Quê tôi nằm bên bờ phá Tam Giang hiền hoà thơ mộng bốn mùa nước mát trong xanh; tuổi thơ tôi là những tháng ngày rong chơi cùng đám bạn bè trên rìa phá, sau những phút nô đùa tắm táp thoả thuê, cả bọn thường tụ lại một chỗ đứng ngắm ráng chiều, mơ màng phóng tầm mắt qua thảm nước mênh mông tới bờ đất xa thẳm bên kia, thả cho đầu óc lượn lờ phiêu du tưởng tượng.
![]() |
Cầu Hùng Vương - Ảnh: TRẦN VĂN
|
Trong đám bạn, đặc biệt có Đạm thi thoảng được bố mẹ cho theo buôn bán ở các phiên chợ định kỳ, mỗi lần về thường lấy câu chuyện làm quà, nào là có rất nhiều con đường sạch bong hơn cả nền nhà chúng tôi, ngoài đường cũng thắp điện sáng choang, rồi đèn xanh đèn vàng nhấp nháy suốt đêm khiến cả bọn cứ thế đứng há hốc mồm lắng nghe. Đi càng nhiều, chuyện kể của Đạm càng hấp dẫn, và nỗi khát khao được đi khỏi làng quê đến thăm thú những miền xa cứ sôi lên trong tôi, chập chờn cả trong giấc ngủ.
Một lần, tôi thăn thỉ bố: “Bố ơi!
Khi nào có dịp, cho con qua bờ bên kia với nhé!” thì ông buồn rầu bảo: - Khó lắm! Phải mất ít nhất hai tiếng đồng hồ chèo đò đấy con à! Với lại chuyện sông nước khó lường, cha mẹ cũng vì ngại con cái đi thuyền, đi đò cận kề nguy hiểm cứ thấp thỏm lo âu nên thường cho bọn trẻ nghỉ sớm chịu thất học. Ôi! Chỉ cách một dòng sông mà bên nớ giàu có văn minh, còn bên mình thì đói nghèo lạc hậu, thật tiếc quá. - Ông thở dài đánh sượt, giọng cảm thán: -Giá như có được chiếc cầu bắc qua sông… Ừ. Nếu như có chiếc cầu… -Từ đấy, chiếc cầu luôn là hình ảnh ước mơ trong tâm cảm của tôi.
Lớn lên, thi vào sư phạm; tốt nghiệp, tôi được điều về Phú Yên, ngôi trường dạy học nằm ở một miền xa bên kia sông Đà. Hồi đó duy nhất chỉ có chiếc cầu sắt thanh mảnh, đen sì dành cho cả người đi bộ, tàu lửa, xe cơ giới lẫn các phương tiện vận tải thô sơ; do chịu đựng quá tải nên ván cầu, bù long đinh vít cơi lên, gập ghềnh chỗ cao chỗ thấp; lòng cầu lại hẹp, nhiều tấm bị mục do xe cộ chạy liên tục, tạo nên những “ổ gà” như cái bẫy rất nguy hiểm, nếu tay lái không vững, bất cứ sự cố gì cũng có thể xảy ra. Ngay lần đầu tiên vượt qua bằng xe máy tôi đã thót tim vì sợ hãi, còn anh bạn cùng trường thì nửa đùa nửa thật bảo: -Sao nó giống như chiếc cầu “tử thần” trong phim “Cầu sông Kwait” thế nhỉ! Vốn tính nhút nhát, mỗi khi qua cầu tôi thường để mặc cho anh bạn cùng trường đèo bòng, có lúc ngán quá tôi nhắm tít hai mắt, ôm chặt lưng bạn không dám nhìn ngang nhìn dọc; và chiếc cầu sắt ấy một thời đã từng là mối ám ảnh miên trường của tôi. Thế rồi tình cờ một ngày đầu mùa gió lộng, trên đường về chúng tôi bắt gặp cô nữ sinh áo trắng đứng bên chân cầu dáng hớt hải, bần thần lo lắng nhìn ngược nhìn xuôi như đang trông chờ ai đó, khi chúng tôi vừa trờ tới, nàng vội chạy ra đón lỏng: -Anh ơi! Giúp em đưa chiếc xe máy qua sông với! –Bạn tôi tính ưa ga-lăng nói hộ: -Cậu giúp cô ấy đi. Thế là phần vì sĩ diện phần khác vốn cũng thương người, tôi phải gồng mình lái giúp; chạy được một đoạn chưa kịp mừng thì bất đồ một cơn gió xoáy tạt qua, luýnh quýnh thế nào bánh trước bị lọt ủm vào khe giữa đường ray, cả hai cố lấy hết sức bình sinh hì hục kéo, mất hồi lâu mới chịu nhúc nhích, nhưng bất ngờ, khi vừa ngóc lên thì chiếc xe như con ngựa bất kham tuột khỏi tay, lao đánh sầm vào mấy thanh sắt bảo hộ ở mé cầu, tay lái, đèn-vè vỡ nát; thì ra do vô ý, chúng tôi vẫn để xe cài nguyên số mà cứ mê mải tăng ga! Một tháng lương là cái giá rờ-tút lại chiếc xe để cứu “nàng” thoát khỏi… trận đòn bởi cái tội lén bố lấy xe đi thị xã khi chưa được phép; nhưng bù lại, chúng tôi có được mối duyên tình mộng mơ vĩnh cửu. Từ đấy, chiếc cầu sắt đen sì trở nên một hình ảnh đẹp đẽ thân thương đối với hai chúng tôi.
Cuộc sống trôi đi trong hiền hoà bình lặng, nhưng tôi thì vẫn giữ trong tâm một điều trăn trở, đó là vẻ mặt vọng mơ của bố khi người thầm thỉ: -Con ráng học giỏi, mai này lấy được tấm bằng kỹ sư, về dựng xây chiếc cầu cho quê hương làng nước để bà con bớt khổ. Không thực hiện được kỳ vọng của bố, lòng anh ân hận lắm em à! -Một lần, tôi tâm sự với bà xã, thì nàng sốt sắng bảo: -Không sao. Mình sẽ hướng dẫn, vun đắp cho con trai để nó thực hiện ước mơ của nội. Vậy là từ đấy tôi có thêm một đồng minh chung niềm mong ước, mong ước cậu con trai thành tài về đóng góp công sức với mọi người xây dựng một chiếc cầu hoàn chỉnh giúp dân hai bên qua lại giao lưu, buôn bán làm ăn, tạo điều kiện cho quê hương phồn vinh, phát triển.
Ngày tháng đi qua, núi Nhạn sông Đà, nơi ngụ cư và là quê hương thứ hai của tôi những chiếc cầu nối tiếp được dựng xây, còn ở quê nhà xa kia, chiếc cầu ước mơ bắc qua phá Tam Giang vẫn còn mãi hoài nằm trong mơ ước. Bây giờ, một cây cầu mới lại sắp được khởi công mà con trai tôi thì biền biệt mưu sinh nơi xứ người...
Cơn mưa rào buổi chiều tạnh hẳn, ánh mặt trời xuất hiện trở lại ở phía tây, bầu trời trong xanh uốn lượn sau núi Chóp Chài, trải dài trên mặt biển hiền hoà gợn sóng lăn tăn tạo nên một vẻ đẹp nên thơ khó tả. Từ ngày chiếc cầu Hùng Vương bắt đầu khởi công, tôi thường có thói quen ra đầu xóm ngắm nghía, theo dõi tiến độ thi công chiếc cầu Hùng Vương, coi đó là một thú vui. Tôi tin rằng, trong số kỹ sư, công nhân, kỹ thuật viên đang chung tay xây dựng có những cô-cậu học trò trước đây tôi đã từng đem những ước mơ ấp ủ của mình, ươm mầm và hướng chúng đến với tương lai. Cầu Hùng Vương sẽ là một chiếc cầu không những đẹp đẽ, vững chải bề thế, tiện ích cho việc thông thương với phi trường, khu công nghiệp (xóm Rớ, Phương Câu rồi đây sẽ đổi mới từng ngày) mà còn là cây cầu thơ mộng và lãng mạn nhất từ trước tới nay. Nằm giữa vùng trời bao la, một bên là biển, phía ấy sông Chùa, trên cao kia là Nhạn Tháp, chiếc cầu thoải mái ngửa mình đợi trăng, đón đưa nam thanh nữ tú dạo chơi mỗi chiều mỗi tối hẹn hò kết bạn.
Tùy bút của Nguyên Đạt