Nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Đê vững chắc bởi có cột, kèo làm bằng các loại gỗ tốt, mùa đông ở ấm áp, mùa hè ở mát mẻ là nhờ lợp bằng tranh dày theo kiểu lợp diệc (một đàng mè, một đàng tranh) chắc chắn bền lâu, có khi 8 đến 10 năm mới lợp lại.
![]() |
Ảnh: LÊ KHA |
Mọi thứ đều đầy đủ. Nhưng nếu thiếu đi chiếc cầu thang (pu nhan) lên nhà sàn là coi như mất đi nét kiến trúc truyền thống của ngôi nhà sàn người đồng bào dân tộc thiểu số. Chiếc cầu thang cũng làm bằng gỗ quý để chịu mưa nắng, độ cao thấp tùy theo nhà, trung bình thì 5 bậc thang, cao hơn thì từ 7 đến 9 bậc, bề ngang khoảng 0,4m. đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ, nên ở phần trên cùng chiếc cầu thang có chạm khắc đôi vú (tua puố tsau) của người phụ nữ. Ông Ma Hlin ở buôn Ma Giá (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) cho tôi biết: “Chạm đôi vú trên chiếc cầu thang để ai đi đâu về khi leo lên cũng nhìn thấy mà nhớ về người mẹ thân yêu của mình. Người đã tạo ra xương thịt và chăm chút nuôi dưỡng mình được mạnh đôi vai, vững đôi chân để băng rừng lội suối, phóng lao diệt trừ ác thú bảo vệ buôn làng”.
Bây giờ, trong các buôn làng ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa nằm dọc về phía đông của các tỉnh ĐắkLắk, Gia Lai, nhà của đồng bào dân tộc Ê Đê còn giữ nguyên truyền thống chiếc cầu thang lên nhà sàn có chạm khắc hình đôi vú người phụ nữ nhưng cũng có một số ít lại bỏ đi. Đời sống ngày càng phát triển, vật liệu xây dựng nhà ở hiện đại hơn nên chiếc cầu thang gỗ hầu như không còn nữa. Ông Ma Vi ở huyện Sông Hinh tâm sự với tôi: “Mỗi ngôi nhà sàn xây dựng ở các buôn làng dùng cho sinh hoạt cộng đồng, gần như đồng hóa với nhà cấp 4 của đồng bào Kinh, đều được thay thế bằng vật liệu xi-măng, tole, sắt thép… nên chiếc cầu thang mang biểu tượng nhớ về mẹ đã không còn nữa!”.
Chiếc cầu thang là phương tiện để lên xuống nhà sàn, tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa hết sức cao cả về đạo hiếu con người.
TRẦN LÊ KHA