Sau Sài gòn, chúng tôi giải phóng côn đảo

Sau Sài gòn, chúng tôi giải phóng côn đảo

LTS: Ông Phạm Ngọc Châu, ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh (Đông Hòa) nay đã 84 tuổi đời, 55 tuổi đảng, tham gia cách mạng từ những năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1965 ông bị địch bắt, tuyên án tử hình, sau đó đày ra Côn Đảo vào năm 1966.

LTS: Ông Phạm Ngọc Châu, ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh (Đông Hòa) nay đã 84 tuổi đời, 55 tuổi đảng, tham gia cách mạng từ những năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1965 ông bị địch bắt, tuyên án tử hình, sau đó đày ra Côn Đảo vào năm 1966. Ông là 1 trong 32 tử tù bị biệt giam ở “địa ngục trần gian” chứng kiến thời khắc giải phóng Côn Đảo. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Phú Yên ghi lại lời kể của ông về thời khắc lịch sử này.

ong-PNC140430.jpg

Ông Phạm Ngọc Châu kể lại những năm tháng bị tù đày tại Côn Đảo - Ảnh: Q.THUẦN

THEO DÕI SÁT TÌNH HÌNH

Trước 1 tuần quân ta giải phóng Sài Gòn, từ nhiều nguồn tin khác nhau, anh em tù chính trị ở Côn Đảo biết được tin ta đã giải phóng Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột. Và không chỉ những ngày đất nước gần giải phóng, mà từ những năm 1968 đến 1973, anh em tù chúng tôi đều theo dõi sát sao diễn biến tình hình chiến sự của đất nước, kể cả việc chính phủ ta ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vì vậy, dù ở trong tù nhưng anh em biết rất rõ khí thế tiến công của quân ta đang lên cao, trong khi quân lính của chế độ Mỹ ngụy xuống dốc và hoang mang.

Những ngày đầu năm 1975, dù bị cầm cố dài ngày và chịu nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù nhưng các chi bộ tại các lao trong nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo đảng viên và quần chúng ở từng lao đấu tranh bằng nhiều hình thức. Đấu tranh ở mức thấp là đòi dân sinh dân chủ, như địch không được cắt xén khẩu phần ăn, anh em tù được tự do phát ngôn, được ra rẫy trồng rau, nuôi gà để tăng khẩu phần ăn... Đấu tranh cao hơn là tuyệt thực để đòi hỏi những yêu sách, như anh em tù được nhận quà của gia đình, được viết thư cho gia đình… Và đấu tranh cao hơn nữa là anh em tù chống chào cờ ba que của địch để bảo vệ khí tiết người chiến sĩ cách mạng, chống lại các nội quy hà khắc trong nhà tù; anh em tù chỉ biết lá cờ nền đỏ - xanh sao vàng mà thôi. Anh em ở trong tù đấu tranh đến mức trung tá Vệ và bọn cai ngục phải thốt lên rằng: “Chỉ có bọn cộng sản mới làm được những việc như thế này, quên cả bản thân. Chúng tôi không thể làm được như vậy vì còn vợ còn con và gia đình”.

Trước khi Sài Gòn được giải phóng 1 tuần, anh em tù chúng tôi ở Côn Đảo bị cắt đứt mọi liên lạc từ bên ngoài. Người trong các lao không được ra bên ngoài, người ở ngoài lao hàng ngày đưa thức ăn vào cũng không được tiếp xúc với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định được rằng tình hình chiến sự đang diễn ra rất thuận lợi cho ta, còn địch thì trong tình trạng nguy cấp. Do đó chúng cắt đứt mọi liên lạc để bưng bít thông tin.

Đêm 30/4/1975, chúng tôi biết trung tá Nguyễn Văn Phương, quản đốc nhà tù, tỉnh trưởng Côn Đảo đã trốn về đất liền bằng máy bay trước đó 2 ngày. Cũng trong đêm đó, toàn bộ các lao ở nhà tù Côn Đảo bị cúp điện. Khoảng 20 giờ thì 32 anh em tử tù chúng tôi bị giam ở lao 4 nghe tiếng thông báo từ lao 7 và rõ dần khi đến gần lao 4.

Lúc đó, chúng tôi mới nghe rõ là quân ta đã giải phóng Sài Gòn lúc 11 giờ cùng ngày. Khi nghe tin này, hơn 10.000 anh em tù chúng tôi ai cũng vui sướng, cảm thấy như bay trên mây và cùng bàn với nhau tìm cách mở còng để được tự do.

CHIẾM LẤY CÔN ĐẢO

Đến 22 giờ, linh mục Vĩnh Thụy, đại úy Dậu và tên trưởng trại vào khu H lao 7. Chúng mở cửa mời các anh đại diện các phòng ra gặp. Tên linh mục Vĩnh Thụy nói:

- Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam đã giải phóng Sài Gòn, bây giờ các anh có ý định gì không?

Để tránh và cảnh giác những âm mưu xảo quyệt của kẻ địch, các anh đại diện từng phòng nói:

- Các anh báo tin thì chúng tôi biết vậy, chứ làm gì bây giờ!

Thấy anh em tù có vẻ không tin, tên linh mục bảo trưởng trại mang chiếc ra­dio đến và mở cho mọi người cùng nghe. Khi vừa mở, anh em nghe đài đang phát bản tin quân ta giải phóng Sài Gòn lúc 11 giờ ngày 30/4/1975 và kêu gọi ngụy quân ngụy quyền ra hàng để hưởng kho­an hồng.

Đại úy Dậu hỏi:

- Các anh tin rồi chứ. Bây giờ tính thế nào?

Chúng tôi trả lời:

- Muốn chiếm lấy Côn Đảo, đồng thời hỏi lại:

- Vậy các anh đối với chúng tôi thế nào?.

Linh mục Vĩnh Thụy đáp:

- Nếu các anh muốn chiếm lấy Côn Đảo thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp. Chúng tôi đã chuẩn bị cho các anh một trung đội với đầy đủ vũ khí và còn nhiều vũ khí khác đủ để các anh trang bị cho một đại đội.

Sau khi bàn bạc, các bên đi đến thống nhất thành lập mặt trận liên hiệp giải phóng Côn Đảo, do trung tá Lê Câu là tình báo của ta làm chủ tịch, linh mục Vĩnh Thụy làm phó chủ tịch; đồng thời cho mở cửa các phòng giam và rút người thành lập một đại đội chiến đấu và phát loa báo tin cho toàn Côn Đảo. Sau khi thành lập một đại đội, ta đưa quân tấn công chiếm giữ các trọng điểm ngay trong đêm 30/4, như: đồn bảo an, ty cảnh sát, nhà máy đèn, ty ngân khố, dinh tỉnh trưởng…

Sáng 1/5, anh em tù đã làm chủ toàn bộ các trại giam và các cứ điểm trung tâm Côn Đảo, ngoại trừ sân bay Cỏ Ống ở phía bắc và trạm ra đa ở phía nam Côn Đảo cách xa nhà tù vẫn do tàn quân của chế độ Mỹ ngụy chiếm giữ. Chúng tôi mặc đồ bà ba màu đen mới ra sân làm lễ chào cờ mừng chiến thắng và ngày Lao động quốc tế. Sau khi làm lễ xong, lãnh đạo các chi bộ cho thành lập ban chỉ đạo ở từng lao và cử tôi làm thường trực lao 4 để xử lý các công việc trong lao. Lúc đó, chúng tôi - những người lính Cụ Hồ đưa toàn bộ bọn trật tự nhà tù Côn Đảo của chế độ Mỹ ngụy vào giam ở các lao. Sau khi làm lễ chào cờ xong, những anh em có sức khỏe tốt thì mang súng, đeo băng đỏ trên tay đứng dọc các tuyến đường để bảo vệ an ninh tật tự trên đảo; đồng thời đưa quân đánh chiếm sân bay Cỏ Ống và trạm ra đa thì mỗi điểm còn một đại đội quân ngụy đang cố thủ ở đó. Sau khi ta kêu gọi thì những tàn quân này kéo cờ trắng đầu hàng nên không xảy ra đổ máu. Đến 12 giờ, quân ta làm chủ toàn bộ Côn Đảo, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp đảo. Ngoài làm chủ tình hình trên đảo, chúng tôi còn kêu gọi những binh lính của chế độ cũ tháo chạy ra biển hòng nhận sự chi viện của Mỹ quay trở lại đảo để cứu chúng.

Đến chiều 1/5 ở đất liền vẫn chưa biết tin Côn Đảo đã giải phóng, vì Mặt trận giải phóng Côn Đảo vẫn không thể bắt liên lạc được với đất liền, do hệ thống đài bị hư hỏng. Mãi đến tối cùng ngày thì đài của linh mục Vĩnh Thụy mới hoạt động và liên lạc được với đất liền, báo tin chúng tôi - là những anh em tù chính trị đã giải phóng Côn Đảo.

Sáng 2/5, hai chiếc phi cơ của quân đội ta từ đất liền bay dạo quanh Côn Đảo kiểm tra tình hình có đúng như điện báo. Sau khi thấy cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi trên đảo, hai phi cơ quay về đất liền. Sáng 3/5, hai chiếc tàu chiến của ta đưa quân ra tiếp quản công việc trên đảo. Chiều 5/5, hai chiếc tàu đầu tiên đưa anh em vế đến đất liền, trong đó có tôi.

Khi về đến Vũng Tàu, chúng tôi được xe chở đến hội trường tại Rạch Dừa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm lễ. Từ trên cầu tàu và dọc các tuyến phố chúng tôi đi qua dòng người cầm cờ đỏ sao vàng, hoa và hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô đoàn chiến sĩ cách mạng chiến thắng từ Côn Đảo trở về”.

Hòa mình trong niềm vui mừng miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, được gặp lại đồng đội và người thân, tôi như được sinh ra lần thứ hai.

PHẠM NGỌC CHÂU (kể) - QUANG THUẦN (ghi)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn