Sáng 27/11, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 được phát động trong cả nước. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã trả lời phỏng vấn xoay quanh chủ đề của tháng hành động và những đáp ứng của Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2011.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long - Ảnh: T.L
* Liên Hợp Quốc chọn chủ đề Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2011 là “Getting to Zero”, hướng tới mục tiêu ba không, trong khi Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2011 của Việt Nam chỉ chọn “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Vì sao có sự khác biệt này, thưa Cục trưởng?
- Tháng 6/2011, tại hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Getting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Liên Hợp Quốc khuyến cáo, từ chủ đề chung của Chiến dịch Phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015, hàng năm, các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “ba không” nói trên và trên cơ sở đó, Việt Nam đã chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 là: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Chúng ta tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” vì hiện nay, tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây, nhưng mỗi năm chúng ta vẫn phát hiện thêm hơn chục nghìn người nhiễm HIV. Như vậy, sự suy giảm của dịch HIV/AIDS vẫn chưa đủ độ bền vững. Trên thế giới cũng vậy, hiện cứ tiếp cận điều trị được cho 2 người nhiễm HIV/AIDS thì ta lại phải “nhận thêm” 5 người mới nhiễm HIV… Từ đó, việc kiểm soát, ngăn chặn để “không còn người mới nhiễm HIV” luôn là sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
* Chọn chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, chúng ta phải dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn nào, thưa Cục trưởng?
- Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm đương đầu với HIV/AIDS. Đây là một chặng đường đầy gian nan, vất vả nhưng chúng ta đã rất nỗ lực vượt qua để triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Những thành tựu trong cuộc “trường kỳ” đương đầu với HIV/AIDS đã và đang tạo tiền đề tốt để chúng ta hướng tới mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV”.
Trước hết, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống tương đối hoàn chỉnh các văn bản tạo ra hành lang pháp lý quan trọng và môi trường thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã sớm hình thành hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương tới cơ sở và đang từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống này.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được ưu tiên chú trọng, cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là nhiều hoạt động tạo điều kiện để toàn dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Nhiều mô hình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm đã được triển khai rộng khắp, kể cả những can thiệp vốn có tính “nhạy cảm” như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su. Chúng ta đã xây dựng được mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, đội ngũ này ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Giải pháp điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố với 25 cơ sở thu hút được hơn 5.000 bệnh nhân tham gia điều trị.
Cộng tác viên tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS tại phường 8 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.THỦY
Hiện nay, cả nước có hơn 300 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Mạng lưới phòng xét nghiệm sẽ giúp cho người dân kịp thời phát hiện được tình trạng nhiễm HIV của mình để áp dụng các biện pháp dự phòng thích hợp cho người thân, bạn bè và những người xung quanh, cũng như có thể tiếp cận kịp thời các dịch vụ chăm sóc và điều trị thích hợp cho bản thân.
Các hoạt động xét nghiệm hỗ trợ điều trị, chăm sóc cũng được đẩy mạnh. Chúng ta đã đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách toàn diện. Hiện nay, trên toàn quốc có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhờ đó đã làm giảm đáng kể được các trường hợp nhiễm HIV từ các bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV. Cùng với các hoạt động truyền thông, vận động xã hội, huy động sự tham gia hoạt động của người nhiễm HIV, tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện…, việc mở rộng chăm sóc và điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã góp phần chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS nhìn chung đã có thái độ, hành vi tích cực hơn và niềm tin hơn trong cuộc sống.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về cơ bản, chúng ta đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV dưới 0,3%. Đây vừa là cơ sở khoa học và thực tiễn, vừa là tiền đề để chúng ta đặt ra mục tiêu: “Không còn người nhiễm mới HIV”.
Thanh niên TP Tuy Hòa tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến người dân - Ảnh: T.THỦY
* Chúng ta tự tin với mục tiêu đề ra, nhưng thực hiện chắc vẫn có những tồn tại, trở ngại?
- Đúng vậy! Mặc dù, chúng ta đã có được sự chuẩn bị gần như hoàn chỉnh cả về cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức, nhân lực, vật lực và tài lực cho mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV”, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Đó là: Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục có các diễn biến phức tạp đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, có các yếu tố hành vi lây nhiễm kép, như trường hợp một số người vừa mua bán dâm, vừa nghiện ma túy; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức cao... Một bộ phận dân cư vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây “bùng nổ” nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Do vậy kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tiếp tục sẽ là mục tiêu chính cho giai đoạn 2011-2020.
* Trân trọng cám ơn Cục trưởng!
NGUYỄN VIỆT CƯỜNG (thực hiện)