Sốt xuất huyết - dịch bệnh lưu hành ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng - là mối đe dọa cho sức khỏe của người dân, nhất là khi thời tiết thất thường như hiện nay.
Nhân viên y tế xác định chỉ số bọ gậy tại một khu dân cư (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: QUỐC HỘI |
9 tháng của năm 2021, cả nước có hơn 50.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), 18 người tử vong. Tại Phú Yên, số ca mắc lẫn số ổ dịch đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020, nhưng đã có 2 bệnh nhân tử vong do SXH. Gần đây thời tiết thay đổi thất thường, mưa nắng xen kẽ, là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) phát triển. Đây là muỗi trung gian truyền bệnh SXH.
Muỗi vằn thường đẻ trứng ở nơi có nước trong, mỗi lần đẻ khoảng 120-200 trứng, từ trứng phát triển thành loăng quăng (bọ gậy), sau đó dần dần thành muỗi trưởng thành. Thời gian từ trứng đến muỗi trưởng thành từ 8-12 ngày. Bán kính di chuyển của muỗi trưởng thành khoảng 100-200m. Chúng thích sống trong nhà, nhất là những nơi tranh tối tranh sáng như phòng ngủ. Đặc biệt, muỗi vằn thích đốt hút máu người, và có thể đốt liên tục từ người này qua người kia. Những đặc điểm đó của muỗi vằn làm cho dịch bệnh SXH lây lan nếu như một trong số những người bị đốt mắc SXH. Vì muỗi thích đẻ trứng ở những nơi nước trong nên sau một trận mưa, các dụng cụ có khả năng chứa nước như lu, vại, chậu cảnh, những lon bia, chai nhựa, gáo dừa... sẽ là nơi lý tưởng cho muỗi Aedes Aegypti đẻ trứng. Từ trứng thành muỗi chỉ hơn một tuần, cứ như vậy muỗi vằn sinh sôi rất nhanh.
Theo các nhà khoa học, SXH thường bùng phát thành dịch có chu kỳ, từ 3-4 năm có một đợt dịch lớn. Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm gần đây, tính chu kỳ hầu như không còn. Có nghĩa là năm nào SXH cũng có thể bùng phát thành dịch nếu như công tác phòng chống SXH không triệt để. Theo phân tích dịch tễ học, SXH thường xảy ra từ tháng 3-11 hàng năm và đỉnh điểm thường là tháng 10-11.
Tâm lý chủ quan của người dân trong phòng chống SXH cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát SXH. Qua gần 2 năm căng mình phòng chống đại dịch COVID-19 - dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, người dân có phần xem nhẹ những dịch bệnh khác. Khi được hỏi, không ít người cho rằng COVID-19 mới đáng sợ, còn các dịch bệnh khác là xoàng! Chính tâm lý “chủ quan khinh địch” kiểu này làm cho việc triển khai các biện pháp phòng vệ cá nhân hầu như không được chú trọng.
Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 phải hạn chế tối đa đi ra ngoài, tụ tập đông người, việc tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp có phần hạn chế. Hoạt động giám sát côn trùng, xác định chỉ số bọ gậy, giám sát ca bệnh trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn do nhân lực đang tập trung phòng chống COVID-19. Khi phát hiện ổ dịch nhỏ, việc triển khai phun hóa chất, vệ sinh môi trường, diệt muỗi cũng hạn chế hơn khi không có dịch COVID-19.
Trong công tác điều trị, các cơ sở y tế căng mình điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và phải hạn chế thu dung, điều trị các ca bệnh không phải là trường hợp cấp cứu, hạn chế khám chữa bệnh ngoại trú... Bệnh nhân ngại đến khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng bị SXH nặng mới đưa đến bệnh viện.
Tất cả những yếu tố trên làm tăng nguy cơ bùng phát SXH nếu mọi người, mọi gia đình, các cộng đồng dân cư không chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống SXH. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, đối với gia đình và cộng đồng xã hội trong việc vệ sinh môi trường, đổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước, tăng cường diệt muỗi, phòng chống muỗi đốt như ngủ màn kể cả ban ngày, ăn uống đủ chất... Các cộng đồng dân cư phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng, tổ COVID cộng đồng nên kết hợp phòng chống dịch bệnh nói chung, SXH nói riêng, trở thành tổ phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.
BS NGUYỄN VINH QUANG