Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 99% dân số trên toàn cầu phải hít thở không khí hạn chế về chất lượng và đe dọa đến sức khỏe của họ.
Hiện nay, hàng tỉ người trên thế giới vẫn phải hít thở không khí không trong lành. Đây là thông tin được WHO đưa ra tại cuộc họp ngày 4/4/2022 tại Geneve, Thụy Sĩ. Theo WHO, 99% dân số thế giới phải hít thở không khí hạn chế về chất lượng và đe dọa đến sức khỏe của họ. Đặc biệt, người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị phơi nhiễm với mức ô nhiễm không khí cao nhất.
WHO công bố các dữ liệu về nồng độ Nitrogen dioxide (NO2) dựa trên các dữ liệu đo lường được về ô nhiễm không khí vùng đô thị bởi các vật chất dạng hạt trong tầng ôzôn. Hầu hết vật chất dạng hạt trong bầu khí quyển, nhất là ở vùng đô thị, đều vượt mức cho phép do việc đốt năng lượng hóa thạch. Những bằng chứng về ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở những vùng nghiên cứu đưa ra có ý nghĩa thực tiễn để đề ra các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm không khí. Các chất độc có trong không khí vượt quá mức cho phép sẽ đi sâu vào phổi, xâm nhập vào máu, đi khắp cơ thể gây nên các bệnh về tim mạch, bệnh về mạch não gây đột quỵ não và ảnh hưởng đến hô hấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tác động của các vật chất dạng hạt đến các cơ quan, hệ cơ quan tim, phổi, não và gây bệnh ở các cơ quan đó. Hơn nữa, NO2 còn liên quan đến các bệnh về đường hô hấp khác như hen phế quản với các triệu chứng ho, thở khò khè, khó thở, nhiều trường hợp phải đến bệnh viện và cần được cấp cứu kịp thời.
WHO khuyến cáo các bước mà các chính phủ cần thực hiện để cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cho người, gồm: Xây dựng và triển khai bộ quy chuẩn chất lượng không khí của quốc gia theo hướng dẫn của WHO; kiểm tra và xác định nguồn ô nhiễm không khí; hỗ trợ chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch ở hộ gia đình trong nấu nướng, thắp sáng và sưởi ấm; đảm bảo an toàn trong lĩnh vực xây dựng, giao thông công cộng và phương tiện vận chuyển cá nhân, bảo hộ lao động...; đầu tư hệ thống cung cấp năng lượng tập trung; xử lý rác thải hợp lý bằng công nghệ mới; giảm rác thải nông nghiệp; nghiêm cấm đốt phá rừng; tập trung đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, sức khỏe và đặc biệt là trồng rừng tái sinh.
Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí khá phổ biến; các bệnh về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Hàng năm, bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh hen phế quản, tim mạch, mạch máu não gây đột quỵ… chiếm số lượng không nhỏ.
Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình và cho cả cộng đồng, tùy theo điều kiện, cần thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, tuyệt đối không hủy hoại rừng như đốt rừng làm rẫy, đốt than. Mỗi người cần tăng cường trồng cây ở những nơi có thể trồng để tạo môi trường xanh, sạch và không khí trong lành. Nghiêm cấm việc đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, đốt bịch ni lông, lốp xe thải khói độc ra môi trường. Khi chăn nuôi gia súc, gia cầm, người nuôi cần xử lý chất thải theo đúng quy định, đúng quy trình được hướng dẫn. Các nhà máy nên di dời ra khỏi các khu dân cư, tránh thải khí độc ra môi trường. Từng cá nhân có biện pháp bảo vệ sức khỏe đường hô hấp của mình như đeo khẩu trang, tránh những địa điểm không khí bị ô nhiễm…
BS NGUYỄN VINH QUANG