Thứ Bảy, 23/11/2024 21:34 CH
Thuốc lá và COVID-19
Thứ Hai, 28/03/2022 11:00 SA

Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Khói thuốc lá và COVID-19 có tác động gì với nhau không? Người nghiện thuốc lá nếu mắc COVID-19 thì bệnh có nặng hơn, thời gian hồi phục có kéo dài hơn so với những người không hút thuốc? Để hiểu một cách đầy đủ sự tác động của khói thuốc lá khi bị nhiễm SARS-CoV-2 và ngược lại đòi hỏi nhiều nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn của các nhà khoa học.

 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: YÊN LAN

 

Kể từ khi SARS-CoV-2 (gây đại dịch COVID-19) xuất hiện và gây bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay mới hơn 2 năm, dịch bệnh đã lan rộng ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, hơn 479 triệu người đã mắc COVID-19, trong đó hơn 6,1 triệu người tử vong. Đặc biệt, virus luôn có sự biến đổi làm cho nhân loại hết sức khó khăn trong đánh giá cũng như triển khai hiệu quả nhất các biện pháp phòng dịch.

 

Tại Việt Nam, đầu năm 2020, dịch bệnh bắt đầu xâm nhập và đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát, gây nhiều thiệt hại cả về sức khỏe, tính mạng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Việt Nam đã ghi nhận hơn 8,91 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có hơn 5,16 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; tỉ lệ tử vong chiếm 0,5% tổng số ca nhiễm. Tại Phú Yên, từ 23/6/2021 đến sáng 27/3, toàn tỉnh đã phát hiện 46.455 ca nhiễm, trong đó có 32.619 ca đã khỏi bệnh, 123 ca tử vong do/liên quan đến COVID-19.

 

Có thể nói, chưa có một loại dịch nào gây tổn thất cả về người và kinh tế - xã hội như đại dịch COVID-19!

 

Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Khói thuốc lá và COVID-19 có tác động gì với nhau không? Người nghiện thuốc lá nếu mắc COVID-19 thì bệnh có nặng hơn?

 

Tác hại của việc hút thuốc lá đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo. Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 thành phần hóa học, trong đó có hàng trăm chất gây ung thư. Khói thuốc lá gây nguy cơ mắc 10 bệnh ung thư hàng đầu ở con người, cũng là tác nhân gây nên hơn 80% trong tổng số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh lý như ung thư phổi, họng, hạ hầu thanh quản, gan, dạ dày... đều có sự tham gia của yếu tố nguy cơ: khói thuốc lá. Mặt khác, khói thuốc lá còn làm xơ vữa động mạch, gây hẹp mạch vành, làm rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, protein dẫn đến gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc lá là thủ phạm gây bệnh viêm phế quản, làm cho bệnh hen phế quản nặng thêm, làm tăng tỉ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khói thuốc lá còn hủy hoại tế bào não, gây tổn thương tế bào thị giác. Tóm lại, khói thuốc lá ảnh hưởng đến tất cả cơ quan, bộ phận của cơ thể con người, nhất là đối với hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và thần kinh tâm thần.

 

Nghiện thuốc lá được WHO xếp vào bệnh rối loạn tâm thể, ký hiệu là F-17 trong phân loại bệnh ICD-10.

 

Còn COVID-19, tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2. Virus này xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp, tấn công vào tế bào đường hô hấp lấy vật liệu di truyền rồi nhân lên và tấn công sâu vào phổi gây viêm phổi. Sau đó, virus còn tấn công vào nhiều cơ quan khác gây nên tình trạng bệnh nặng. Bệnh nhân bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tiết niệu..., hôn mê và tử vong nếu không được điều trị hiệu quả.

 

Nhờ có vắc xin nên tình trạng dịch bệnh đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay có trên 80% trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ một số bệnh nhân có triệu chứng nặng. Bệnh nặng xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư...

 

Về cơ chế bệnh lý, phổi của những người hút thuốc lá, nhất là những người nghiện thuốc lá, đã được “tráng một lớp hắc ín” có trong khói thuốc làm cho chức năng thông khí phổi, trao đổi oxy ở phế nang giảm nên có tình trạng thiếu khí tương đối. Khi những người này mắc COVID-19, việc trao đổi khí càng hạn chế hơn, họ rơi vào tình trạng thiếu khí trầm trọng. Khi máu thiếu oxy sẽ dẫn đến hàng loạt rối loạn chuyển hóa làm chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa không được đào thải ra khỏi cơ thể; các cơ quan nội tạng bị nhiễm độc và suy đa tạng. Đây là bệnh cảnh lâm sàng ở các bệnh nhân COVID-19 nặng.

 

Hơn nữa, khi bị SARS-CoV-2 tấn công, cơ thể luôn luôn có sự phản ứng chống lại. Nếu có hệ miễn dịch tốt thì sẽ ức chế và đẩy lùi sự nhân lên của virus, nhiều người nhờ vậy mà không có triệu chứng mặc dù test dương tính. Còn những người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, người suy giảm chức năng hô hấp, người có bệnh nền thì nguy cơ bệnh diễn biến nặng, cần phải điều trị tích cực.

 

Những phân tích trên cho thấy các chất độc có trong khói thuốc lá sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus đường hô hấp nói chung, SARS-CoV-2 nói riêng xâm nhập và nhân lên trong cơ thể người hút thuốc. Vì vậy, những người nghiện thuốc lá hãy cố gắng, kiên trì bỏ thuốc lá để bảo vệ chính mình cũng như người thân trước sự lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek