Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng - được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19. Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ thống. Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa rất lớn.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 46.100 ca nhiễm SARS-CoV-2, giảm hơn 40.400 ca so với trung bình số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày trong tuần cuối của tháng 3. Tại Phú Yên, trong tuần đầu tiên của tháng 4, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.062 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 384 ca dưới 12 tuổi. Con số này thấp hơn nhiều so với tuần đầu tiên của tháng 3/2022: Gần 7.000 ca nhiễm, trong đó có 1.227 ca dưới 12 tuổi.
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang giảm sâu, trong đó có số ca nhiễm là trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 2 bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp sau khi nhiễm SARS-CoV-2, tình trạng nguy kịch. Một bệnh nhi 12 tuổi, trú Bình Chánh, nhập viện vì bị khó thở do nhiễm SARS-CoV-2. Chỉ sau 2 ngày phát bệnh, trẻ bị tụt huyết áp, nhịp tim 180 lần/phút…, được chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim, sốc tiêm, viêm cơ tim. Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) để cứu bệnh nhi này. Một trẻ khác, 7 tuổi, trú Tây Ninh, mắc COVID-19 trước đó hơn 2 tuần, được tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán viêm cơ tim cấp, block nhĩ thất độ III, được chạy ECMO và điều trị tích cực.
Theo các chuyên gia y tế, hầu hết trẻ mắc COVID-19 chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh, trong đó một số trẻ cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng viêm đa hệ thống. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em mắc COVID-19 hiếm gặp, gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 từ 2-6 tuần, là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng.
Tại Mỹ, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy COVID-19 có liên quan đáng kể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim. Đáng nói là viêm cơ tim ở bệnh nhân COVID-19 dưới 16 tuổi cao gấp 37 lần so với những người không mắc COVID-19 ở cùng nhóm tuổi, do SARS-CoV-2 làm tổn thương tim hoặc do hội chứng viêm đa hệ thống.
Hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra những biện pháp điều trị COVID-19 như thuốc kháng virus, ngăn chặn cơn bão cytokin, điều trị biến chứng huyết khối… Dù vậy, việc điều trị không hề dễ dàng. Biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng giúp giảm tỉ lệ mắc và tử vong, đó là đeo khẩu trang, khử khuẩn… kết hợp với tiêm vắc xin. Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng - được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19. Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa rất lớn. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nếu được tiêm vắc xin thì hạn chế lây nhiễm, khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng, triệu chứng nhẹ hơn, đồng thời giảm được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng.
Bộ Y tế có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Vắc xin được sử dụng là của Pfizer, đã được Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu phê duyệt. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, với lượng vắc xin được viện trợ và mua, việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022. |
YÊN LAN