Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gánh nặng bệnh tật do lao đè nặng lên nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao nhưng theo báo cáo năm 2021 của WHO, bệnh lao tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược từ 5-8 năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc.
Tại Việt Nam, “chấm dứt bệnh lao có nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết.
Ở Phú Yên, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của ngành Y tế, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của người dân, công tác phòng chống lao đã có những chuyển biến tích cực. Số người mắc mới được phát hiện sớm tăng lên, số người điều trị khỏi tăng, số bỏ trị giảm đáng kể, công tác quản lý người bệnh được tiến hành thường xuyên; tỉ lệ lao nặng, lao kháng thuốc giảm đáng kể. Đây là kết quả của chương trình phòng chống lao ở địa phương.
Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) năm nay có chủ đề “Tập trung nguồn lực, kết thúc bệnh lao, cứu sống triệu người” nhấn mạnh đến việc cần đầu tư, kêu gọi, tập trung nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng. Hiện nay, mọi nguồn lực đều tập trung cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19, ở một số nơi, có lúc công tác phòng chống lao ít được quan tâm. Đây chính là nguy cơ gia tăng số người mắc bệnh, bệnh nhân mới không được phát hiện kịp thời dẫn đến điều trị chậm, hiệu quả điều trị không cao, làm tăng tỉ lệ lao kháng thuốc từ đó làm tăng thêm gánh nặng chi phí điều trị.
Lao phổi là bệnh lý nhiễm trùng mãn tính do trực khuẩn lao gây nên, tổn thương lao chủ yếu ở phổi, vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.
Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể đa số không gây bệnh nhưng do một nguyên nhân nào đó làm cho cơ thể yếu đi, sức đề kháng giảm thì đây là cơ hội để bệnh lao phát triển. Trong đại dịch COVID-19, SARS-CoV-2 lây lan nhanh, tấn công vào đường hô hấp, gây tổn thương nặng nề ở phổi, chính là cơ hội cho bệnh lao càng nặng lên và bệnh nhân rất dễ tử vong. Ở những người không bị lao nhưng mắc COVID-19, phổi tổn thương sẽ là điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây bệnh do hệ miễn dịch của cơ thể đã có phần suy giảm.
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19, chúng ta không được lơ là các hoạt động phòng chống lao. Cần đổi mới phương pháp và cách tiếp cận phù hợp để hoạt động phòng chống lao mang lại hiệu quả, đồng thời phòng chống tốt đại dịch COVID-19.
BS NGUYỄN VINH QUANG