Bài cuối: Hồ sơ sức khỏe điện tử và nỗ lực thu hẹp khoảng cách
Tại Phú Yên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, đã hình thành và phát triển một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành chung. Trong lĩnh vực điều trị, thông qua hoạt động hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, các bác sĩ trao đổi, đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất.
Nỗ lực triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử
Tại hội thảo Chuyển đổi số ngành Y tế Phú Yên do Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) y tế thuộc Cục CNTT - Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 3/2021, Phú Yên được Trung tâm Ứng dụng CNTT y tế đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR). Ông Phạm Thành Đạt (Trung tâm Ứng dụng CNTT y tế) cho biết: Sau khi được Cục CNTT hỗ trợ hồ sơ tạo lập ban đầu, ngành Y tế Phú Yên đã cập nhật, phát triển rất nhanh trong 2 năm qua. Đây là nỗ lực rất lớn.
Đại diện Cục CNTT - Bộ Y tế bàn giao hệ thống Dashboard điều hành hồ sơ sức khỏe điện tử cho lãnh đạo Sở Y tế Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN |
Năm 2019, ngành Y tế Phú Yên thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử tại huyện Sơn Hòa, sau đó triển khai rộng tại các địa phương trong tỉnh. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 502.601 người được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử, chiếm tỉ lệ 55,27% dân số.
Tổng số hồ sơ 831 (mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, ban hành theo Quyết định 831 của Bộ Y tế) đã cấp là 720.000, tổng số hồ sơ 831 đã thực hiện là 558.298. Các địa phương có tỉ lệ khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cao là TX Sông Cầu (78,68%), huyện Tây Hòa (71,88%) và huyện Sơn Hòa (66,67%).
BSCKI Nguyễn Văn Hiên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa cho biết: Có những khó khăn trong việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Trung tâm đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt; các ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành trong công tác này. Huyện Tây Hòa có rất nhiều người đi làm ăn xa, những khi trở về quê nhà, nhiều người trong số họ cũng không đến cơ sở khám chữa bệnh nên không thể cập nhật thông tin. Vì vậy, trong thời gian bà con về nhà nghỉ tết, tổ nắm bắt thông tin sức khỏe đến tận nhà để tìm hiểu và cập nhật.
Theo DSCKI Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy An, cách làm của đơn vị là chia từng nhóm, đến từng thôn xóm cập nhật thông tin của người dân vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, đội giám sát của trung tâm thường xuyên đi giám sát ở các xã, đôn đốc, nhắc nhở anh em khẩn trương để kịp tiến độ. “Những khó khăn trong quá trình triển khai, các trạm y tế báo cáo qua giao ban để được hỗ trợ, tháo gỡ”, dược sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Năm 2021, ngành Y tế Phú Yên tiếp tục triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân với mục tiêu có thêm ít nhất 30% người dân trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ sức khỏe điện tử; hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia. Theo kế hoạch, trong năm 2021 sẽ có 258.000 người được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Như vậy, Phú Yên có 83,64% dân số được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử.
BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Hoàn thành mục tiêu về hồ sơ sức khỏe điện tử, chúng tôi sẽ cập nhật dữ liệu hoàn chỉnh và tích hợp vào các phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân. Hoàn thành kho dữ liệu thì sẽ liên thông với phần mềm khám chữa bệnh của cả nước và cấp tài khoản cho bà con. Như vậy, người dân sẽ nắm được tiền sử bệnh tật của mình, mỗi khi đi khám bệnh thì cung cấp tài khoản cho bác sĩ nắm được tiền sử bệnh tật để chẩn đoán, điều trị phù hợp và nhanh chóng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động y tế bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, đã hình thành và phát triển một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành chung, như: Cơ sở dữ liệu quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu tiêm chủng; cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân; cơ sở dữ liệu quản lý hành nghề y, dược, an toàn vệ sinh thực phẩm; cơ sở dữ liệu quản lý cung ứng thuốc và kiểm soát kê đơn thuốc tại một số nhà thuốc, trạm y tế...
Trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, ngành Y tế đã triển khai nhiều ứng dụng hỗ trợ, như phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID-19…
Từ tháng 6/2021, ngành Y tế Phú Yên sử dụng phần mềm “Tổng hợp, phân tích và báo cáo dịch bệnh COVID-19”. Phần mềm này được đưa lên hệ thống chống dịch quốc gia và giúp lãnh đạo nắm được tình hình dịch COVID-19 tại địa phương từng giờ để có hướng chỉ đạo.
Hỗ trợ chuyên môn qua công nghệ
Ngày 9/8, từ xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), một sản phụ đưa đứa trẻ 13 ngày tuổi, bị sốt đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Test nhanh tại chốt sàng lọc và xét nghiệm PCR sau đó, cả sản phụ lẫn trẻ sơ sinh đều dương tính với SARS-CoV-2. Hai mẹ con được đưa vào khu cách ly y tế để điều trị; sản phụ bị ho, mất khứu - vị giác. Còn trẻ sơ sinh có dấu hiệu viêm phổi.
Bác sĩ Ngô Lê Như Quỳnh (Khoa Sơ sinh và Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên) cho biết: “Chúng tôi cho bé thở oxy, hội chẩn từ xa với các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để có cách xử trí tốt nhất đối với trẻ sơ sinh nghi bị viêm phổi đồng thời nhiễm SARS-CoV-2 nhằm tránh nguy cơ diễn tiến xấu”.
Sau một tuần điều trị, kết quả chụp X-quang cho thấy phổi của bệnh nhi đã ổn; em bé bú được, ngủ được; xét nghiệm lần thứ 2 kết quả dương tính với SAS-CoV-2. Trẻ sơ sinh và sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên (khi đó đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19) để tiếp tục theo dõi, điều trị.
COVID-19 diễn tiến rất nhanh. BSCKI Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa nói: “Bác sĩ, điều dưỡng theo dõi bệnh nhân, khi có những diễn biến chưa tốt thì hội chẩn trực tuyến với Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để đưa ra phương án điều trị tốt nhất hoặc chuyển tầng điều trị. Bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, SpO2 tụt là mình phải hội chẩn ngay”.
Không chỉ trong điều trị COVID-19, hoạt động hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ chuyên môn để có phương án điều trị hiệu quả nhất những ca bệnh khó giữa trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Ngay sau khi Bệnh viện Thống Nhất phối hợp với Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel khai trương Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa - Telehealth và kết nối với 22 điểm cầu từ các cơ sở y tế tuyến dưới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cùng 3 bệnh viện khác đã tham gia Chương trình hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức.
Trong gần 3 giờ, đại diện các bệnh viện: Đa khoa Vĩnh Long, Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), Đa khoa Phú Yên và Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) trình bày tóm tắt bệnh án, việc điều trị, diễn tiến của từng ca bệnh. Các chuyên gia tại đầu cầu Bệnh viện Thống Nhất trao đổi, đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất và giải đáp những thắc mắc thường gặp trong xử trí Hội chứng vành cấp - Nhồi máu cơ tim cấp.
Mới đây, ngày 22/9, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tham gia chương trình tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Thống Nhất với chủ đề “Các câu hỏi và thắc mắc thường gặp trong xử trí suy tim mạn - Một số cập nhật ESC 2021”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm quá tải cho tuyến trên, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Nhờ công nghệ, người dân ở vùng sâu vùng xa vẫn được các bác sĩ, chuyên gia giỏi tuyến trên chẩn đoán bệnh. Và như vậy, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Hoạt động hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới để có phương án điều trị hiệu quả nhất những ca bệnh khó, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. |
YÊN LAN