Chim Kơ-tia về núi

Chim Kơ-tia về núi

Ông đi ra từ ngọn núi, hòn đá, khe suối nhỏ để tìm đến với thế giới rộng lớn này. Đến khi về già, lại quay về chốn cũ, ngồi tựa lưng vào hòn đá, gốc cây để nghĩ về nơi mình sinh ra, về thế giới bao la của cuộc sống. Ông lý giải cho sự rời xa chốn thị thành và sự trở về sống trong một buôn làng xa xôi nơi miền sơn cước là muốn: “Gần gũi với bà con dân tộc mình hơn”. Nơi mà đêm đêm, trong cái không gian mênh mông sâu thẳm của đại ngàn, trong tiếng lá rừng xào xạc, trong ánh lửa phập phù tối sáng, những anh hùng huyền thoại chân đạp lên sỏi đá núi rừng, đầu đội mênh mông gió trời và mây trắng như bước ra từ những câu chuyện tự ngàn xưa, đã như một sự ám ảnh, mê hoặc bao trùm lên cuộc đời ông.

Ảnh: Thanh Hòa

Ông đi ra từ ngọn núi, hòn đá, khe suối nhỏ để tìm đến với thế giới rộng lớn này. Đến khi về già, lại quay về chốn cũ, ngồi tựa lưng vào hòn đá, gốc cây để nghĩ về nơi mình sinh ra, về thế giới bao la của cuộc sống. Ông lý giải cho sự rời xa chốn thị thành và sự trở về sống trong một buôn làng xa xôi nơi miền sơn cước là muốn: “Gần gũi với bà con dân tộc mình hơn”. Nơi mà đêm đêm, trong cái không gian mênh mông sâu thẳm của đại ngàn, trong tiếng lá rừng xào xạc, trong ánh lửa phập phù tối sáng, những anh hùng huyền thoại chân đạp lên sỏi đá núi rừng, đầu đội mênh mông gió trời và mây trắng như bước ra từ những câu chuyện tự ngàn xưa, đã như một sự ám ảnh, mê hoặc bao trùm lên cuộc đời ông.

RA ĐI, VÀ...… TRỞ VỀ

Từ TP Tuy Hòa, chúng tôi vượt hơn 70 cây số về buôn Kiến Thiết, xã EaChaRang (huyện Sơn Hòa). Sự ồn ã, náo nhiệt của phố xá bị đẩy lùi về phía sau,  khi những ngôi nhà sàn nằm mơ màng bên những triền đồi chập chùng sương sớm dần hiện ra trước mắt. Chúng tôi đứng trước một ngôi nhà nhỏ tĩnh lặng nằm lọt thỏm trong khu vườn tràn ngập màu xanh cây trái. Một cảm giác thư thái, dễ chịu chợt ùa về khi đặt chân trên những lối đi rợp màu xanh của chuối, đu đủ, mít, xoài… Trong cái không gian yên bình ấy, một ông già tóc bạc hơn phân nửa, ngực phanh trần khỏe mạnh bước vào với đôi chân lấm lem bùn đất, mỉm cười nồng hậu. Nhìn ông Ka Sô Liễng lúc này trông giống như một lão nông, hơn là cốt cách của một Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin.

Ngày ấy, sau khi nghỉ hưu, sự quyết định rời xa chốn thị thành, về sống lại nơi miền sơn cước của ông Ka Sô Liễng đã khiến không ít người ngỡ ngàng. Nhất là ở thành phố, ông có nhà cửa đàng hoàng, người ta lại dành cho ông không ít sự đãi ngộ. Nhưng có một điều gì đó như réo gọi từ trong sâu thẳm trái tim ông, thúc giục bước chân ông hướng về phía buôn làng- nơi có những người đồng bào dân tộc Chăm của ông ở đó, nơi những năm tháng tuổi thơ ông thấm đẫm mưa núi, gió ngàn. Ông nói: “Tôi nghĩ, hồi nhỏ đến giờ, mình xa bà con lâu quá rồi. Bây giờ, tôi phải về sống cùng với bà con, để tình cảm gần gũi gắn bó hơn. Tuổi già thấy vui hơn khi quay về lại nơi mình sinh ra. Ở cùng bà con, tôi sẽ thu thập được thêm nhiều tư  liệu quý, giúp ích cho việc sưu tầm, ghi chép trường ca của mình.

Chẳng hạn ngày nào đó, tôi không biết cái cây mọc bên dòng suối ấy, bông hoa nở trên sườn đồi kia là cây gì, hoa gì, tôi sẽ chạy tới hỏi bà con mình cho gần. Hơn nữa, tôi cũng muốn thể nghiệm sức khỏe của bản thân mình tới đâu”. Chỉ hơn 3 năm về buôn Kiến Thiết, mảnh vườn của vợ chồng ông đã trĩu quả chuối, đu đủ, thơm, cam, xoài. Và gần 400 gốc xà cừ đang căng tràn sức sống. Ông cười hào sảng: “Tôi lên đây không phải để làm giàu. Đời mình có sống được bao lâu nữa đâu, tôi chỉ muốn làm vậy, để sau này có mất đi, người trong buôn nhìn vào mảnh vườn mà nói: “Đó là vườn của ông già Liễng. Hồi đó, ổng già mà làm giỏi ghê!”. Ông tự nhận mình là người hạnh phúc, bởi ông đã làm được những việc như  mình mong muốn. Về sống với bà con nơi đây, ông viết được nhiều hơn ngày trước công tác dưới tỉnh. Ngồi bên ông, nghe ông nói chuyện, người ta như thấy phảng phất quanh mình hơi thở của núi rừng đại ngàn. Nghe như mỗi con sông, dòng suối, cỏ cây, đất đai, mưa nắng nơi này cựa mình thức dậy.

Người ta thường nói về những sự ra đi. Có những chuyến đi không bao giờ có trở  về. Nhưng mỗi lần ra đi của người con dân tộc Chăm này để tìm đến với thế giới rộng lớn, chỉ là những hành trang tiếp bước để ông chuẩn bị cho sự trở về với dân tộc mình, để lại yêu thêm những con suối, dòng sông nơi mình sinh ra. Sự trở về nguồn cội không chỉ ở trong tâm thức, mà bằng cả sự hiện hữu bản thân ông. 

LƯU GIỮ NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA CHA ÔNG

Ông nói mình không phải là nhà văn, nhà thơ, hay nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như người ta thường gọi. Vì sự say mê, yêu mến những bản trường ca mà ông đến ghi chép, sưu tầm. Với ông, trường ca có sức hút kỳ lạ. Bởi ở đấy sống dậy một Tây nguyên trong tất cả chiều sâu văn hóa vừa giản dị, thô mộc lại vừa thăm thẳm; vừa thường ngày gần gụi, lại vừa huyễn hoặc, hư ảo, bất tận. Đôi chân ông đã vượt núi băng rừng, đi từ buôn làng này đến buôn làng khác để nghe người già kể Khan. Hầu như lễ hội nào của người Chăm, Ê Đê hay Ba Na đều có sự xuất hiện của ông. Gặp những người già kể Khan không biết chữ, nhưng lại nhớ làu làu những câu chuyện hàng mấy trăm trang sách, khiến ông vui đến rơi nước mắt.

Bắt đầu công việc sưu tầm trường ca từ năm 1982, ông đã hơn 24 năm khám phá vùng đất tâm linh màu sắc bí ẩn của Tây Nguyên. Những bản trường ca mà ông sưu tầm không chỉ dừng lại ở dân tộc Chăm, mà có cả dân tộc Ba Na, Ê Đê. Sự nghiệp trường ca của Ka Sô Liễng khiến người ta thật sự chú ý là từ năm1995 đến nay, ông đã có trên 15 tác phẩm như : Trường ca Xing Chi Ôn, Vài nét về văn hóa Chăm Chi Lo Kok, Hbia Talúi-KaLiPu, Giàng Hlăk xấu bụng, Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk, Tìm lại chị em Jông Uốt, Chi Liêu, Anh em Chi Blơng, Anh em lạc nhau, Chi Pơ Nâm, Chi Đê, Ghi chép trên đường đi, Truyện ngắn Đưa nước lên đồi, Người biết làm giàu… hiện nay ông đang cùng một số người đứng ra hoàn chỉnh tác phẩm Nhận diện văn hóa chăm trên đất Phú Yên. 

Ông Ka Sô Liễng không nhớ rõ mình đón nhận bao nhiêu giải thưởng, đâu như từ các giải khuyến khích đến các giải thứ hạng cao ở địa phương đến Trung ương chừng trên dưới 17 giải. Bởi việc lưu giữ, sưu tầm, nghiên cứu của ông không vì tiền bạc, giải thưởng, mà đó như một sự trả ơn với dân tộc mình- những người đã nuôi dưỡng, chăm sóc ông, những người đã cho ông vóc dáng, hình hài hôm nay. “Những người già rồi sẽ mất đi, những câu chuyện cổ cũng sẽ mất đi, nếu người ta không lưu giữ. Tôi cố công sưu tầm, ghi chép để lớp trẻ sau này tự hào dân tộc mình cũng có bản trường ca đặc sắc như các dân tộc khác” ông Ka Sô Liễng nói điều này bằng tất cả tâm huyết của mình.

NGỌC DUNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn