“Hiện không có thuốc chữa bệnh dại; cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm chủng. Và cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng thuốc nam có thể điều trị được bệnh dại. Vì vậy, khi bị súc vật cắn, bà con phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng”, bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, khuyến cáo.
Virus di chuyển dọc theo dây thần kinh đến tủy sống và não. NGUỒN: VINMEC |
Tháng 4 vừa qua, Phú Yên ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là cháu L.O.H, sinh năm 2011 ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân).
Trước đó, ngày 18/2, cháu H bị chó nhà hàng xóm cắn dưới mi mắt trái và ở thân, được đưa đến Trạm Y tế xã Xuân Quang 1 để xử trí vết thương. Nhân viên y tế tư vấn gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân để tiêm vắc xin phòng bệnh dại, nhưng gia đình không thực hiện mà lại… cho cháu uống thuốc nam! Đến ngày 21/4, cháu H có những triệu chứng của bệnh dại: sốt, khó thở, sợ nước, sợ gió… Gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân, sau đó đứa trẻ được chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhưng đã quá muộn. Ngày 23/4, cháu H tử vong.
Trường hợp này lẽ ra có thể ngăn chặn được kết cục đau lòng. Gia đình đã được tư vấn về việc cần phải tiêm chủng nhưng lại không làm theo. “Chúng tôi đã truyền thông rất nhiều về tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh dại sau khi bị súc vật cắn, nhưng người dân vẫn chủ quan”, bác sĩ Biện Ngọc Tân trăn trở.
Theo y văn, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương. Virus dại từ động vật lây sang người bởi chất tiết (thông thường là nước bọt bị nhiễm virus), xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ...). Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật lẫn người, đều dẫn đến tử vong. Hiện không có thuốc chữa bệnh dại; cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm chủng.
“Và cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng thuốc nam có thể điều trị được bệnh dại. Trong số các trường hợp tử vong do bệnh dại, có đến 80% từng uống thuốc nam thay vì đi tiêm phòng”, bác sĩ Biện Ngọc Tân cho biết.
Để tránh những kết cục đau lòng, khi bị súc vật cắn, bà con phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng. Trong trường hợp cần thiết, nếu vết cắn nặng, sâu, vết cắn ở vùng đầu - mặt - cổ, bộ phận sinh dục, đầu chi thì ngoài việc tiêm vắc xin còn tiêm huyết thanh kháng dại. Bác sĩ Biện Ngọc Tân giải thích: Virus dại ái tế bào thần kinh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, virus dại có xu hướng tìm tới tế bào thần kinh. Một khi súc vật mắc bệnh dại cắn vào vùng đầu - mặt - cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, virus dại di chuyển rất nhanh tới thần kinh trung ương. Nếu chỉ tiêm vắc xin, vắc xin chưa tạo miễn dịch thì virus dại đã tới thần kinh trung ương. Việc tiêm huyết thanh kháng dại là để trung hòa bớt lượng virus và kéo dài thời gian ủ bệnh, để vắc xin tạo được miễn dịch cho cơ thể.
Người dân đã biết về tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh dại, nhưng không ít người cho rằng vắc xin phòng dại rất nóng, trẻ con tiêm vào sẽ không lớn được, nên không tiêm. Bác sĩ Biện Ngọc Tân khẳng định: “Kể cả phụ nữ có thai, khi bị súc vật dại, nghi dại cắn vẫn tiêm vắc xin phòng bệnh dại được. Điều đó chứng minh chuyện bà con truyền miệng rằng vắc xin phòng dại thế này thế kia là không đúng”.
Để phòng ngừa bệnh dại, điều trước tiên là tất cả chó, mèo… nuôi cần phải được tiêm phòng; không thả rông chó; khi dắt chó đi ra ngoài thì phải đeo rọ mõm. Cũng cần lưu ý là hiệu quả miễn dịch cho chó, mèo sau khi tiêm phòng không phải tuyệt đối. Vì vậy, bác sĩ Biện Ngọc Tân khuyến cáo: “Cho dù chó đã được tiêm phòng nhưng khi nó cắn người thì người phải tiêm phòng. Sau khi tiêm vắc xin phòng dại, thầy thuốc phải tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là khi có bệnh khác thì nên báo cho thầy thuốc biết rằng mình mới tiêm phòng vắc xin dại. Thầy thuốc biết, không dùng các loại thuốc corticoid, vì thuốc này sẽ làm giảm miễn dịch do vắc xin tạo được, và nếu sử dụng nhiều corticoid thì sẽ mất đi miễn dịch do vắc xin tạo ra”.
YÊN LAN