Trong những năm tháng ở đoàn Văn công Tỉnh ủy Phú Yên phục vụ kháng chiến chống Mỹ, tôi có biết bao kỷ niệm vui buồn. Mỗi lần Tết đến xuân về, lòng tôi lại bùi ngùi xúc động nhớ về những ngày xuân sống giữa núi rừng lạt muối thiếu cơm song vẫn cất cao tiếng hát, mang niềm vui đến với chiến sĩ, đồng bào.
 |
Hát tuồng - Ảnh: D.T.X
|
Ngày ấy, anh chị em trong đoàn thèm xiết bao một bữa cơm không ghé ăn với mắm nêm, bởi quanh năm chỉ có sắn, bắp và ghé vài hột gạo thay cơm. Mỗi lần có lệnh phục vụ cho các đơn vị bộ đội hay hội nghị chiến sĩ thi đua của tỉnh là anh chị em trong đoàn được bữa bồi dưỡng ngon lành. Anh em bộ đội và Ban tổ chức hội nghị rất thương văn công, nên dù khó khăn đến mấy họ cũng nhường nhịn phần mình để chiêu đãi đoàn. Với văn công chúng tôi, những ngày vui của mọi người là ngày đoàn vất vả. Có những lần anh Mười Kỷ, chú Năm Ngang, bác Chín Đạm… sốt rét nằm run cầm cập nhưng do yêu cầu phục vụ, họ phải chống gậy lên đường. Bởi vì mỗi người giữ một nhiệm vụ khác nhau: anh đánh trống, anh thổi kèn, anh làm diễn viên, thiếu đi một người là không biết lấy ai thay thế. Đáng nhớ nhất là lần đoàn đi biểu diễn tại vùng 10 xã An Nghiệp, huyện Tuy An vào tối mùng 3 Tết. Sân khấu chúng tôi chỉ dựng lên vài cây tre làm trụ với mấy tấm phông màn tự vẽ, ánh sáng bằng đèn măng - xông. Đúng 19 giờ 30 phút, sân bãi đã đầy ắp người xem, khán giả ở vùng giáp ranh và vùng địch tạm chiếm. Họ thông tin cho nhau lúc nào không biết mà ai cũng náo nức đi xem đoàn văn công giải phóng biểu diễn. Có người còn mang cả quà bánh cho diễn viên. Đêm hôm ấy chúng tôi biểu diễn vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơn của tác giả Hoàng Châu Ký. Kèn trống nổi lên, mọi người im phăng phắc. Họ chăm chú theo dõi văn công cách mạng diễn tuồng. Có khán giả ngồi chưởi thầm sao mà thằng Tạ Kim Hùng bất hiếu, bất trung, bất nghĩa đến vậy! Cha, em của nó mà nó còn hành hạ thế kia… Hình như dân mình đã quá cơ cực vì chiến tranh nên khi thấy những điều phi nghĩa họ không kiềm nén được lòng. Diễn khoảng một phần ba vở tuồng, đến lớp Tạ Phương Cơ giả dại qua ải vào gặp Tạ Kim Hùng thì bọn địch đóng quân ở Hòn Ngang kêu pháo bắn đến xối xả, mẻ văng tung tóe. Anh Công Phường vội vã tắt đèn măng-xông; diễn viên, nhạc công mang râu đội mũ cùng nhân dân chạy ra suối tránh đạn. Một hồi lâu, khi tiếng pháo vừa dứt, bà con hỏi có diễn tiếp hay không? Dân ở vùng giáp ranh “lì” thật!
Sáng hôm sau bọn địch chặn những người đêm qua xem văn công giải phóng diễn tuồng trở về. Chúng hoạnh họe đủ điều. Nhưng chẳng ai biết sợ mà họ còn trả lời “Cộng sản hát hay thiệt”!
NGUYỄN PHỤNG KỲ