Cách đây tròn 50 năm, vào ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên, nay là Quân đoàn 34) đảm nhận trọng trách đập tan cứ điểm Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy, mở toang “cánh cửa thép” phía Tây Bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là trận đánh quyết định cho ngày toàn thắng 30/4.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Nga cùng vợ là cựu TNXP xem lại những kỷ vật trong thời gian tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Trong không khí hân hoan của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Đức Nga (thôn Thế Hiên, xã An Nghiệp, huyện Tuy An), cựu binh của Sư đoàn 320 - đơn vị đã cùng với bộ đội địa phương giải phóng TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên ngày 1/4/1975, cũng là đơn vị chủ lực tiêu diệt căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy, chọc thủng “cánh cửa thép” phía Tây Bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào trưa 29/4/1975.
Tiến về Sài Gòn
Thời điểm tháng 4/1975, ông Nguyễn Đức Nga 28 tuổi, quân hàm trung úy, là Tham mưu Tiểu đoàn pháo binh, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Đến bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh quê Bắc Ninh đã 78 tuổi này.
Ông Nga kể: Ngày 1/4/1975, sau khi giải phóng TX Tuy Hòa, xóa xổ Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trong khi Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà hân hoan mừng ngày giải phóng, đơn vị nhận được lệnh của cấp trên, ngược trở lại đường 7 (quốc lộ 25 ngày nay), rồi theo đường 14 tức tốc hành quân vào Nam tham gia Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau này được đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh).
“Trên đường hành quân, đi qua Phước Long (Bình Phước) và những vùng đã được giải phóng, đi đến đâu, người dân hai bên đường trang phục chỉnh tề hân hoan chào đón bộ đội, trên tay họ là cờ, hoa, ảnh Bác Hồ. Trong giây phút đó, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng đang đến rất gần”, ông Nguyễn Đức Nga nhớ lại.
Sau khi dừng lại ở Bình Phước để củng cố lực lượng, Sư đoàn 320 cùng với Sư đoàn 316 và Sư đoàn 10 đánh chiếm Trảng Bàng (Tây Ninh), tiêu diệt Sư đoàn 5 và Sư đoàn 22 ngụy (vừa tái lập). Sau đó, đơn vị nhận lệnh đảm bảo mọi yếu tố cần thiết phải đập tan căn cứ Đồng Dù (địch gọi là căn cứ Củ Chi). 17 giờ, sau bữa cơm chiều 27/4, đơn vị bắt đầu hành quân thâu đêm tiến dần vào trận địa. Trên cánh tay phải của mỗi người đều buộc dải băng đỏ biểu hiện tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đúng 11 giờ ngày 29/4, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Sư đoàn 320 tung bay trên trung tâm căn cứ Đồng Dù, “cánh cửa thép” ở phía Tây Bắc Sài Gòn đã được mở toang. Sư đoàn 25 bị xóa sổ, Sư trưởng, chuẩn tướng Lý Tòng Bá trên đường tẩu thoát đã bị các nữ du kích Củ Chi bắt được và giao lại cho Sư đoàn 320 làm tù binh.
Căn cứ Đồng Dù có hình bầu dục, chu vi gần 8,5km, rộng khoảng 7km2, là một căn cứ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn nằm trên trục đường số 1 đi Tây Ninh, cách dinh Độc Lập 30km về phía Tây Bắc. Căn cứ quân sự này do Mỹ xây dựng rất vững chắc, vốn là hang ổ của Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” quân viễn chinh Mỹ. Xung quanh căn cứ là vùng trắng bằng phẳng trống trải hoang tàn; địa hình rất trắc trở, được quân địch bao vây bởi 10 lớp hàng rào kẽm gai với lô cốt kiên cố, hầm hào có nơi sâu đến hơn chục mét. Đây cũng là một trong năm phòng tuyến rất quan trọng của địch, bao quanh các hướng vào Sài Gòn. Để có thể tiến vào nội đô, giải phóng Sài Gòn, không còn cách nào khác là phải chọc thủng “cánh cửa thép” này.
Chúng tôi được biết, lực lượng địch trong căn cứ Đồng Dù lúc này với tổng quân số khoảng 3.000 tên, được trang bị 34 xe tăng, xe bọc thép, gần 5.000 khẩu súng các loại, trong đó có 18 khẩu pháo lớn, đặc biệt có 4 khẩu 175mm, được mệnh danh là “vua chiến trường”; bao gồm: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 do chuẩn tướng Lý Tòng Bá chỉ huy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 50, Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, 1 chi đoàn xe tăng và hậu cứ Trung đoàn 10 thiết giáp, các tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, chiến tranh chính trị, quân y, tiếp vận, chỉ huy căn cứ Củ Chi, trường huấn luyện hạ sĩ quan binh sĩ.
Lực lượng của ta, gồm Sư đoàn 320 (thiếu) được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng (thiếu), 1 tiểu đoàn pháo 155mm (thiếu), Trung đoàn Phòng không 593 (thiếu). Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cử đại tá Nguyễn Kim Tuấn, Phó Tư lệnh trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 320. Trung đoàn 48 của chúng tôi do Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình và Chính ủy Đinh Hữu Tấn chỉ huy.
![]() |
Bộ đội Sư đoàn 320 tiến vào tiêu diệt căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975. Ảnh tư liệu |
Mở toang “cánh cửa thép”
“Đúng 5 giờ 30 sáng 29/4, chúng tôi được lệnh nổ súng”, ông Nga nhớ lại. Pháo của đơn vị dồn dập trút bão lửa xuống căn cứ địch. Tiếp đó, dưới lằn đại bác, xe tăng dẫn đầu để bộ binh tiến lên trên các hướng, dùng mìn định hướng và bộc phá liên tục mở các lớp hàng rào. Khoảng 30 phút sau, phát hiện được hướng mở cửa của ta, quân địch phản kháng dữ dội, điều động xe tăng, bộ binh hòng bịt cửa mở, đồng thời dùng máy bay trực thăng, pháo cối đánh vào đội hình tiến công của quân ta. Nhiều đợt bộ đội xung phong lên cửa mở nhưng bị xe tăng địch trong công sự bắn chặn, gây thương vong, không phát triển được.
Đến 8 giờ, sau khi ta tiêu diệt được xe tăng của địch ở khu vực đầu cầu, lúc đó bộ binh ta ào ạt xung phong đánh chiếm đầu cầu và xe tăng của ta vượt qua cửa mở đột phá vào đánh chiếm các mục tiêu bên trong cứ điểm. Sau nhiều giờ trận chiến diễn ra ác liệt, đến 10 giờ 30, ta đã đánh chiếm và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25 của địch, chuẩn tướng Lý Tòng Bá cùng Ban tham mưu đã bỏ chạy.
Đúng 11 giờ ngày 29/4, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Sư đoàn 320 tung bay trên trung tâm căn cứ Đồng Dù, “cánh cửa thép” ở phía Tây Bắc Sài Gòn đã được mở toang. Sư đoàn 25 bị xóa sổ, Sư trưởng, chuẩn tướng Lý Tòng Bá trên đường tẩu thoát đã bị các nữ du kích Củ Chi bắt được và giao lại cho Sư đoàn 320 làm tù binh.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Nga giới thiệu bức ảnh chân dung ông chụp tháng 4/1975, trước khi tham gia trận đánh xóa xổ căn cứ Đồng Dù. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Vui sao nước mắt lại trào
Theo ông Nguyễn Đức Nga, trận đánh tiêu diệt cứ điểm Đồng Dù cũng là trận đánh lớn cuối cùng của Sư đoàn 320 trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong trận đánh này, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống khi ngày toàn thắng chỉ còn trong gang tấc. Sau đó, Sư đoàn 320 phát triển sang Hóc Môn, Bình Chánh; phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 1 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, căn cứ Ra đa thám không Phú Lâm và nhiều mục tiêu quan trọng khác, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Đến gần trưa 30/4/1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Sài Gòn chính thức giải phóng, cờ Mặt trận Giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đồng đội chúng tôi ôm nhau khóc như những đứa trẻ, không ai cầm được nước mắt vì vui sướng. Người dân thành phố ra đường với quần áo đẹp, hân hoan chào đón bộ đội Giải phóng quân, vẫy cờ đỏ sao vàng phấp phới và cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!". Cảm xúc lúc ấy thật không thể diễn tả hết được. Giờ phút lịch sử cả nước cùng hát khúc khải hoàn mãi mãi in sâu trong ký ức những người lính Cụ Hồ chúng tôi”, ông Nga bồi hồi nhớ lại.