Từ bỏ thói quen hút thuốc chưa bao giờ là việc dễ dàng và càng trở nên khó khăn trong thời điểm đại dịch COVID-19, khi những bất an về bệnh tật, cuộc sống và tương lai khiến nhiều người muốn tìm đến khói thuốc như biện pháp giảm căng thẳng.
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch kéo dài một năm với chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” với mong muốn hỗ trợ việc bỏ thuốc để hướng tới một cuộc sống lành mạnh hơn.
Anh Ibrahim Yücel sống tại TP Kutahya, Thổ Nhĩ Kỳ, đã nghiện thuốc lá nặng trong suốt 20 năm qua. Kể từ năm 16 tuổi, mỗi ngày Ibrahim đều “tiêu thụ” hai bao thuốc.
Để giúp mình từ bỏ thói quen độc hại này, anh Ibrahim đã nghĩ ra một sáng kiến có "một không hai", đó là tự “khóa” đầu mình vào một chiếc “lồng” đan bằng dây đồng, lấy ý tưởng từ chiếc mũ bảo hiểm của những người đi xe máy.
Chiếc “mũ bảo hiểm” đặc biệt này có một chìa khóa để mở và với quyết tâm bỏ thuốc của mình, anh Ibrahim đã đưa cho người thân trong gia đình giữ chiếc chìa khóa. Ibrahim quyết tâm cai thuốc sau khi cha anh qua đời vì bệnh ung thư phổi. Ibrahim biết đã đến lúc phải dừng lại vì sức khỏe của bản thân và vì gia đình.
Câu chuyện và hình ảnh thú vị của Ibrahim gần đây đã xuất hiện trên diễn đàn trao đổi Reddit và nhận được nhiều phản hồi từ những người cùng cảnh ngộ: “Những khó khăn lớn luôn cần đến quyết tâm lớn”; “Bỏ thuốc chính là phải như thế này. Tôi đã hút thuốc trong bảy năm và bỏ thuốc lá là một trong những điều khó khăn nhất mà tôi từng làm trong đời. Tôi đã sống không có nicotine trong hơn ba năm nay”; “Lần đầu tiên tôi bỏ thuốc rất dễ dàng và tôi trụ vững trong tám năm nhưng sau đó lại hút trở lại. Từ đó đến nay tôi đã cố gắng bỏ thuốc 5 lần nhưng chưa thể thành công".
Trong khi câu chuyện thú vị của anh Ibrahim truyền đi thông điệp hài hước nhưng tích cực về nỗ lực từ bỏ thuốc lá, ở những nơi khác, có những người lại đang trượt vào làn khói thuốc.
Maria Neuman, 51 tuổi, một nhà văn tự do người Mỹ sống ở khu Silver Lake, Los Angeles, cho biết trong một đêm bà hút hết bảy điếu thuốc khi xem một bộ phim. “Hút thuốc trở lại đã đủ tệ hại, giờ tôi còn hút thuốc trong nhà nữa".
Milo Martin, một nhà thơ 57 tuổi sống ở Los Angeles, cho rằng cách ly là khoảng thời gian đầy cám dỗ khiến người ta chỉ muốn ngồi hút thuốc. Caroline Ryder, một nhà văn 40 tuổi, thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ hút thuốc cho đến năm 2020".
Một nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học Columbia công bố hồi tháng Ba cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ dùng thuốc lá và nicotine như một giải pháp cho cuộc vật lộn với tâm lý phiền muộn và căng thẳng của một cuộc sống “bình thường mới” trong đại dịch.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát được thực hiện trong hai tháng Tư và Năm với những người Mỹ trưởng thành có hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử. Tất cả những người được hỏi đều đang cách ly ở nhà và gần như tất cả đều thừa nhận đang trong trạng thái căng thẳng gia tăng - do lo ngại về virus, công ăn việc làm và ảnh hưởng tâm lý từ việc phong tỏa, và căng thẳng là lý do chính khiến họ tìm đến nicotine và thuốc lá.
Theo WHO, người hút thuốc lá dễ bị mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần, từ đó nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và người xung quanh cũng tăng cao hơn. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong ở người mắc COVID-19 có hút thuốc lá cao hơn 2 lần so với người không hút.
Một số nghiên cứu đã xác nhận độ bão hòa oxy ở những bệnh nhân hút thuốc thấp hơn so với những người không hút thuốc. Phổi của những người hút thuốc hoạt động trong một môi trường bão hòa oxy thấp, do đó họ có nguy cơ cao hơn những người không hút thuốc trong những bệnh lý liên quan đến hô hấp.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá gây ra huyết khối hoặc còn gọi là hình thành cục máu đông. Điều này có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim và bệnh mạch máu ngoại vi. COVID-19 cũng gây ra các hiệu ứng huyết khối và hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ này. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với cả nhiễm trùng hệ hô hấp. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cúm cao gấp 5 lần và nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao gấp 2 lần. Điều này, như nhiều tạp chí y khoa xác nhận, là một yếu tố chủ chốt làm trầm trọng thêm tác động của COVID-19.
Khi những cảnh báo về mối liên quan giữa hút thuốc lá và các nguy cơ về COVID-19 được đưa ra, thông tin này đã khiến nhiều người mong muốn bỏ thuốc lá. Theo số liệu của WHO, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, rất nhiều người cũng đã nhận ra rằng nếu không có quyết tâm cao độ và thiếu hỗ trợ, việc bỏ thuốc có thể là một thách thức vô cùng lớn.
Chất nicotine trong thuốc lá có khả năng gây nghiện cao và kéo theo việc hình thành những thói quen như hút thuốc với cà phê, thèm thuốc lá, buồn bực khi thiếu thuốc khiến những người nghiện thuốc lá khó bỏ thói quen này. Với sự hỗ trợ từ chuyên gia, người sử dụng thuốc lá có thể tăng gấp đôi cơ hội bỏ thuốc thành công.
Tuy nhiên, hiện tại, hơn 70% trong số 1,3 tỉ người hút thuốc lá trên toàn thế giới thiếu tiếp cận với các công cụ cần thiết để cai nghiện. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng hơn vào năm ngoái khi lực lượng y tế toàn cầu được huy động để xử lý đại dịch.
Đó là lý do WHO đã khởi động chiến dịch toàn cầu “Cam kết bỏ thuốc lá” kéo dài một năm, bắt đầu từ ngày 8/12/2020. Chiến dịch này nhằm mục tiêu trong một năm giúp 100 triệu người hút thuốc lá hiện thực mong muốn bỏ thuốc bằng cách tạo ra các mạng lưới hỗ trợ và tạo điều kiện để những người này tiếp cận các dịch vụ giúp cai thuốc.
Điều này sẽ đạt được bằng cách mở rộng quy mô các dịch vụ hiện có như tư vấn từ chuyên gia và thiết lập đường dây nóng toàn quốc, cũng như tung ra các dịch vụ sáng tạo như Florence, nhân viên y tế kỹ thuật số đầu tiên của WHO, và các chương trình hỗ trợ chatbot trên các ứng dụng như WhatsApp và Viber.
Một điếu thuốc khi cháy tạo ra hơn 7.000 chất hóa học và gần 70 trong số đó gây nguy cơ ung thư. Các hóa chất độc hại được tìm thấy trong sơn móng tay, thuốc diệt chuột, khói xe, sơn, ximăng cao su và xăng cũng có trong một điếu thuốc. Tuy nhiên, trong khi các sản phẩm tiêu dùng này có nhãn cảnh báo trên bao bì, không có cảnh báo nào như vậy về các chất độc trong khói thuốc.
Tất cả các dạng thuốc lá bao gồm thuốc lá tẩu, các loại thuốc lá không khói, xìgà,… đều có hại. Theo WHO, "đại dịch thuốc lá" là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt, giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm trên thế giới. Hơn 7 triệu người trong số đó tử vong là do trực tiếp hút thuốc lá trong khi khoảng 1,2 triệu người là kết quả của tiếp xúc với khói thuốc.
Hơn 80% trong số 1,3 tỉ người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá là nặng nề nhất. Hút thuốc lá còn góp phần gây ra đói nghèo do lạm vào các chi tiêu thiết yếu của hộ gia đình như thực phẩm và chỗ ở.
Có câu nói rằng “Người từ bỏ không bao giờ chiến thắng", nhưng trong trường hợp hút thuốc lá, những người từ bỏ sẽ là những người chiến thắng thực sự.
Theo TTXVN/Vietnam+