Thứ Hai, 20/05/2024 07:59 SA
Tập trung các giải pháp giảm nghèo bền vững
Thứ Bảy, 05/11/2022 09:07 SA

Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo giảm, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

 

Hộ nghèo xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi bò phát triển kinh tế. Ảnh: KIM CHI

 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Cái nghèo không còn đeo bám nữa

 

Hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-17/11), toàn tỉnh phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, nhằm có thêm nguồn lực giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

 

Krông Pa là xã khó khăn của huyện Sơn Hòa. Toàn xã hiện có gần 900 hộ dân, với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó 2/3 dân số là người Ê Đê. Trong giai đoạn 2015-2020, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của địa phương.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho biết: Những năm trước, toàn xã có hơn 50% hộ nghèo. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của xã tiến hành hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, triển khai nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Nhờ vậy đến nay, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về tập quán canh tác, sản xuất dần thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể, hiện chỉ còn hơn 15%.

 

Nhớ lại hành trình thoát nghèo, chị Hờ Vin H Diếp ở buôn Học, xã Krông Pa nói: 10 năm trước, gia đình tôi là hộ nghèo. Sau đó, nhờ sự quan tâm của chính quyền, gia đình được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò chăn nuôi. Sau khi bò sinh sản, kinh tế gia đình bắt đầu phát triển. Đến năm 2015, chúng tôi chỉ còn là hộ cận nghèo, rồi thoát nghèo vào năm 2019. Đến nay, gia đình vẫn tiếp tục duy trì việc chăn nuôi bò sinh sản và đàn bò đã tăng lên 9 con.

 

Chị Hờ Vin H Diếp vui mừng: “Từ lâu, tôi đã ước mơ có bò chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian nuôi, bò khỏe mạnh, sinh đẻ nhanh lại bán được giá. Giờ cái nghèo không còn đeo bám nữa, mình tăng đàn để nuôi thêm. Cái chính là phải chịu khó làm ăn”.

 

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đưa chương trình giảm nghèo vào nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hộ nghèo, cận nghèo đã tiếp cận thuận lợi hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, đời sống kinh tế của các gia đình từng bước cải thiện. Đặc biệt, nhận thức của người dân được nâng lên giúp phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Ảnh: KIM CHI

 

Huy động vốn, lồng ghép nguồn lực giúp dân

 

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) nói: Công tác xã hội hóa nguồn lực cho giảm nghèo ngày càng được quan tâm. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao được các hộ mạnh dạn đầu tư, và đem lại thu nhập ổn định. Sau khi rà soát phát sinh, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh theo mức chuẩn nghèo mới đến tháng 5/2022 là 13.046 hộ, chiếm 4,97%; hộ cận nghèo là 22.481 hộ, chiếm 8,56%. Toàn tỉnh đang tập trung rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, phấn đấu đến cuối năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2-2,5%.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp gần 20.000 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, 40.231 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, 30.932 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số, 11.113 thẻ BHYT cho người dân đang sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình này đã giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa sinh kế... giúp hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

 

Nhiều người cao tuổi, sau khi nhận được thẻ BHYT do Nhà nước cấp miễn phí rất vui mừng. Mí Thu ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) nói: “Lâu nay, nhờ có thẻ BHYT, mí được đi khám bệnh miễn phí, được nhận thuốc về uống nên mau lành bệnh. Mỗi khi đau ốm thì tới trạm y tế xã để bác sĩ khám nên yên tâm hơn”.

 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo tỉnh, mặc dù tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đều qua các năm, tuy nhiên kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Một bộ phận hộ nghèo chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

 

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ nghèo còn thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác để sản xuất. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo.

 

Để giúp người dân thoát nghèo bền vững theo hướng đa chiều, tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với nhiều dự án như: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp; nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vùng khó khăn, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

 

UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan phối hợp triển khai các giải pháp để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, trẻ em và phụ nữ. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình hay về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội…

 

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,7-1%/năm; tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (số hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân trên địa bàn) giảm trên 1,5%/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek