Chủ Nhật, 05/05/2024 18:59 CH
Kỷ nguyên của những nguồn năng lượng tái tạo
Thứ Ba, 24/01/2023 07:00 SA

Công nhân Điện lực Tuy Hòa hỗ trợ kiểm tra hệ thống điện mặt trời áp mái tại các hộ dân. Ảnh: THỦY TIÊN

Trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và ngày càng khan hiếm, vai trò của năng lượng tái tạo càng trở nên quan trọng. Hiện các nguồn năng lượng tái tạo đã và đang dần thay thế năng lượng truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, xây dựng trái đất ngày một xanh hơn.

 

Năng lượng xanh

 

Năng lượng là nhịp đập của cuộc sống. Năng lượng cung cấp nguồn sống cho mọi thứ từ nhà cửa, xe cộ, thiết bị điện tử, máy móc sản xuất… Nhiều thập kỷ qua, khi các nguồn nhiên liệu khí gas, xăng dầu… ngày một khan hiếm thì thế giới đã bắt đầu thay đổi, tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, dồi dào và xanh hơn. Không đứng ngoài xu thế này, Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng cũng đã có nhiều nhà máy, dự án được đầu tư để khai thác món quà tặng từ mẹ thiên nhiên, sản xuất nên những nguồn năng lượng sạch và bền vững.

 

Một trong những nguồn năng lượng tái tạo đã được Phú Yên khai thác hiệu quả hàng thập kỷ qua đó là thủy điện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy thủy điện hoạt động. Bình quân, mỗi năm, cả sáu nhà máy thủy điện này phát được 1,4 tỉ kWh, hòa vào lưới điện toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

Ra đời muộn hơn, nhưng đang có dư địa phát triển khá mạnh, đó là điện năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng được sinh ra bởi ánh sáng mặt trời thông qua những tấm pin. Với kiểu hình khí hậu gần như nắng quanh năm, nhiều năm gần đây, Phú Yên trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư điện mặt trời. Đến nay, toàn tỉnh có 6 dự án điện năng lượng mặt trời đã được đưa vào hoạt động với tổng công suất hơn 505MW. Mỗi năm, từ nguồn năng lượng dồi dào của ánh sáng mặt trời, các nhà máy này đã sản xuất và hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 930 triệu kWh.

 

Theo Sở Công Thương, ngoài các nguồn năng lượng tái tạo này, Phú Yên còn có một nhà máy điện sinh khối chạy từ bã mía, loại chất thải trong quá trình sản xuất đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với công suất 30MW và 143 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 112.000kWp. Bình quân mỗi năm các đơn vị này đã phát được 2,4 tỉ kWh điện, đáp ứng mọi hoạt động của tỉnh và chia sẻ cho các khu vực lân cận.

 

Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Phú Yên cho hay: Điều đặc biệt nhất ở đây là hầu hết những nguồn năng lượng tái tạo đều được sinh ra từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, vô cùng dồi dào. Qua số liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, khi các nguồn năng lượng tái tạo phát được 1 tỉ kWh điện thì có thể cung cấp năng lượng tương đương 160.000 tấn dầu, giúp giảm phát thải khoảng 500.000 tấn khí CO2, hoặc trồng thêm khoảng 11 triệu cây xanh. Với những giá trị tuyệt vời mà năng lượng tái tạo mang lại cho hành tinh chúng ta thì việc năng lượng tái tạo thay thế hoàn toàn cho năng lượng hóa thạch trong tương lai là tất yếu.

 

Dư địa rộng mở

 

Khoảng 2 thập kỷ qua, thế giới đã có những thay đổi to lớn từ cách chúng ta sản xuất đến cách tiêu thụ năng lượng, tất cả đều hướng đến mục tiêu thân thiện, gần gũi môi trường và tiết kiệm chi phí. Nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ được ban hành, ý thức về biến đổi khí hậu của con người dần được nâng lên…, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng xanh tăng theo cấp số nhân.

 

Ông Võ Xuân Nguyễn, Trưởng phòng Năng lượng kỹ thuật (Sở Công Thương) cho biết: Theo Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng Trung Bộ đến năm 2020 có xét đến năm 2030 của Bộ Công Thương thì tiềm năng năng lượng mặt trời của Phú Yên là 5kWh/m2; tốc độ gió trung bình từ 5-7m/giây, tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65m là 475,33kWh/m2. Với điều kiện khí hậu như vậy, Phú Yên là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió và điện mặt trời.

 

Theo bà Nittinunt Sornthong, Quản lý cấp cao khối thương mại Tập đoàn Super Energy (tại Thái Lan), tập đoàn đã đầu tư 14 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 1.300MW tại Việt Nam. Riêng Phú Yên, Super Energy đang vận hành nhà máy điện mặt trời Thịnh Long tại xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) với công suất 50MW. Đồng thời, tập đoàn cũng đang triển khai dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ 1 với công suất 200MW tại huyện Tuy An, tổng vốn 4.956 tỉ đồng. “Chúng tôi đã thỏa thuận hướng tuyến đường dây truyền tải đấu nối vào lưới điện quốc gia, thiết kế kỹ thuật đo đếm điện năng... Sắp tới khi các thủ tục về mặt bằng được hoàn tất, đơn vị sẽ tiến hành thi công xây dựng”, bà Nittinunt Sornthong cho biết thêm.

 

Với những dư địa rộng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, Phú Yên đang là địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió. Toàn tỉnh hiện có 32 dự án đầu tư điện gió và điện mặt trời với tổng công suất hơn 4.800MW được phép nghiên cứu, khảo sát; được các sở, ngành, địa phương góp ý và đang được UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra còn có rất nhiều nhà đầu tư khác cũng đang tiếp cận, tìm hiểu, khảo sát để đầu tư năng lượng tái tạo tại Phú Yên.

 

Kế hoạch 147 ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.415MW, sản lượng điện khoảng 5,9 tỉ kWh. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ hiện thực hóa mục tiêu này của tỉnh trong thời gian ngắn nhất.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek