Thời chiến, bà Hồ Thị Nhân (hiện ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) là khẩu đội trưởng, pháo thủ số một, tự hào là chiến binh của đội quân tóc dài tỉnh Phú Yên - Trung đội nữ cối 82, đã làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bây giờ, bà được nhiều người biết đến vì chuyên tâm làm một việc giàu nhân nghĩa: tìm kiếm, quy tập mộ đồng đội.
NỮ PHÁO THỦ SỐ MỘT CỦA TRUNG ĐỘI CỐI 82 LY
![]() |
Chân dung nữ pháo thủ Hồ Thị Nhân
|
Lúc còn là một cô bé chăn trâu, bà Nhân từng tham gia công việc đào hầm chông, rải truyền đơn cho cách mạng. Bà bị địch phát hiện, bắt giam. Chúng đánh đập bà dã man, cắt mất một vành tai. Sau khi được thả về, bà thoát ly, tham gia cách mạng và trở thành một nữ pháo thủ gan dạ của Khẩu đội nữ cối 82 khi mới 15 tuổi.
Từ 1969-1975, Trung đội nữ cối 82 ly cùng với Trung đội súng cối 120, Trung đội ĐKZ 75 ly đã tham gia gần 800 trận đánh, tiêu diệt 2.750 tên địch, thu và phá hủy 300 khẩu súng các loại, 625 xe quân sự, bắn rơi 55 máy bay, phá hủy hàng triệu lít xăng... Riêng Trung đội nữ cối 82 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Năm 1976, bà Nhân được bầu làm Trung đội trưởng Trung đội cối 82, tham gia huấn luyện pháo binh ở tỉnh Phú Khánh. Sau đó, bà chuyển về công tác tại Trường Trung học nghiệp vụ Thủy lợi 2, Phòng Giáo dục bổ túc công nông, Phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa… cho đến khi về hưu. Hiện nay, bà giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa).
Trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ (1970-1975), bà Hồ Thị Nhân liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Chiến công hạng nhì, Huy hiệu Bác Hồ, Kỷ niệm chương pháo binh Quân khu 5, Huy chương Chiến công giải phóng hạng ba, Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều bằng khen, giấy khen.
TẤM LÒNG VỚI NHỮNG ĐỒNG ĐỘI HY SINH
Bà Hồ Thị Nhân cho biết: Trong 7 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn pháo binh 167 có 50 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 4 nữ pháo binh của Trung đội nữ cối 82. Đến nay, một số liệt sĩ của Tiểu đoàn pháo binh 189 vẫn chưa tìm được mộ phần. “Tôi may mắn còn sống sót sau cuộc chiến khốc liệt, được hưởng cuộc sống hòa bình. Nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng canh cánh nghĩ về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng mênh mông, lạnh lẽo, không người hương khói. Tôi xác định việc đi tìm và quy tập hài cốt đồng đội về nghĩa trang liệt sĩ là việc làm tri ân, nhân nghĩa và cũng là trách nhiệm của những người cựu chiến binh còn sống như tôi, dù biết là công việc rất khó khăn, vất vả đối với một người đàn bà. Lẽ ra, việc này phải làm từ lâu rồi, nhưng vì trước đây công việc cơ quan, công việc gia đình quá nhiều nên tôi không có điều kiện” - Bà Nhân xúc động tâm sự.
Từ năm 1996, bà Nhân bắt đầu công việc đi tìm mộ đồng đội. Đến nay, bà đã tìm được 10 mộ liệt sĩ, trong đó có phần mộ của những nữ pháo binh Trung đội nữ cối 82. Những liệt sĩ đã được tìm ra và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ gồm Trần Thị Liễu (xã Hòa Mỹ, huyện Tây Hòa), Nguyễn Thị Cảnh (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), Phạm Thị Nhẹ (xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa). 6 liệt sĩ còn lại ở cùng đơn vị của Tiểu đoàn Pháo binh 189 và một số liệt sĩ ngoài đơn vị, gồm Hồ Đức Bằng (tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Xuất (Hải Phòng), Trần Bùi Văn Mo, Bùi Văn Chiểm, Bùi Văn Toán (tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Văn Hường (đơn vị 19 Công binh), Phạm Đình Ất (tỉnh Quảng Nam) và một liệt sĩ vô danh.
Bà Nhân mang ba lô đem theo lương thực dự trữ trở về căn cứ xưa. Bà đến địa phương, hỏi thăm dân làng hoặc liên hệ với các xã đội để nhờ chỉ dẫn. Bà âm thầm băng rừng, vượt suối, hành trình đôi khi kéo dài 3-4 ngày và nhiều đêm phải ngủ nhờ ở các lán trại của những người làm nương rẫy hoặc dựng trại ngủ lại trong rừng sâu. “Do địa hình núi non bây giờ đã khác xưa, nên nhiều chuyến đi tôi lạc hướng không tìm ra dấu vết và phải quay về. Cũng nhiều khi lên đến chiến khu xưa, nhưng tôi không tìm được vị trí mộ chí...” – Bà Nhân kể lại.
![]() |
Bà Hồ Thị Nhân (đứng thứ sáu trái sang) cùng các đồng đội trong một lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Không ít lần quay về nhà sau những chuyến đi không thành, bà Nhân đổ bệnh. Nhiều đêm bà không thể ngủ được vì phải gắng lùng sục trong ký ức để nhớ vị trí chôn cất đồng đội năm xưa. Khi nhớ ra, bà lại tất tả lên kế hoạch tìm lại chiến khu xưa. Người nữ pháo thủ ngày ấy nhớ lại: “Mỗi lần khai quật mộ chí mấy chị em lên, lần nào tôi cũng không ngăn được nước mắt đau thương pha lẫn vui mừng. Dù đã hơn 30 năm trôi qua, một thời chinh chiến oai hùng và bi tráng, trong ký ức tôi, mấy chị vẫn còn nguyên vẹn một thân hình đầy đặn với đôi má bầu bĩnh, đôi mắt tròn xoe… Thân xác của mấy chị giờ đây chỉ còn là những hõm xương trắng trộn lẫn với mái tóc dài vẫn còn nguyên vẹn một thời xuân xanh vùi trong lòng đất, thương không tả xiết. Cũng có những mộ chí, hài cốt đồng đội đã phân hủy gần như hoàn toàn, kể cả vải dù, bọc ni nông, chỉ còn một vài mẩu xương và một lớp đất đen xám. Chúng tôi phải cố gắng bới không để sót một đốt xương và hốt cả lớp đất đen mang về”.
Sau khi tìm ra mộ, bà Nhân trở về liên hệ với gia đình liệt sĩ hoặc cơ quan chức năng cất bốc quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cải táng hoặc đưa về an nghỉ tại quê nhà theo nguyện vọng của thân nhân.
Là Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn pháo binh 189, Trung đội trưởng Hồ Thị Nhân còn một nhiệm vụ nữa là hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 12 chị em của Trung đội nữ cối 82 còn sống để họ được hưởng chính sách thương binh, bệnh binh. Năm xưa vì quá mong chờ đến ngày hòa bình, nên khi đất nước vừa thống nhất, những nữ pháo binh này đã rời quân ngũ về đoàn tụ với gia đình, chưa kịp hoàn tất thủ tục phục viên.
Bà Nhân hiện đang mắc một chứng bệnh hiểm nghèo và đang sống một mình. Chồng bà cũng là một pháo binh ở cùng đơn vị Tiểu đoàn pháo binh 167. Ông lâm bệnh và bỏ bà đi cũng đã lâu. Nỗi khổ tâm vì 4 người con, dù đã lập gia đình nhưng đều mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo, bị mất sức lao động (bà nghi là nhiễm chất độc da cam), đã khiến bà Nhân kiệt sức ở tuổi 56. Thế nhưng, bà cho biết hễ còn chút sức nào là còn đi tìm mộ đồng đội.
LÊ THANH HỘI