Mũi Điện và huyền thoại về quả trứng của Đông Hải Long Phi

Mũi Điện và huyền thoại về quả trứng của Đông Hải Long Phi

Sách “Kỷ Lục Việt Nam” ghi: “Mũi Điện-tên dân gian của mũi Đại Lãnh (cap Varella) là điểm cực Đông trên dải đất liền Việt Nam, có toạ độ địa lý 12 độ 53’ 48’’ vĩ độ Bắc và 109 độ 27’ 06’’ kinh độ Đông. Đây là nơi gần hải phận quốc tế nhất và cũng là nơi đón ánh bình minh sớm nhất Việt Nam…”

Sách “Kỷ Lục Việt Nam” ghi: “Mũi Điện-tên dân gian của mũi Đại Lãnh (cap Varella) là điểm cực Đông trên dải đất liền Việt Nam, có toạ độ địa lý 12 độ 53’ 48’’ vĩ độ Bắc và 109 độ 27’ 06’’ kinh độ Đông. Đây là nơi gần hải phận quốc tế nhất và cũng là nơi đón ánh bình minh sớm nhất Việt Nam …” [17, tr.14].

070406-bai-mon-mui-dien.jpg
Mũi Điện - Ảnh: Trần Quỳ

Mũi Điện (trước kia còn gọi là mũi Kê Gà) nằm trên triền núi Hòn Bà, do viên sĩ quan hải quân người Pháp phát hiện ra mỏm núi này đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX trong chuyến khảo sát hải hành ở vùng biển Đông Nam Á, vì tính cách quan trọng của nó trên đường giao thông biển, nên được mang tên ông là Varella, nay thuộc xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà.

Từ năm 1890, người Pháp đã cho xây dựng ngọn hải đăng tại đây và mũi Đại Lãnh từ đó có thêm tên gọi mới là mũi Điện, do ngư dân đánh cá ngoài khơi, ban đêm nhìn vào thấy ánh chớp liên tục của ngọn đèn điện trên ngọn hải đăng. Đến năm 1945, hải đăng tạm ngưng hoạt động vì chiến tranh thế giới lần thứ hai diễn ra ác liệt trên khắp các chiến trường ở các châu lục.

Năm 1961, chính quyền Sài Gòn đã cho khôi phục lại ngọn hải đăng này, nhưng hoạt động không bao lâu thì cũng tạm ngưng, vì lúc đó, phía Đông đèo Cả là căn cứ cách mạng, quân giải phóng đã chế ngự hoàn toàn mạn Đông-Nam đèo Cả để tiến công các cứ điểm của quân Nam Triều Tiên tại Hoà Xuân (Nam), sân bay Đông Tác, Hoà Hiệp (Nam Bắc) và chi khu Hiếu Xương.

Bãi Chính là nơi đón nhận những con tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược thuốc men từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Việc ngưng hoạt động của ngọn hải đăng này diễn ra vào năm 1965, khi máy bay Mỹ ném bom phá huỷ gần như toàn bộ. Mãi đến năm 1995, hải đăng mũi Điện mới được khởi công xây dựng trở lại, ba năm sau, ngày 3-7-1997, hải đăng được chính thức đưa vào hoạt động, trực thuộc đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải khu vực 3 quản lý.

Ngọn hải đăng này có ánh sáng chớp nhịp 3 và chu kỳ 15 giây trên đỉnh cao nhất của Hòn Bà cao 586 mét. Ánh sáng của nó phát xa trong khoảng cách 27 hải lý, tương đương trên 40 km (1 hải lý = 1.852 mét) có nhiệm vụ định vị cho tàu bè trong và ngoài nước qua lại trên hải phận quốc tế trong đêm tối một cách dễ dàng. 

Đi bằng đường bộ ra mũi Điện phải từ đèo Cả xuống cảng Vũng Rô rồi dùng thuyền vượt biển đến bãi Chính, nơi các cơ sở sản xuất kinh doanh đang nuôi ngọc trai và trồng rừng. Lên trên bãi, phải vượt thêm 5 cây số  đường dốc nữa thì đến nơi. Đường đi thông quan, không có các loại cây rừng cổ thụ và dây leo chằng chịt như ở những đoạn đường rừng khác, mà là những loài cây nhỏ mới tái sinh, một phần do thuốc khai quang của quân đội Mỹ rải xuống trước kia và phần khác là do dân quanh vùng khai thác sau này. Những gộp  đá chồng chất cao ngược dần lên trên đường đi vừa đủ cho một bước chân người đặt lên, hay một vài người len qua, tạo cảm giác thích thú trong chuyến dã ngoại, bởi mỗi khi dừng lại, ngước mặt nhìn lên thì ánh mắt đầu tiên chạm phải là trời cao xanh trong hay những tảng mây trắng xốp trôi qua trên đầu, như thể chúng ta đang sắp sửa chạm tới trời cao vậy.

Nhưng đa số du khách thường theo đường biển phía cảng dầu Vũng Rô bằng thuyền, sau 2 tiếng lênh đênh trong vịnh rộng ngàn mẫu tây, nước phẳng lặng như tờ thì đến bãi Môn, dưới chân mũi Điện. Bãi Môn nằm kẹp giữa hai dãy núi chạy theo hình móng ngựa, tạo thành một vịnh nhỏ, nước nông, trong suốt, thích hợp cho việc bơi lội, tắm biển săn tìm các loài thuỷ sản nhiều màu sắc sặc sỡ bên trong làn nước.

Ngày nay, đường đến Mũi Điện dễ dàng hơn nhờ con đường từ Hoà Tâm chạy thẳng qua bãi Tiên dưới chân Mũi Điện. Tại đây có những bậc cấp để du khách bước lên.

Từ chân tháp đến ngọn đèn hải đăng cao 26 mét với 107 bậc cầu thang bằng gỗ xoắn trôn ốc, có cảm giác như khi ta ngồi máy bay đang cất cánh. Nếu tính từ mặt nước biển lên đến ngọn đèn, thì độ cao là 110 mét. Ngọn hải đăng này sử dụng thiết bị thu năng lượng mặt trời của Úc, đèn điện tử của Mỹ. Theo các chuyên viên gác ngọn hải đăng này thì nó có tầm nhìn địa lý (tính từ tàu biển nhìn vào) là 27 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng là 24 hải lý, có đèn chính và đèn phụ với những thiết bị đồng bộ và hiện đại, đảm bảo luôn chiếu sáng liên tục theo quy định, tạo sự nối kết giữa người đi biển và đất liền. Đây là một trong 79 ngọn hải đăng trên cả nước, là một trong 45 ngọn hải đăng cấp 1 quốc gia và cũng là một trong 8 ngọn hải đăng có tuổi thọ trên 100 năm của Việt Nam. Thời tiết nơi khu vực ngọn hải đăng này cũng là một loại “hàn thử biểu” giúp cho ngư dân dự báo được chính xác chuyện nắng mưa. Ở phía Bắc mũi Điện (tức mũi Kê Gà) là mũi Nạy (mũi Nậy). Để dự báo thời tiết cho người dân đi đơm cá đồng, có câu ca dao:

            Trời chớp mũi Nạy thức dậy mà đi

            Trời chớp Ba Da nằm nhà mà ngủ 

Du khách đến mũi Điện có thể mang theo thực phẩm, nước uống và nhất là đừng quên chiếc áo ấm để ở lại đêm. Đêm mũi Điện lung linh, huyền hoặc vì những lằn sáng chớp tạo thành những quầng sáng trôi xa. Bên tai là ngọn gió rì rào, sóng biển xô đập rì rầm bên dưới. Còn ngoài khơi xa, hàng trăm ánh đèn của tàu thuyền đánh cá nhấp nhô kéo dài tận đường chân trời trên mặt biển đêm đen thẫm, như thể đó là một thành phố nổi về đêm.

Một giấc ngủ trên độ cao 560 mét với một không khí trong sạch đến tuyệt vời, một giấc ngủ có những lời thì thầm của gió bên tai, có sóng biển ru ngọt ngào như lời ru của mẹ tròn đầy giấc ngủ thuở ấu thơ chìm đắm trong câu chuyện kể dân gian về đôi cánh bay của con chim thần trên mũi Điện. 

Truyện kể như sau:

Từ thuở xa xưa, tận phương Bắc có một con chim mình to như tượng (voi), đôi sải cánh dài hàng dặm bay đến đậu trên đỉnh núi Thạch Bi. Chim bay lượn trên không trung và lặn trong làn nước sâu, lại nghe được tiếng người. Bữa kia có người tiều phu lên núi tìm trầm, chim thần ngó thấy, hỏi: Ngươi tìm chi? Người nọ đáp tìm trầm. Chim hỏi: Nếu không có trầm thì ta cho nhà ngươi thứ khác được chăng? Người tiều phu chưa kịp trả lời thì chim bay vụt lên trời cao rồi bổ nhào xuống mỏm đá và hóa thành mỏm núi trắng nhô ra tận biển. Người tiều phu lấy làm lạ bèn bỏ về, thôi không đi trầm nữa.

Đêm nằm ngủ, thấy chim thần bay đến báo mộng: Sáng mai ngươi dùng thuyền câu ra biển sẽ tìm thấy trầm. Người tiều phu lấy làm lạ, sáng ra không đi. Đêm nằm ngủ, chim lại bay đến báo mộng: Sáng mai ngươi dùng thuyền câu ra biển sẽ tìm thấy trầm. Sáng dậy, người tiều phu bày mâm ngũ quả cúng chư thần các đẳng, rồi chèo thuyền ra biển. Chèo chưa kịp mỏi tay thì thấy trước mặt có một quả trứng đá to bằng thân người, màu đen tựa màu da kỳ nam, tỏa hương thơm ngát, bèn lượm bỏ vào lòng thuyền. Trên đường trở về, người tiều phu nghĩ bụng đây không phải là trầm kỳ nên đã vất lên bãi rồi quay về nhà.

Những đêm sau đó, chim thần lại bay đến đậu trên đầu giường mà rằng: Quả trứng đó là thai nhi của bà phi của Đông Hải Đại Vương, lỡ tư thông với Viêm Long, sợ chuyện bị bại lộ nên nhờ ngươi giữ trứng này, ngày sau nhà ngươi sẽ được phúc lớn. Nói rồi biến mất.

Người tiều phu giật mình tỉnh giấc, hớt hải chạy ra bờ biển mang quả trứng về đặt trên bàn thờ phụng. Quả nhiên sau này, người tiều phu bỏ nghề, xuống biển mò ngọc trai. Trong khi những người bạn nghề không tìm thấy gì, thì riêng người tiều này lại được vô số ngọc ngà châu báu, trở nên giàu có. 

Đối chiếu:

Câu chuyện kể trên lưu truyền trong dân gian về mũi Điện có vẻ giống với câu chuyện  “Thần Châu Long Vương”, truyện thứ XXXVIII trong quyển “Lĩnh Nam Chích Quái” của Trần Thế Pháp biên soạn vào đầu thế kỷ XV. Chúng tôi xin phiên dịch để tiện bề so sánh, đối chiếu:

“Đời truyền: Thần Vương là tinh của Viêm Long Vương. Xưa đời Hồng Lạc có người làng Hãn Kiều, họ Đặng, một người tên là Quyết, một người tên Thiện Xạ. Anh em xuống biển làm nghề bắt cá. Lúc bấy giờ họ gặp một vật lạ, hình dạng giống như gỗ, dài vừa 3 thước, màu như màu trứng chim, theo con nước mà nổi lên. Hai người vớt được. Đêm trong đốt gỗ bỗng cất lên tiếng như hai người đang nói chuyện với nhau. Anh em (họ Đặng) kinh hãi mang đoạn gỗ quăng xuống sông, chống thuyền đi nơi khác. Đêm ngủ thì mộng thấy một người đến bảo với hai anh em rằng:

-Bởi trước đây bà Đông Hải Long Phi tư thông với Viêm Long Vương, sợ Đông Hải Vương biết nên đem gửi cho bọn ngươi gìn giữ, chớ cho kẻ khác xâm phạm đến. Đến khi nó khôn lớn (nó) sẽ làm phúc cho các ngươi. Không việc gì mà sợ.

Hai người giật mình tỉnh dậy, đang (thầm thì) bàn với nhau thì bỗng nhiên đã thấy đốt gỗ xán lại gần thuyền. Hai anh em lấy làm lạ, bèn vớt lên chở về. Về đến làng, đốt gỗ ở trong thuyền bỗng nhảy lên trên bờ. Hai anh em cho là thần muốn ở chỗ này, bèn lập đền thờ, thuê thợ khắc gỗ làm tượng mà phụng tự. Thần linh ứng hiệu là Long  Quân.

Tiên triều sai người đi tìm ngọc châu ở biển thì tìm được rất ít, riêng chỉ có con cháu nhà họ Đặng là tìm được rất nhiều. Sai quan hỏi tại sao, con cháu họ Đặng đem sự thực trình cáo. Sai quan vâng triều lệnh sắp lễ đến tế, quả nhiên sau đó tìm được rất nhiều ngọc châu. Vua ban phong cho hiệu là Thần Châu Long Vương. Trải qua mấy đời đều gia phong mỹ hiệu rất có linh ứng. Nhưng sau khi có kẻ gian hoài oán, trừ yểm, cũng có hại cho lương dân, thật đáng tiếc”.  

Tuy các chi tiết giữa truyện kể dân gian Phú Yên và trong Lĩnh Nam Chích Quái có khác nhau, nhưng nội dung thì giống nhau. Chúng tôi cho rằng, có thể các sĩ phu Bắc Hà theo chân đoàn quân Nam tiến, khi đến mỏm đá (nhô ra tận biển) này đã kể lại chuyện Thần Châu Long Vương, rồi từ đó lan truyền trong dân gian và sửa trại đi các tình tiết?

Nhưng dẫu sao, với khung cảnh nên thơ, hùng vĩ này, giữa trời mây non nước, sáng ra nhìn vầng dương phía đằng Đông nhô lên như một quả cầu lửa rực rỡ, ánh bình minh đầu tiên trong ngày, và cũng là những tia nắng sớm nhất trên đất nước Việt Nam, bạn sẽ cảm thấy tinh thần thật thanh thản, sảng khoái để bắt đầu một tuần làm việc mới đầy hiệu suất.

(Ghi theo lời kể của ông Trà Ngọc Thọ và  nhà giáo lão thành Nguyễn Hoanh).

Theo Đào Minh Hiệp – Đoàn Việt Hùng

Từ khóa:

Ý kiến của bạn