Ai lên Suối Cối, Đồng Dài
Tìm ai lặn lội mệt hoài khổ thân
Tìm ai thì mặc tìm ai
Cần chi để ý cho hoài nhọc công!
Thôn Suối Cối thuộc xã Xuân Quang 1 huyện Đồng Xuân, nằm dọc theo trục huyện lộ từ La Hai đi Phú Mỡ; phía đông giáp thôn Bình Thạnh, tây giáp thôn Kỳ Lộ, nam giáp rừng núi, phía bắc giáp sông Kỳ Lộ. Suối Cối dân sống tập trung ở hai khu vực là Suối Cối Dưới (còn gọi là buôn Suối Cối) và Suối Cối Trên.
Trên suối - Ảnh: Dương Thanh Xuân
Đến Kỳ Lộ, ta thấy dân làng ở rải rác ven lộ hoặc sâu vào các sườn núi. Cách ăn mặc của người dân tộc thiểu số hầu như đã lai người Kinh từ lâu. Nhà ở của họ cũng giống nhà của người Kinh bằng gạch mái ngói, nền xi măng. Dân ở đây sống bằng nghề nông, chỉ có một số ít buôn bán. Sản phẩm chính của Suối Cối là thuốc lá và mía. Từ trước đến nay thuốc lá ngon nổi tiếng khắp nơi là thuốc lá Kỳ Lộ, nhưng thực tế thuốc lá nhiều và ngon được trồng ở khu vực Suối Cối.
Đất ở Suối Cối và các vùng khác của xã Xuân Quang, Xuân Phước thích nghi với việc trồng mía. Đường La Hai nổi tiếng có chất lượng cao; cả vùng Đồng Xuân mía đường nhiều và tốt.
Chợ Suối Cối nằm sát trục lộ, có lều gạch lợp ngói, bốn bên trống trải, nhà dân ở hai bên lùi về phía sau. Ngày trước cũng có họp phiên chính, nhưng ít người. Khi huyện mở mang, xe đò lên xuống hàng ngày theo chuyến từ Tuy Hòa, thường vào nửa buổi chiều đến gần tối. Những người buôn bán mang hàng tạp hóa, thủy sản lên bày bán rồi mua thổ sản, lâm sản đem về.
Trong kháng chiến chống Pháp, tại Suối Cối, quân ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 2 của địch vào ngày 21-3-1954 do Trung đoàn phó Trung đoàn 803 Hà Vi Tùng trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 365.
Những năm chống Mỹ, Xuân Quang 1 gồm các thôn Kỳ Lộ, Đồng Hội, Đồng Xe, Thác Dài, Suối Cối, Phú Giang là căn cứ vững chắc của Đồng Xuân, của Phú Yên. Ngày 23-9-1961, khi giải phóng Đồng Tre, Xuân Phước, Tổng đoàn Dân vệ ở Kỳ Lộ bỏ chạy, vùng Suối Cối, Thác Dài là vùng giải phóng sớm nhất của Phú Yên.
Ông Năm Phổ (Hồng Châu) người Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1956 đã từng ca ngợi con người của vùng đất này:
Đồng bào Xuân Phước, Xuân Quang
Hy sinh thì chịu, đầu hàng thì không.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC