kế nọ ai bày
Làm cho chàng thiếp mỗi ngày mỗi xa.
Đường lên chốn thiền – Ảnh: D.T.X
Chùa Lầu hiệu Phước Lâm Tự ở thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tương truyền được khai sáng vào triều nhà Hậu Lê, ước chừng 300 năm. Di tích hiện còn năm ngôi tháp cấp bậc Hòa Thượng cùng các ngôi tháp Bửu Đồng và tháp ni cô.
Chùa xây ở lưng chừng đồi, trên một khu vực rộng hơn 600m2, vườn trồng cây ăn quả, bây giờ hoang tàn, cây cỏ um tùm. Nền chùa rộng 200m2 theo kiểu chữ môn. Ngày xưa chùa thường được lợp bằng tranh hoặc lá mái. Rường chùa theo kiểu chữ cổ lầu, vật liệu xây dựng bằng gỗ bào chuốt trơn láng chạm trổ công phu, tầng dưới cột trính, đấm quyết, tầng dưới chữ lập mái chái lợp bằng tranh.
Từ thôn Phú Mỹ theo xã lộ lên Chợ Thứ, đi khoảng 3km đến chợ Lẫm, quẹo phải là đến chùa. Dốc Lài rộng 2 mét, dài 300 mét lát bằng đá tảng lớn, lề dốc có nhiều cây cổ thụ tán xòe che mát. Nhà chùa đặt dưới gốc cổ thụ vại đựng nước lã để giải khát. Hiện nay những cây cổ thụ bị chặt gần hết nên trống trải. Con dốc này chứng kiến một thiên tình sử còn lưu truyền đến ngày nay. Chuyện kể rằng thời xa xưa có đôi trai tài gái sắc, yêu nhau tha thiết nhưng chẳng được cha mẹ chiều lòng. Nàng thề giữ trọn tình đầu nên cắt tóc nương nhờ cửa Phật. Một ngày kia chàng tìm ra tông tích đến xin nàng trở về cõi tục tiếp nối duyên xưa, nhưng nàng đã quyết an phận với lời thề. Thất vọng chàng xuống núi ra đi biền biệt.
Hai làng Mỹ Huâ và Tuy Dương mộ đạo Phật, di tích còn lưu lại ngoài chùa Phước Lâm còn có bốn ngôi chùa cổ là Bảo Sơn, Phước Sơn, Linh Sơn và chùa hang Dơi (Long Qui Sơn Thạch).
Lên tới chùa Lầu, tiếp tục đi về phía tây bắc sẽ gặp ấp Trường Xuân giáp ranh xã An Lĩnh. Phía sau chùa Lầu khoảng 50 mét có một cái dốc bằng đất sỏi, dài hơn 100 mét. Hai bên dốc có những mô đất mọc lên khoảng cách và độ lớn không đều nhau, song giống hệt những búp măng từ gốc tre nhú khỏi mặt đất. Do vậy có tên là dốc Mụt.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC