Chủ Nhật, 24/11/2024 01:12 SA
Đề phòng dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết
Thứ Hai, 26/04/2021 10:51 SA

Cán bộ y tế điều tra bọ gậy, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. ẢNH: QUỐC HỘI

Đã vào “mùa” bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo để phòng tránh hai bệnh truyền nhiễm này.

 

Thực hành vệ sinh, bảo vệ trẻ khỏi bệnh tay chân miệng

 

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ tháng 1 đến đầu tháng 4/2021, cả nước ghi nhận gần 17.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang, An Giang và Long An. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tăng 4 lần; gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam, đáng chú ý là tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

 

Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa, lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Số ca mắc gia tăng từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

 

Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết, sở đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành và có công văn gửi Sở GD-ĐT tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh này, đặc biệt là đối với học sinh mầm non - nhóm đối tượng thường mắc bệnh tay chân miệng nhất. Để phòng chống bệnh tay chân miệng, bác sĩ Trần Ngọc Dưng khuyến cáo cần vệ sinh phòng học, đồ dùng học tập, đồ dùng giảng dạy, đồ chơi của trẻ... hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

 

Khi có những triệu chứng của bệnh tay chân miệng (sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, sau đó xuất hiện vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú...; phát ban dạng phỏng nước), nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để theo dõi, điều trị kịp thời các triệu chứng đồng thời xử trí, không để dịch bệnh lan rộng.

 

Không chủ quan với sốt xuất huyết

 

Theo thống kê của ngành Y tế Phú Yên, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2020. So với trung bình 5 năm 2016-2020, số ca mắc cũng giảm. Đó là điều rất đáng mừng, tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan, nhất là khi bắt đầu vào “mùa” SXH.

 

“Ngay từ đầu năm, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo và trong ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chủ động phát hiện sớm những trường hợp mắc SXH để có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lan rộng. Phú Yên là tỉnh SXH lưu hành quanh năm, cao điểm là từ tháng 6-8. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, phải diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống SXH”, bác sĩ Trần Ngọc Dưng khuyến cáo.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, hàng tuần, mỗi nhà, mỗi người nên dành khoảng 15-20 phút để kiểm tra, súc rửa những vật dụng chứa nước trong nhà, đồng thời kiểm tra xung quanh nhà, xử lý những vật dụng có nước đọng để ngăn chặn muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.

 

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, hiện có 4 tuýp virus SXH lưu hành tại Việt Nam. Bệnh truyền nhiễm này không có miễn dịch chéo, vì vậy một người có thể mắc nhiều tuýp. Mặt khác, miễn dịch của bệnh không duy trì suốt đời nên người mắc bệnh trước đó vẫn có thể mắc lại. 90% các trường hợp tử vong do SXH là dưới 15 tuổi.

 

Từ đầu năm đến nay, Phú Yên đã có 2 trường hợp tử vong do SXH (1 trẻ 5 tuổi ở TX Đông Hòa, 1 trẻ 7 tuổi ở huyện Sông Hinh). Hai trường hợp trên đều đến cơ sở y tế muộn, bệnh diễn tiến nặng rất nhanh; một trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, làm nặng thêm bệnh cảnh SXH.

 

Các triệu chứng của sốt xuất huyết cần được phân biệt vì một số biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như sốt, đau mỏi cơ... Nhân viên y tế cần khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn. Người dân khi có biểu hiện mắc SXH cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời; tuyệt đối không được truyền dịch tại nhà vì SXH có thể diễn tiến nặng rất nhanh, dễ gây nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

 

Hàng tuần, mỗi nhà, mỗi người nên dành khoảng 15-20 phút để kiểm tra, súc rửa những vật dụng chứa nước trong nhà, đồng thời kiểm tra xung quanh nhà, xử lý những vật dụng có nước đọng để ngăn chặn muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh SXH.

 

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Ngọc Dưng

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek