Hỏi: Con gái chúng tôi năm nay 17 tuổi, gần đây xuất hiện một bệnh rất lạ: cứ đi bộ khoảng vài chục mét là cháu mỏi rũ cả hai chân, phải ngồi nghỉ một lúc lâu mới đi tiếp được. Cháu cho biết chuyện này xảy ra ba tháng rồi. Đó là bệnh gì, thưa bác sĩ?
ĐOÀN THỊ KIM CHI (xã An Mỹ, huyện Tuy An)
Trả lời: Nhiều khả năng cháu bị chứng nhược cơ (Myasthenia). Bệnh được xem là một dạng rối loạn tự miễn dịch. Triệu chứng nổi bật của bệnh là các cơ yếu nhược và hoạt động chóng mỏi. Bệnh có 2 dạng chính:
- Nhược cơ cấp: thường gặp ở thai phụ có tiền sử chữa nhược cơ, hoặc người có u ác tính ở tuyến ức. Ở thể này, các cơn mỏi cơ (nhất là cơ hô hấp) xuất hiện gần như liền nhau, gây khó thở cấp, ăn nghẹn, uống sặc.
- Nhược cơ thông thường: gặp nhiều ở nữ từ 10-20 tuổi. Biểu hiện ban đầu là chứng mỏi mệt cơ theo thời gian lao động và sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh có thể chỉ bị sụp mi mắt (một hoặc hai bên) hay nhai
khó, nuốt khó, mỏi mệt, làm việc chóng mỏi, dễ khuỵu ngã, chóng mỏi tay, thậm chí không tự nhấc tay chân lên được... Đặc điểm nổi bật của bệnh là triệu chứng nhược cơ thay đổi trong ngày (chiều nặng hơn sáng, nghỉ ngơi thì đỡ).
Bệnh nhược cơ tiến triển qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Chỉ một nhóm cơ bị xâm phạm, thường là các cơ vận động ở mắt.
- Giai đoạn 2: Toàn bộ các cơ bị xâm phạm nhưng chưa có xâm phạm hô hấp hoặc hầu họng.
- Giai đoạn 3: Toàn bộ các cơ bị xâm phạm kèm theo rối loạn hầu họng và hô hấp.
Điều trị bệnh nhược cơ thường kết hợp các phương pháp nội khoa và ngoại khoa, tùy theo tình trạng nặng của người bệnh. Các hướng xử trí thường được áp dụng ở Việt Nam là: dùng tia X chiếu trực tiếp vào tuyến ức (một tuyến nhỏ nằm sau xương ức). Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức. Sau khi phẫu thuật, tất cả bệnh nhân đều phải tiếp tục điều trị nội khoa.
BS ĐOÀN VĂN HẢI