Thứ Bảy, 23/11/2024 23:55 CH
Cách khắc phục những rối loạn tâm lý trong thời gian dịch bệnh
Thứ Hai, 23/08/2021 16:32 CH

Cơ thể con người chịu sự chỉ đạo của hệ thần kinh - nội tiết. Nếu hệ thần kinh không vững sẽ làm rối loạn hoạt động của hệ thống này dẫn đến một loạt rối loạn sinh lý trong cơ thể.

 

Khi các hoạt động sinh lý trong cơ thể bị rối loạn dẫn đến nhiều sản phẩm sinh ra trong quá trình chuyển hóa bị ứ trệ hoặc không đào thải ra ngoài, trong đó có nhiều chất độc. Các chất độc này không được đào thải lại gây ra các rối loạn chuyển hóa, cứ như vậy tạo ra một vòng luẩn quẩn mà y học gọi là vòng xoáy bệnh lý. Ngược lại, nếu hệ thần kinh hoạt động “đâu ra đấy” thì hệ thống này hoạt động thông suốt, các chất cần đào thải sẽ được đào thải ra ngoài, chất nào cần hấp thu sẽ được hấp thu; các hệ cơ quan trong cơ thể hoạt động ở mức độ tốt nhất, tế bào được tưới máu tốt hơn, ô xy nhiều hơn, hệ miễn dịch cả thể dịch lẫn tế bào hình thành tốt hơn, từ đó chiến thắng bệnh tật.

 

Dịch bệnh do SARS-CoV-2 mà đặc biệt là biến thể Delta của loại virus này đang hoành hành trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Phú Yên, từ ngày 23/6 đến nay đã có hơn 2.400 người mắc COVID-19, trong đó có 25 người tử vong. Với mức độ lây lan nhanh, sự nguy hiểm của dịch bệnh làm cho mọi người lo âu, một số người trầm cảm, sợ hãi... Các trạng thái tâm lý này ít nhiều tác động đến từng người, từng cộng đồng dân cư và từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của phòng chống dịch bệnh. Sau đây, chúng tôi xin điểm qua một số trạng thái tâm lý có thể gặp và cách vượt qua, góp phần khống chế, dập tắt dịch bệnh.

 

Chán nản là trạng thái tâm lý hay gặp trong bối cảnh đang làm việc, lao động, sinh hoạt bình thường thì có những biến động làm đảo lộn hoạt động bình thường đó và phải tuân thủ các quy định. Người ta cảm thấy gò bó, không thoải mái, từ đó thiếu nhiệt tình, thờ ơ, phản ứng thiếu linh hoạt, không muốn làm việc...

 

Để vượt qua chán nản, mỗi người cần nhìn nhận thực tế, xem đây là một phần của cuộc sống, có vui, có buồn, có thuận lợi, có khó khăn, trong khó khăn sẽ làm cho mình mạnh mẽ hơn..., từ đó họ sẽ tạo được cân bằng trong tâm lý.

 

Lo âu là tâm trạng chung trước một biến cố riêng lẻ hay biến cố ảnh hưởng chung đến cuộc sống của con người. Để giảm bớt lo âu, mỗi người nên đối diện với thực tế. Thay vì lo lắng, chúng ta làm những việc thích hợp với hoàn cảnh của mình như làm việc nhà, chăm sóc con cái, chăm sóc cây cảnh, tập thể dục trong nhà... và phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

 

Sợ hãi là một trạng thái của tinh thần phản ứng trước sự vật và hiện tượng một cách quá mức. Khi sợ hãi làm thay đổi nhịp tim, hô hấp, hệ thần kinh..., từ đó làm rối loạn hoạt động của trục thần kinh nội tiết. Nhiều lúc sợ hãi làm khó thở, nhịp tim quá nhanh, thở gấp, thậm chí có người sợ đến ngất đi.

 

Để vượt qua sợ hãi, mỗi người cần rèn luyện cho mình tâm lý vững vàng, thể chất mạnh mẽ và thường xuyên vận động thể lực đều đặn, ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Thường xuyên có tư duy tích cực, suy nghĩ thấu đáo mọi tình huống có thể xảy ra trước một vấn đề nào đó, dần dần sẽ tạo cho mình tâm lý ổn định.

 

NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek