Đến nay, COVID-19 chưa chính thức được coi là bệnh đặc hữu trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng được tăng cường, COVID-19 vẫn nghiêm trọng hơn bệnh cúm.
Mỹ từng trải qua mùa dịch cúm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, từ mùa thu năm 2017 đến mùa đông năm 2018. Trong giai đoạn này, 52.000 người tử vong và 710.000 người phải nhập viện vì cúm mùa.
Hiện số ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày đang tiến đến mốc thấp nhất trong một năm. Tuy nhiên, ngay cả khi số ca tử vong giảm xuống mức tương đối thấp 400 ca/ngày, COVID-19 vẫn là nguyên nhân dẫn đến số người tử vong trong 2 tháng nhiều hơn so với số ca tử vong do bệnh cúm gây ra trong một năm.
Trong thời gian đỉnh dịch do biến thể Omicron cách đây vài tháng, số người tử vong do COVID-19 chỉ trong vài tuần cao hơn số người tử vong do cúm trong cả một năm.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy số người nhập viện do COVID-19 tại nước này gần đây giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng số người vừa nhập viện vì bệnh này trong tuần qua vẫn cao hơn gấp 3 lần số người nhập viện vì bệnh cúm trong tuần gần đây.
Đến nay, COVID-19 vẫn là căn bệnh khó đoán định. Giới chuyên gia nhận định COVID-19 có một số đặc điểm tương tự như bệnh cúm, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Các nhà khoa học đã hiểu rõ về bệnh cúm, nhưng vẫn đang tiến hành nghiên cứu về COVID-19.
Tháng 12 năm ngoái, ông Sen Pei, Phó Giáo sư về y tế môi trường tại Đại học Columbia, cho biết chúng ta “còn lâu” mới đến giai đoạn đại dịch COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu. Trước khi đạt đến thời điểm này, phần lớn dân số sẽ cần có khả năng miễn dịch với COVID-19 thông qua tiêm chủng hoặc mắc bệnh.
Biến thể Omicron xuất hiện khiến dân số Mỹ tăng đáng kể khả năng miễn dịch và đưa chúng ta đến gần thời điểm đó hơn. Tuy nhiên, tương lai của COVID-19 vẫn chưa rõ ràng.
Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo người dân duy trì cảnh giác với dịch COVID-19 cũng như tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh.
Theo TTXVN/Vietnam+