Khoai lang suối Mít
Đậu phộng hòn Vung
Chồng đào thiếp mót đổ chung một gùi
Đến bây giờ nhơn nghĩa sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi lăn chiêng…
Chim kêu dưới suối Từ Bi
Nghĩa nhơn anh còn bỏ huống chi cái gùi
Hoặc:
Ngó lên hòn núi Chớp Vung
Ngó xuống cánh đồng lúa trĩu những bông
Ước gì em chửa có chồng
Anh về thưa cha với mẹ mang rượu nồng đón em
Đi tìm địa danh đích xác Suối Mít quả là khó khăn vô cùng, đã có lúc chúng tôi nhầm với Dốc Mít thuộc xã An Phú, huyện Tuy An. Còn địa danh Hòn Vung thì nhiều nơi như huyện Sông Cầu có núi Hòn Vung và thôn Phước Hậu, xã An Hiệp (huyện Tuy An) cũng có tên Hòn Vung. Vùng đất Hòn Vung - Phước Hậu dân địa phương làm đậu phụng nhiều lắm. Hai địa danh Suối Mít và Hòn Vung cách nhau chừng 1 cây số. Còn suối Từ Bi ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp nằm cách Hòn Vung chừng 5 cây số
Bên suối – Ảnh: Dương Thanh Xuân
Còn có Hòn Vung thuộc thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa. Trước 1945 tên thôn chung là Hòa Trinh, sau này chia làm hai thôn là Hòa Trinh và Hòa Ngãi. Hòn Vung nằm cách trụ sở thôn Hòa Ngãi 200m. Đỉnh núi Hòn Vung cây cối còn xanh nhưng chỉ loại gai chứ không là cổ thụ. Chung quanh Hòn Vung có buôn làng dân tộc, số hộ khá đông chuyên trồng mía và làm rẫy
Nhưng Suối Mít trong câu ca dao trên lại thuộc thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa. Suối Mít phát nguyên từ miền tây xã Sơn Định chảy theo các triền núi xuống An Xuân, An Lĩnh (huyện Tuy An) rồi chảy ra sông Cái. Ngày trước hai bên bờ dân ở khá đông và chuyên trồng mít. Những ngày chiến tranh, dân tản cư nơi khác, những cây mít bị chất độc hóa học chết gần hết.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC