Bánh tráng Phú Yên

Bánh tráng Phú Yên

Bánh tráng là một món ăn khá phổ biến của người Việt Nam từ xưa đến nay. Ở Phú Yên, món bánh tráng trở nên gần gũi với tất cả mọi người hơn bao giờ hết. Nó gắn với đời sống, đi vào văn hóa ẩm thực, không thể thiếu trong những lần nhà có giỗ chạp, đám tiệc của con người nơi đây. Đặc biệt là trong ngày Tết.

Bánh tráng là một món ăn khá phổ biến của người Việt Nam từ xưa đến nay. Ở Phú Yên, món bánh tráng trở nên gần gũi với tất cả mọi người hơn bao giờ hết. Nó gắn với đời sống, đi vào văn hóa ẩm thực, không thể thiếu trong những lần nhà có giỗ chạp, đám tiệc của con người nơi đây. Đặc biệt là trong ngày Tết.

Phú Yên có nhiều làng bánh tráng nổi tiếng. Từ những ngày đầu tháng chạp người làng bánh đã  bắt đầu rộn rịp chuẩn bị. Các công đoạn làm bánh đến thời gian này như gạo bột, chất đốt… gần như đã chuẩn bị xong. Anh Trương Công Vinh, một người làm bánh tráng nổi tiếng ở Hòa Đa tâm sự: “Tất cả mọi khâu đã chuẩn bị xong, chỉ cầu mong trời nắng tốt là như ý”. Có lẽ người làm bánh đều có bí quyết gia truyền cộng với những kinh nghiệm riêng mà sản phẩm của họ làm ra, đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế, không ít  người đã chọn nghề làm bánh tráng để mưu sinh. Ở thôn Hòa Đa huyện Tuy An có khoảng đến 20% gia đình sinh sống bằng nghề này. Những ngày giáp Tết, những làng bánh nổi tiếng trở nên đông vui, tấp nập. Từ các làng quê, mỗi sáng bánh tráng theo những chuyến xe ra đi khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh.

Phải nói rằng 100% gia đình ở Phú Yên từ thành thị đến nông thôn trong ngày Tết đều có bánh tráng trong nhà. Ngày Tết phải chọn loại bánh ngon. Bánh ngon là loại bánh dày vừa, đều khổ, tốt nắng, nướng ăn thơm, nhúng nước không dính… Ngoài các món truyền thống khác, trong mâm cơm cúng tổ tiên ông bà ngày đầu năm mới không thể thiếu những cái bánh tráng nướng. Nó như một sự hiện hữu lòng thảo thơm của con cháu tưởng nhớ ông bà cha mẹ. Bánh tráng được làm từ hạt gạo của nhà nông nên nó còn là biểu trưng cho sự được mùa thóc lúa, ấm áp thơm ngon của hương vị đồng quê gắn với nghề trồng lúa nước. Sau khi cúng ông bà, trong bữa ăn ngày Tết của mỗi nhà cũng không thể thiếu món ăn này. Bánh tráng nướng kẹp thịt heo luộc hay bánh nhúng nước cuốn rau sống tươi trong vườn nhà chấm nước mắm nhỉ làng Yến được coi là thượng sách. Và trong buổi sáng mồng một Tết, trên mâm rượu mừng anh em hàng xóm đến đạp đất xông nhà mẹ cũng vội vàng nướng cái bánh tráng để mọi người bẻ cho thơm miệng cầu mong những lời chúc tốt lành may mắn. Ngày Tết mỗi nhà thường chỉ nấu nướng một lần trong ngày để cúng tổ tiên ông bà, thời gian còn lại họ tranh thủ đi thăm bà con xóm giềng, chúc Tết nên không nấu cơm ăn nhiều bữa như ngày thường. Những lúc đi chơi về đói bụng, họ cũng dùng món bánh tráng thịt heo thay cơm. Những lúc nhà có khách xa gần, món bánh tráng cũng được bày biện trên một chiếc mâm cùng với đĩa thịt heo đùi luộc, bên đĩa rau sống kèm theo chén dưa món đẹp mắt mẹ làm từ hôm trước như một món ăn đặc sản đãi khách. Món bánh vừa nhanh, tiện vừa gọn lại chất lượng cực kì, người không ăn cơm nhưng trong bụng vẫn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cần thiết.

Trước Tết bánh tráng được coi như một món quà dân dã. Người nông thôn bọc gói cẩn thận làm quà biếu tặng cho người thân của mình để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Nó đơn giản thế nhưng giá trị lại nặng nghĩa tình. Sau Tết, bánh tráng cũng được làm quà mang đi xa, nhất là với những cô cậu sinh viên trọ học xa nhà. Bánh tráng Phú Yên ra Huế, Đà Nẵng vào Sài Gòn như một món quà quê còn hương vị ngày Tết, góp phần động viên tinh thần của những người con đi xa cố gắng học hành, làm ăn… Có nhiều người biết đến bánh tráng Phú Yên trong những trường hợp như thế.

Đối với người Phú Yên, bánh tráng đã trở thành món ăn đặc sản, gây dấu ấn của một vùng quê nằm lọt thỏm giữa miền Trung. Ai muốn thử món bánh quê tôi, xin mời dừng chân ghé về thôn Hòa Đa trên đường Quốc lộ 1A (cách TP Tuy Hòa chừng 14km về hướng Bắc), bạn sẽ có một bữa ăn ngon lành như ý.

An Xuân

Từ khóa:

Ý kiến của bạn