![]() |
Xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) hôm nay khoác lên mình một diện mạo mới của xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhưng trên từng con đường, từng triền núi, âm hưởng hào hùng của cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh cách đây 65 năm vẫn luôn vang vọng. Cùng với Bến Tre, Trà Bồng, Đồng khởi Hòa Thịnh - cuộc đồng khởi đầu tiên ở Khu 5 này đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành mốc son chói lọi, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Một ngày trung tuần tháng ba, chúng tôi ghé thăm ông Dương Dụ (ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa), một trong năm cán bộ vũ trang được tỉnh chi viện cho đồng khởi, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, nhân chứng quan trọng của cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh. Ở tuổi 95 nhưng ông Dụ vẫn rất minh mẫn, nói chuyện mạch lạc. Trong phòng khách rộng hơn 15m2 của gia đình, bàn thờ Bác Hồ được ông Dụ đặt trang trọng ngay cửa chính ra vào. Các huy chương, huân chương kháng chiến được ông đóng khung, treo lên tường cẩn thận như báu vật.
Rót chén nước mời khách, ông bắt đầu câu chuyện với giọng đầy hào hứng: “Hòa Thịnh bây giờ đẹp và khang trang lên nhiều. Nếu không vào sinh ra tử ở đây, khó mà tưởng tượng được vùng quê bình yên này từng là một nơi bị bom đạn của địch cày xéo”.
![]() |
Ông Dương Dụ giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh cho các em học sinh. Ảnh: CTV |
Và ông Dụ bắt đầu kể về cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh cách đây 65 năm một cách vanh vách như thể vừa mới xảy ra. Ông nhớ lại: Những năm 1954-1960, phong trào cách mạng ở Miền Nam nói chung, Phú Yên nói riêng gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi Nhân dân cả nước tha thiết mong chờ ngày thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình thì Mỹ - Diệm liên tiếp mở các chiến dịch lớn trả thù những người kháng chiến, thẳng tay thực hiện cái gọi là “quốc sách tố cộng, diệt cộng”. Đặc biệt, Ngô Đình Diệm cho ra đời Luật 10/59, đưa máy chém đi khắp nơi, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
Trước tình hình đó, đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”, “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập, dân chủ và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam”.
Sau khi học tập và quán triệt Nghị quyết 15, phong trào cách mạng ở huyện Tuy Hòa 1 có những chuyển biến tích cực. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Với địa hình hiểm trở, núi cao rừng rậm bao bọc, có nhiều gộp đá, hang sâu, xã Hòa Thịnh đã được chọn làm địa điểm phát động Nhân dân đồng khởi, mở đầu cho phong trào giải phóng nông thôn, đồng bằng toàn tỉnh.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Lầu, Chính trị viên trưởng Tỉnh đội về Hòa Thịnh năm 1960 phát động quần chúng chuẩn bị đồng khởi. Ảnh: TƯ LIỆU |
Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, chi bộ Đảng và Nhân dân Hòa Thịnh khẩn trương tiến hành đẩy mạnh công tác rút thanh niên đưa ra vùng căn cứ, tổ chức một đợt vận động sâu rộng đến từng gia đình, từng người dân trong xã (và các xã lân cận); đồng thời đưa cơ sở nội tuyến bắt mối vận động, lôi kéo lực lượng dân vệ, phân hóa cao độ kẻ thù.
Vào 19 giờ ngày 22/12/1960, lực lượng tham gia đồng khởi bắt đầu hành quân từ dốc Đá Ngó qua các thôn, xóm rồi chia thành ba cánh tiến đến trụ sở xã Hòa Thịnh, nổ súng đánh vào trung đội dân vệ của địch. Khi đó, ông Dụ là đội phó cùng đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa 1 chỉ huy cánh thứ hai tiến ra thôn Mỹ Trung, đột nhập vào nhà bắt tên Nguyễn Khái - đại diện xã. Ấn tượng của ông là khi nghe tiếng súng nổ, hàng nghìn người dân từ các hướng đổ ra đường, mang theo gậy gộc, giáo mác cùng lực lượng vũ trang của huyện vừa tấn công, vừa nổi dậy truy bắt bọn tề ngụy, rồi tập trung về trụ sở xã Hòa Thịnh để dự mít-tinh.
Khoảng 1 giờ sáng 23/12/1960, cuộc mít-tinh bắt đầu. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn bù nhìn tay sai”, “Cách mạng Miền Nam Việt Nam nhất định thắng lợi”. Đến 3 giờ cùng ngày, cuộc mít-tinh kết thúc. Hòa Thịnh trở thành xã đầu tiên của đồng bằng Khu V do chính quyền cách mạng làm chủ.
![]() |
Từ đồng khởi Hòa Thịnh, lực lượng cách mạng tiếp tục diệt ác, phá kiềm ở các xã Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp. Vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên mở rộng với hơn 20.000 dân, phong trào sản xuất nuôi quân, đóng góp ủng hộ cách mạng phát triển hơn bao giờ hết. Cũng từ đồng khởi Hòa Thịnh, hàng ngàn thanh niên của Phú Yên tình nguyện gia nhập bộ đội giải phóng, thoát ly vào căn cứ, đi khắp các chiến trường Khánh Hòa, Đắk Lắk làm nhiệm vụ chống Mỹ, ngụy, cứu nước.
[Xem video]. Ông Dương Dụ, 95 tuổi, một trong năm cán bộ vũ trang được tỉnh chi viện cho Đồng khởi Hòa Thịnh chia sẻ về cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh.
![]() |
Chiến tranh đã lùi xa trọn nửa thế kỷ, những vết thương do bom cày, đạn xới năm xưa nay trên mảnh đất Đồng khởi Hòa Thịnh đã lành lặn, chỉ còn để lại những di tích của một thời oanh liệt. Những tên đất, tên làng như Đồng Ràu, Đá Chồng, Suối Lạnh, Cỏ Ống, Suối Cùng, Suối Mua… đã đi vào lịch sử với nhiều trận đánh lớn.
![]() |
Khu di tích Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh được xây dựng rộng 3ha; khánh thành và đi vào hoạt động đúng vào dịp kỷ niệm 55 Ngày Đồng khởi Hòa Thịnh (22/12/1960 - 22/12/2015). Ảnh: THẢO QUYÊN |
Càng gần đến Ngày giải phóng Phú Yên (1/4), Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh càng thêm rộn rã bởi các đoàn khách từ nhiều nơi đổ về đây tìm hiểu về lịch sử ngày Đồng khởi của Nhân dân xã Hòa Thịnh. Giới thiệu về những kỷ vật của một thời Đồng khởi, nào là loa, là kèn, dây thừng để trói bọn tay sai, đèn dầu soi đường cho dân đến với đêm Đồng khởi, nồi cơm nuôi dấu các chiến sĩ cách mạng trên núi Hòn Ông để chờ thời cơ tới, chị Hồ Thị Thùy, thuyết minh viên Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh không giấu được sự xúc động. Nhiều năm gắn bó với di tích lịch sử này, chị đã dẫn biết bao đoàn khách tìm hiểu về nơi đây, kể lại câu chuyện về Đồng khởi Hòa Thịnh năm xưa.
![]() |
Chị Thùy bộc bạch: “Tôi rất vui khi được kể cho mọi người nghe về lịch sử cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh, về sự kiên cường, bất khuất của Nhân dân nơi đây trong những năm kháng chiến. Đó là những năm tháng, lớp lớp đàn ông trong làng vào du kích, bộ đội; đàn bà, người già, trẻ nhỏ ở lại làng bí mật tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Bao người con Hòa Thịnh đã ngã xuống một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Tôi mong muốn mọi người khi đến khu di tích sẽ hiểu và yêu quý hơn về vùng đất anh hùng này, thêm tự hào về lịch sử của dân tộc, từ đó nâng cao trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.
Di tích Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 11/2005. Với kinh phí gần 23 tỉ từ vốn hỗ trợ Trung ương của tỉnh và ngân sách huyện, di tích được xây dựng rộng 3ha; khánh thành và đi vào hoạt động đúng vào dịp kỷ niệm 55 Ngày Đồng khởi Hòa Thịnh (22/12/1960 - 22/12/2015).
Nhà truyền thống được xây dựng là nơi vinh danh công lao của hơn 400 liệt sĩ xã Hòa Thịnh đã hy sinh xương máu vì sự độc lập, tự do của dân tộc. Nơi đây còn trưng bày các vũ khí, vật dụng của lực lượng vũ trang; các hình ảnh tư liệu và sa bàn cuộc mít-tinh Đồng Khởi năm 1960, giúp khách tham quan hiểu rõ thêm tầm vóc, ý nghĩa của phong trào Đồng Khởi.
![]() |
Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: CTV |
Nhiều năm qua, Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh đã trở thành địa chỉ đó giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, Bí thư Huyện đoàn Tây Hòa cho biết, các cấp bộ đoàn, đội trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức các chuyến về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ tại Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh để đoàn viên, thanh niên, học sinh tìm hiểu về cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Huyện đoàn, xã đoàn còn xây dựng một vườn cây trong khuôn viên di tích để tạo cảnh quan.
“Ngoài ra, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện thành lập Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn huyện. Các thành viên trong đội tích cực giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trên địa bàn, trong đó có Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng khác nhau để đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi, người dân và du khách biết đến”, chị Chi chia sẻ.
[Xem video]. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, Bí thư Huyện đoàn Tây Hòa chia sẻ về công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi với các hoạt động gắn với Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh.
![]() |
Từ mảnh đất “vành đai trắng” trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, sau khi kết thúc chiến tranh, Hòa Thịnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Bức tranh làng quê nơi đây đang khởi sắc từng ngày với kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện, giao thương thuận lợi, cảnh quan môi trường được chăm chút, cờ hoa rực rỡ.
![]() |
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Đồng khởi, sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Hòa Thịnh đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức xây dựng quê nhà ngày càng phát triển giàu đẹp, vững bước tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm nằm trên địa bàn xã Hòa Thịnh. Ảnh: THẢO QUYÊN |
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh Nguyễn Thị Hồng Phấn cho biết: Xã Hòa Thịnh hiện có 10 thôn, với 3.196 hộ và 10.196 nhân khẩu; người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Sau khi về đích nông thôn mới năm 2016, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và Nhân dân Hòa Thịnh tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đảng ủy xã tập trung xây dựng các chi bộ trong sạch, vững mạnh; UBND, mặt trận, hội đoàn thể xã phối hợp triển khai các kế hoạch, chương trình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
[Xem video]. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh Nguyễn Thị Hồng Phấn chia sẻ về những kết quả trong xây dựng Đảng, phát triển KT-XH của địa phương.
Địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân xây dựng các mô hình kinh tế chuyên sâu, hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao như: nuôi lương thương phẩm, heo rừng lai, vườn cây ăn trái kết hợp chăn nuôi… Hiện trên địa bàn xã đang triển khai mô hình sản xuất lúa năng suất cao với diện tích 20ha; mô hình cánh đồng mẫu thực hiện chương trình “1 phải 5 giảm”, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hòa Thịnh không ngừng được nâng lên. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60,86 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ nghèo đa chiều còn 2,47%.
![]() |
Xã Hòa Thịnh được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Trong ảnh: Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tây Hòa chúc mừng xã Hòa Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 và tặng thưởng công trình an sinh xã hội 200 triệu đồng cho địa phương. Ảnh: CTV |
Ông Nguyễn Hải ở thôn Cảnh Tịnh cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, gia đình tôi đã xây dựng thành công mô hình vườn mẫu tích hợp đa giá trị, trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi với diện tích trên 3.000m2, mỗi năm cho thu nhập gần 150 triệu đồng.
![]() |
Từ mảnh đất “vành đai trắng” trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, sau khi kết thúc chiến tranh, Hòa Thịnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: THẢO QUYÊN |
Có đến tận nơi mới tận mắt chứng kiến xứ Đồng Cọ nhiều muỗi, lắm đỉa, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn ngày nào đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia được đưa đến từng nhà.
![]() |
Hòa Thịnh đang vươn mình mạnh mẽ và ngọn lửa đồng khởi năm xưa vẫn bền bỉ cháy trong tâm khảm của những người con sinh ra, lớn lên, gắn bó với mảnh đất này, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, đảng viên, Nhân dân nơi đây đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển.