Thứ Bảy, 23/11/2024 19:59 CH
Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong năm chu kỳ của dịch
Thứ Hai, 23/05/2022 11:00 SA

Nhân viên y tế diệt lăng quăng, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết. Nguồn: CTV

Về mặt dịch tễ học, dự báo năm 2022 là năm chu kỳ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Phú Yên. Theo BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cách phòng bệnh tốt nhất là phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát, không tạo điều kiện cho muỗi vằn trú ngụ. Trường hợp bị sốt cao kéo dài, người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự mua thuốc điều trị tại nhà để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.

 

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), từ đầu năm đến ngày 15/5, trên địa bàn tỉnh có 14 ổ dịch SXH với 385 ca bệnh được ghi nhận, tăng so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc SXH tập trung nhiều tại huyện Phú Hòa (119 ca), TP Tuy Hòa (88 ca), huyện Tuy An (77 ca); còn lại xuất hiện rải rác ở các địa phương khác.

 

BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC, cho biết:

 

- Điều đáng quan tâm là trong 4 tuần vừa rồi, tình hình ca bệnh cũng như các ổ dịch nhỏ đang có chiều hướng lan rộng và gia tăng.

 

Về mặt dịch tễ học, dự báo năm nay là năm chu kỳ dịch SXH tại tỉnh Phú Yên. Mặt khác, trong thời gian qua, ngành Y tế phải dốc toàn lực tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19 nên chưa thực hiện tốt các hoạt động phòng chống SXH. Tình hình ca bệnh và các ổ dịch nhỏ ở một số địa phương trong tỉnh đang có chiều hướng gia tăng và lan rộng, khả năng sẽ bùng phát thành dịch lớn trong thời gian tới nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

 

BSCKI Biện Ngọc Tân

* Những năm gần đây, dịch bệnh SXH xuất hiện nhiều ở một số địa phương không thuộc vùng nguy cơ cao trước đây. Tại một số địa phương, SXH xuất hiện dai dẳng. Cần lưu ý những vấn đề gì trong việc xử lý ổ dịch, thưa bác sĩ?

 

- Phú Yên là một trong những tỉnh lưu hành dịch SXH. Trong điều kiện giao thông thuận lợi, tác nhân gây bệnh và vector truyền cũng giao lưu dễ dàng. Vì vậy, những năm gần đây, dịch SXH vẫn xảy ra ở những huyện, xã vùng cao không phải là trọng điểm.

 

Việc xử lý những ổ dịch ở vùng cao, ngoài các biện pháp chung, cần phải lưu ý đến công tác truyền thông dựa vào ngôn ngữ, tập tục của người dân địa phương. Đối với những ổ dịch xảy ra dai dẳng thì lưu ý việc giám sát, xử lý triệt để các ổ bọ gậy ở từng hộ gia đình, không cho phục hồi mật độ muỗi tiếp tục lây truyền bệnh kéo dài, khó dập tắt. Đó là những trải nghiệm trong nhiều năm làm công tác phòng, chống dịch SXH của chúng tôi.

 

* Bác sĩ có thể cho biết, Phú Yên CDC làm những gì để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới?

 

- Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới, Phú Yên CDC tăng cường các hoạt động truyền thông ở nhiều hình thức, quy mô khác nhau, gần gũi với cộng đồng, đem lại hiệu quả tích cực hơn; tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động ở một số xã trọng điểm và xã có nhiều ca bệnh; tăng cường giám sát dịch tễ chủ động, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, khống chế số ca mắc và tử vong do SXH. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường kiểm tra thực địa và làm việc với ban chỉ đạo một số địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh, nhiều ổ dịch SXH để có những khuyến nghị và chỉ đạo cho y tế các địa phương thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng chống dịch SXH trong thời gian tới.

 

Biểu đồ ca mắc sốt xuất huyết theo tuần - năm 2022. Nguồn: PHÚ YÊN CDC

 

* Đối với người dân, bác sĩ có những lời khuyên nào trong việc phòng, chống SXH?

 

- SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn lây truyền, đến nay trên toàn thế giới vẫn chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát, không tạo điều kiện cho muỗi vằn trú ngụ; tự kiểm tra và xử lý triệt để các ổ bọ gậy tại mỗi hộ gia đình. Thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân có thói quen tích trữ nước sinh hoạt trong các dụng cụ không có nắp đậy kỹ. Ngoài ra còn có các dụng cụ chứa nước uống cho gia súc, gia cầm; các lọ hoa, bể cảnh... Nếu không thường xuyên thay nước, cọ rửa thì đây sẽ là những nơi thuận lợi cho muỗi vằn sinh trưởng gấp nhiều lần để lây truyền dịch bệnh SXH.

 

Khi có trường hợp bị sốt cao kéo dài, người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự mua thuốc điều trị tại nhà để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Không được chủ quan với sốt xuất huyết

 

SXH là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn, có tên khoa học là Aedes. Muỗi Aedes có hai týp có thể truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành, đó là Aedes Aegypti và Aedes Albopictus. Ở Việt Nam chủ yếu muỗi Aedes Aegypti truyền bệnh SXH; một số vùng do muỗi Aedes Albopictus.

 

Virus Dengue có 4 týp, người nhiễm týp này sau khi lành bệnh cũng không có kháng thể chống lại týp khác. Điều này lý giải trong một năm bệnh nhân có thể mắc SXH 3-4 lần. Từ một người bệnh bị muỗi vằn đốt, virus Dengue sẽ phát triển trong tuyến nước bọt của muỗi và khi muỗi đốt người khác, virus Dengue sẽ xâm nhập vào máu và nhân lên, gây bệnh. Cứ như vậy, bệnh sẽ lây lan từ người này qua người khác do bị muỗi đốt. Số người mắc bệnh nhiều, muỗi vằn nhiều thì tốc độ lây lan bệnh càng nhanh. Với đặc điểm dịch tễ học của SXH thì biện pháp phòng bệnh là tập trung giải quyết 3 khâu chính: Diệt muỗi Aedes, chống muỗi đốt và điều trị người bệnh.

 

Bệnh SXH thường chuyển biến nặng ở ngày thứ 5-8 sau khi khởi phát. Bệnh diễn tiến rất nhanh, biểu hiện thường có sốc do rối loạn tuần hoàn... Vì vậy, không được chủ quan khi bệnh nhân có các biểu hiện của nhiễm siêu vi, tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không được tự điều trị tại nhà.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek