Chủ Nhật, 24/11/2024 00:34 SA
Bỏ thuốc lá: Chỉ cần có quyết tâm và môi trường không khói thuốc
Thứ Hai, 31/05/2021 09:15 SA

Có quyết tâm thì sẽ bỏ được thuốc lá. NGUỒN:TT

Thuốc lá và tác hại của thuốc lá đã và đang là vấn đề quan tâm của nhiều người, nhiều chính phủ trên toàn cầu. Thuốc lá không chỉ tác động đến sức khỏe mà còn là gánh nặng cho phát triển kinh tế - xã hội; không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại mà còn để lại hậu quả nặng nề cho tương lai.

 

Khuyến cáo hạn chế thuốc lá và vận động bỏ thuốc lá được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và triển khai mạnh mẽ chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá; nhiều quốc gia luật hóa hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Việt Nam là một trong những quốc gia triển khai khá sớm và mạnh mẽ chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên hiện nay, theo số liệu thống kê, tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc vẫn khá cao; tỉ lệ bỏ thành công thuốc lá từ năm 2010 đến nay bình quân khoảng 0,5% năm.

 

Tại Phú Yên, từ năm 2015 đến nay, hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá được triển khai mạnh mẽ. Hầu hết các địa phương, đơn vị triển khai các hoạt động đúng theo chỉ đạo; mô hình trường học, bệnh viện không khói thuốc được áp dụng. Nhiều nhà hàng, khách sạn chú trọng đến việc phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo đánh giá sơ bộ, tỉ lệ người hút thuốc lá tại các địa phương, cơ quan, trường học được kiểm tra giảm từ 50-60%.

Nhiều người hút thuốc lá nói rằng mình đã nghiện nên bỏ không được, nếu bỏ sẽ nhạt miệng, ăn không ngon, mất ngủ, không tập trung, làm việc không chất lượng, hay cáu gắt... Có người thì bỏ được vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng rồi... hút lại và họ cho rằng bỏ thuốc lá rất khó.

 

Nghiện thuốc lá là “trạng thái rối loạn tâm thần - hành vi do tương tác giữa cơ thể với nicotin trong thuốc lá, biểu hiện bằng cảm giác thôi thúc mạnh mẽ buộc người nghiện phải hút thuốc lá”. Hành vi hút thuốc lá giúp người nghiện có cảm giác sảng khoái và tránh được cảm giác khó chịu vì thiếu thuốc. Hành vi hút thuốc lá tiếp tục ngay cả khi người nghiện biết rõ, thậm chí là bị các tác hại của thuốc lá. Những biểu hiện này do chất nicotin trong khói thuốc lá đem lại cho người hút, vì vậy nghiện thuốc lá được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là một dạng bệnh lý và được phân loại mã bệnh là F17.

 

Tuy nhiên theo WHO, những người nghiện thuốc lá theo phân loại này chỉ là số nhỏ trong những người được cho là nghiện thuốc lá, bởi vì người ta phân loại nghiện thuốc lá thành 3 loại.

 

Thứ nhất là nghiện tâm lý (hay còn gọi là nghiện nhận thức). Những người nghiện thuốc lá thuộc loại này hút thuốc lá để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh: sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện thuốc lá tâm lý trên mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh. Ví dụ: Hút khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái; hút khi làm việc để tăng mức độ tập trung; hút trước khi giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng…

 

Thứ hai là nghiện hành vi. Những người này hút thuốc lá như một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Họ hút theo phản xạ chứ không phải do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Hành vi hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Ví dụ: Hút sau khi ăn cơm xong, hút khi uống cà phê vào buổi sáng, hút khi gặp bạn bè, tiệc tùng, hút khi nhậu...

 

Thứ ba là nghiện thực thể. Cơ thể lệ thuộc vào nicotin, thiếu nicotin sẽ có một số rối loạn. Loại này được xem là bệnh và được xếp mã bệnh F17 như đề cập ở trên.

 

Dựa trên đặc điểm đó của nghiện thuốc lá, các giải pháp can thiệp được đưa ra nhằm giúp cho người nghiện thuốc lá bỏ thuốc thành công. Trong các loại nghiện trên thì nghiện nhận thức và nghiện hành vi chiếm phần lớn, lên đến 80-90%, còn nghiện thực thể chiếm khoảng 10-15% các trường hợp. Với loại nghiện nhận thức và nghiện hành vi, việc bỏ thuốc lá đơn giản hơn nhiều so với nghiện thực thể. Chỉ cần quyết tâm của người hút và môi trường không khói thuốc lá thì bỏ thuốc lá thành công. Vì vậy, việc xây dựng môi trường không khói thuốc cực kỳ quan trọng giúp người nghiện thuốc bỏ được thuốc lá.

 

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều mô hình không khói thuốc như trường học không khói thuốc, bệnh viện không khói thuốc, cơ quan, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc... Tuy nhiên, việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc còn nhiều điều đáng bàn và phải làm nghiêm túc, liên tục hơn nữa. Bên cạnh đó cần phải “mạnh tay”, kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vai trò của người đứng đầu cần được phát huy hơn nữa trong việc triển khai, giám sát và xử phạt. Có như vậy thì tỉ lệ người hút thuốc lá chắc chắn giảm. Ngoài ra cần có sự động viên, khuyến khích những người quyết tâm và bỏ thuốc lá thành công; khen thưởng xứng đáng những người triển khai tốt chương trình.

 

Bỏ thuốc lá không khó. Để bỏ thuốc lá thành công chỉ cần có quyết tâm và môi trường không khói thuốc.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek