Các nhà khí tượng học đã dùng từ dị thường để mô tả diễn biến thời tiết trong thời gian vừa qua. Thời tiết thay đổi kéo theo một loạt tác động, đặc biệt là sức khỏe của con người.
Phòng chống COVID-19
Hiện nay, đại dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát hiệu quả, số ca mắc giảm rõ rệt từ cuối tháng 3/2022 đến nay, số ca tử vong giảm mạnh, số ca nặng phải can thiệp giảm ở tất cả các cơ sở điều trị tích cực trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên với sự biến đổi liên tục của SARS-CoV-2, chúng ta không được phép chủ quan lơ là trong phòng chống dịch. Theo các nhà khoa học và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt khi số ca bệnh vẫn còn cao; số bệnh nhân nặng vẫn còn nhiều ở một số quốc gia. Hơn nữa gần đây, các nhà khoa học Nam Phi công bố chủng Deltacron (là chủng lai giữa Delta và Omicron của SARS-CoV-2) đang chiếm tỉ lệ cao trong các ca bệnh và chủng này có tốc độ lây lan nhanh hơn cả chủng Omicron tuy độc lực chưa có biểu hiện mạnh hơn Omicron.
Từ đó cho thấy chúng ta không được chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng dịch. Những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì nên tiêm mũi nhắc lại sau khi tiêm mũi 2 trong vòng từ 3-6 tháng. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy khả năng miễn dịch của người sau tiêm chủng sẽ giảm theo thời gian, vì vậy việc tiêm mũi 3 là vô cùng cần thiết.
Phòng chống sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) là dịch bệnh khá nguy hiểm, thường xảy ra từ tháng 3, 4 đến tháng 10, 11 hàng năm. Phú Yên là tỉnh có dịch SXH lưu hành, hàng năm số ca mắc SXH không phải là ít và năm nào cũng có bệnh nhân SXH tử vong. Vì vậy, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống SXH bùng phát là hết sức cần thiết. Thời tiết thay đổi, mưa trái mùa sẽ tạo điều kiện cho muỗi phát triển, nhất là muỗi vằn Aedes Aegypti - trung gian truyền bệnh SXH. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình chủ động vệ sinh môi trường, thường xuyên loại bỏ nước trong các vật có thể đọng nước như chậu cảnh, lọ hoa, kệ chén bát, dụng cụ chứa nước uống cho gia súc, gia cầm; ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt, dùng vợt muỗi diệt muỗi, nhang xua muỗi, giữ thông thoáng nhà cửa để muỗi không có chỗ trú đậu. Tổ chức đổ bọ gậy ở những nơi công cộng như công viên, địa điểm vui chơi giải trí, khai thông cống rãnh ở những nơi dễ ứ đọng nước, nhất là sau các trận mưa...
Phòng chống sốt rét
Sốt rét là dịch bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi Anophen (muỗi đòn sóc). Trước đây, dịch thường xảy ra ở miền núi, nhưng gần đây vùng dịch tễ có xu hướng mở rộng do người lao động mang ký sinh trùng sốt rét về các địa phương và nơi đó có muỗi Anophen thì nguy cơ lây ký sinh trùng cho người khác qua vết đốt của muỗi Anophen là không nhỏ. Vì vậy, chủ động phòng sốt rét bằng các biện pháp như phát quang bụi rậm quanh nhà, khai thông cống rãnh, thông thoáng nhà cửa là hết sức cần thiết. Những người thường xuyên đi vào vùng sốt rét lưu hành nên triệt để thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, không nên ngủ lại trong rừng, nên mặc áo quần dài tránh muỗi Anophen đốt...
Phòng tránh các bệnh lý đường tiêu hóa
Thời tiết thay đổi thất thường, mưa nắng đan xen là điều kiện lý tưởng cho nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh đường tiêu hóa phát triển, thức ăn dễ bị ẩm, ôi thiu nên dễ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc thực phẩm, nặng hơn có thể bị lỵ trực khuẩn, tả, thương hàn. Vì vậy cần thực hiện ăn chín, uống chín, đặc biệt là trẻ em, học sinh (hay ăn thức ăn nhanh, quà vặt ở các quán ăn ven đường).
BS NGUYỄN VINH QUANG