Thứ Bảy, 23/11/2024 17:59 CH
Hiểm họa từ rắn độc
Thứ Hai, 30/05/2022 13:00 CH

Thanh niên bị rắn lục cắn được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, sức khỏe đã ổn định. Ảnh: YÊN LAN

Người bị rắn độc cắn cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế để kịp thời xử trí nếu có các triệu chứng tiến triển nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, hạ huyết áp...

 

Đối với các trường hợp bị rắn độc cắn, sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp điều trị đặc hiệu. Việt Nam đã sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục tre; các loại huyết thanh khác được nhập từ nước ngoài, thường thiếu hoặc không có.

 

Ra cửa gặp rắn lục

 

Một thanh niên bị rắn lục cắn dẫn đến rối loạn đông máu, vừa được điều trị ổn định tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

N.T.A, 19 tuổi, ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), bị rắn lục cắn vào gót chân, ngay trước nhà. Nọc độc của rắn làm cho A đau nhức; vùng da xung quanh vết cắn bầm tím, sưng nề. Gia đình nhanh chóng đưa A đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu.

 

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, từ thông tin do bệnh nhân cung cấp và căn cứ vào vết răng cắn, tình trạng sưng đau lan rộng, rối loạn đông máu, bệnh nhân được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục. Theo BSCKII Lê Hòa, sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn (thuốc giải nọc rắn độc) là phương pháp điều trị đặc hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng xuất huyết ồ ạt do rối loạn đông máu, như huyết thanh kháng nọc rắn lục tre (một trong hàng chục loài rắn lục được phát hiện ở Việt Nam, rất phổ biến) điều trị rối loạn đông máu do rắn lục cắn, ngăn chặn, phòng ngừa được xuất huyết do rối loạn đông máu.

 

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ đau nhức, chân bị rắn cắn bớt sưng nề; các chỉ số đông máu trở về bình thường.

 

Rắn lục là một trong những loài rắn độc thường gặp ở nước ta. Ngoài rắn lục, người dân sống ở vùng rừng núi, trung du và cả ở đồng bằng còn gặp rắn hổ đất (thân màu sẫm hoặc màu vàng lục, sau cổ có 2 vòng màu trắng và đen như hình mắt kính, ở giữa có vệt màu nâu đen), rắn hổ mang chúa (khi đe dọa hoặc chuẩn bị tấn công, cổ bạnh ra như rắn hổ mang nhưng hẹp hơn, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu), rắn cạp nong (thân khúc đen khúc vàng), rắn cạp nia (còn có tên khác là rắn mai gầm, thân khúc đen khúc trắng), rắn chàm quạp (có màu nâu hoặc đỏ nâu, đầu hình tam giác, có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng dọc lưng, thường cuộn tròn trong lá cây khô)…; ở biển thì có rắn biển sừng.

 

Hiểm họa từ rắn độc

 

Theo các chuyên gia chống độc, khi bị một số loài thuộc họ rắn lục cắn, nạn nhân bị rối loạn đông máu và xuất huyết. Còn khi bị một số loài thuộc họ rắn hổ cắn, nạn nhân sẽ có các triệu chứng về thần kinh như khó nói, yếu chân tay, liệt toàn thân hoặc suy hô hấp và ngưng thở. “Người bị rắn hổ chúa cắn thường liệt cơ, suy hô hấp rất nhanh, khoảng 2 giờ, nên cần nhập viện ngay để được theo dõi và điều trị kịp thời”, bác sĩ Lê Hòa cho biết. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có huyết thanh kháng nọc rắn lục và rắn hổ đất.

 

Người bị rắn độc cắn cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế để kịp thời xử trí nếu có các triệu chứng tiến triển nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, hạ huyết áp... Một số trường hợp, nạn nhân đến bệnh viện muộn, khi đã bị suy hô hấp, liệt cơ, ngưng tim ngưng thở; dù được cấp cứu hồi sinh tim phổi nhưng tổn thương não không hồi phục, bệnh nhân phải sống thực vật.

 

Cạp nia là loài rắn kịch độc; nọc độc của chúng gây suy hô hấp, liệt cơ kéo dài. Nạn nhân phải thở máy từ 2 tuần cho đến một tháng, trong thời gian đó có thể bị tai biến, nhiễm trùng… dẫn tới tử vong. Nếu qua khỏi, người bệnh cũng có thể mất khả năng lao động.

 

Đa số nạn nhân bị rắn cạp nia cắn trong lúc ngủ; vết cắn không sưng. Nếu không nhìn thấy con rắn, rất khó nhận biết dấu hiệu bị rắn cạp nia cắn vì dấu răng rất nhỏ. Hiện các bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Đây là một trong những loại huyết thanh phải nhập về từ nước ngoài, nguồn cung khan hiếm. Vừa qua, cộng đồng xót xa khi một cháu bé 4 tuổi ở huyện Sơn Hòa bị rắn cạp nia cắn dẫn đến ngưng thở, suy gan, thận... và đã không qua khỏi vì không có huyết thanh kháng nọc loài rắn độc này.

Làm gì nếu chẳng may bị rắn độc cắn?

 

Đề phòng rắn cắn, nên đi ủng, giày cao cổ, mặc quần dài và đội mũ rộng vành nếu vào rừng hoặc vào khu vực có nhiều cây cỏ, đặc biệt là trong đêm tối. Nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm thì sử dụng đèn. Cần tránh xa nơi rắn thường trú ẩn (đống đổ nát, đống gạch vụn, đống rác); không bắt rắn; không đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín…

 

Một con rắn lành cắn chỉ gây trầy xước, đau và sưng nhẹ tại vết cắn. Nhưng khi bị rắn độc cắn, nạn nhân sẽ cảm thấy vô cùng đau rát tại vết thương. Sau đó, xung quanh vết cắn có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi sưng nề lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân; da bị hoại tử. Ngoài ra, nạn nhân còn có cảm giác buồn nôn, khó thở, cơ thể yếu dần, đôi khi còn nhận thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng.

 

Khi bị rắn độc cắn, phải nhanh chóng ra khỏi tầm hoạt động của con rắn. Trong thời gian chờ phương tiện đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, hãy trấn an nạn nhân và bất động chi bị cắn bằng nẹp, nhằm làm chậm sự lây lan của nọc độc; tháo bỏ đồ trang sức (nếu có) và nới lỏng quần áo chật để tránh gây chèn ép khi vết thương bắt đầu sưng lên; điều chỉnh tư thế sao cho nơi bị cắn ở vị trí thấp hơn tim. Nếu có thể, hãy làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý, dùng một miếng gạc khô, sạch băng vết cắn và khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện.

 

Bác sĩ Lê Hòa lưu ý: Nếu nhìn thấy con rắn vừa cắn người thì hãy ghi nhớ đặc điểm của nó (màu sắc, hình dáng đặc biệt ở đầu, lưng, chiều dài…), nếu có thể thì dùng điện thoại thông minh chụp ảnh con rắn từ khoảng cách an toàn. Xác định được loài rắn độc sẽ giúp ích cho việc điều trị; nếu không, cơ sở y tế phải thực hiện các xét nghiệm, mất thêm thời gian trong việc cứu chữa.

 

Đối với các trường hợp bị rắn độc cắn, sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp điều trị đặc hiệu. Song theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), đầu tư nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn đã khó, duy trì được càng khó hơn vì quy trình sản xuất kháng huyết thanh khá tốn kém. Đến thời điểm này, Việt Nam có 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục tre (hai loài rắn độc phổ biến) do IVAC sản xuất và cung cấp; các loại huyết thanh khác được nhập từ nước ngoài, thường thiếu hoặc không có. Thêm vào đó, theo các chuyên gia chống độc, vì chất độc của cùng loài rắn có thể có điểm khác nhau tùy thuộc vào thức ăn, đặc điểm của từng vùng nên một loại huyết thanh có thể kháng nọc hiệu quả ở nước này nhưng chưa chắc hiệu quả với cùng loài rắn ở nước khác. Một số loài rắn như hổ lửa (rắn hoa cổ đỏ, rắn học trò), rắn hổ mèo..., ngay cả trên thị trường ngoài nước cũng chưa có huyết thanh. Một viện nghiên cứu tại Nhật Bản đang thử nghiệm huyết thanh kháng nọc rắn hổ lửa. Còn tại Việt Nam, IVAC đang nghiên cứu phát triển huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia bắc và rắn chàm quạp.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek