Bộ Y tế vừa có Quyết định 2254 về việc ban hành Bộ công cụ phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Bộ công cụ này được áp dụng tại gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân có triển khai thực hiện phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em trên toàn quốc.
Bộ công cụ đưa ra Quy trình phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em, đầu tiên là nhận biết trẻ có rối loạn phát triển và các dấu hiệu cảnh báo rối loạn phổ tự kỷ, nhằm phát hiện sớm những rối loạn phát triển và các khuyết tật (thể chất và tâm thần) của trẻ từ 0 đến 72 tháng tuổi; phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em.
Theo Bộ Y tế, các dấu hiệu cảnh báo rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em, gồm: 6 tháng: Trẻ không cười, đáp ứng vui vẻ hoặc có biểu hiện thích thú. 9 tháng: Trẻ không có sự tương tác qua lại bằng âm thanh, nụ cười hoặc biểu lộ bằng ánh mắt, nét mặt. 12 tháng: Trẻ không nói bập bẹ nguyên âm, không tương tác qua lại bằng cử chỉ, điệu bộ như chỉ ngón trỏ, với hoặc vẫy tay. 16 tháng: Trẻ chưa nói được từ đơn. 24 tháng: Trẻ chưa nói được câu 2 từ rõ nghĩa hoặc có dấu hiệu nhại lời. Trẻ mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc mất kỹ năng xã hội ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Sau khi thăm khám, đánh giá sơ bộ sự phát triển của trẻ, nếu trẻ phát triển không phù hợp với lứa tuổi hoặc có dấu hiệu cảnh báo rối loạn phổ tự kỷ thì gửi trẻ đến khám bác sĩ phục hồi chức năng nhi và bác sĩ tâm thần nhi khoa ở tuyến tỉnh và trung ương để sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ. Bước tiếp theo là chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em (chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác, chẩn đoán xác định rối loạn phổ tự kỷ), đánh giá mức độ rối loạn phổ tự kỷ, sau đó quyết định nơi can thiệp (điều trị).
Nếu rối loạn phổ tự kỷ mức độ nhẹ và trung bình thì có thể điều trị tại tuyến tỉnh, sau khi thuyên giảm sẽ đưa về cộng đồng quản lý và can thiệp theo mô hình phù hợp tại địa phương. Nếu rối loạn phổ tự kỷ nặng, cần điều trị tại tuyến trung ương, sau khi thuyên giảm có thể chuyển về tuyến tỉnh hoặc về cộng đồng quản lý và can thiệp.
QUỲNH NHƯ